Đại biểu Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh)
Bài toán về xét tuyển đại học rất cam go
Trong phần thảo luận sáng nay (9/11) tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) cho biết tại kỳ tuyển sinh đại học vừa qua, điểm chuẩn đầu vào của nhiều trường đại học tăng mạnh và việc nhiều thí sinh điểm gần như tuyệt đối vẫn trượt đại học là vấn đề cần được xem xét.
Bà Hà cho rằng năm học 2020-2021 tại nhiều địa phương, học sinh phải ôn tập trực tuyến thay vì đến trường học trực tiếp nhiều tháng trước kỳ thi. Điều này chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng bài thi của các em học sinh. Bộ GD&ĐT đã thiết kế đề thi phù hợp với mục tiêu thi tốt nghiệp THPT chính vì vậy điểm thi tốt nghiệp của các em học sinh khá tốt.
“Tuy nhiên bài toán về xét tuyển đại học lại rất cam go. Câu chuyện điểm cao, điểm gần như tuyệt đối vẫn không đỗ nguyện vọng 1 hoặc trượt đại học không phải là câu chuyện mới nhưng nếu tiếp tục phát triển thì liệu các trường đại học có “bỏ sót” tài năng thực sự và liệu học sinh còn thực sự tin tưởng vào năng lực bản thân”, đại biểu đoàn Bắc Ninh nêu quan điểm.
Giáo viên dạy trực tuyến bị áp lực tâm lý
Về việc dạy và học trực tuyến, đại biểu Nguyễn Thị Hà lo lắng, việc học trực tuyến kéo dài khiến học sinh bị giảm tương tác, giáo viên bị áp lực tâm lý khi một tiết học trăm mắt nhìn, khán thính giả trong giờ học còn là phụ huynh, dư luận, mạng xã hội.
Cũng theo đại biểu, dưới tác động của dịch Covid-19, thời gian qua toàn ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng, chủ động, sáng tạo trong việc dạy và học trực tuyến, thể hiện sự thích nghi với khoa học công nghệ. Học trực tuyến, học online dù không thể thay thế được học trực tiếp nhưng là giải pháp tất yếu tối ưu, nhằm cung cấp kiến thức cho người học trong thời gian diễn ra đại dịch.
Tuy vậy, đại biểu Hà cho rằng, học trực tuyến cũng khiến chất lượng dạy và học không đảm bảo do đường truyền không ổn định, giáo viên lớn tuổi gặp khó khăn trong ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, bởi thiết bị dạy và học bị hạn chế cả về số và chất lượng. Bên cạnh đó, việc quản lý học sinh khi học tập chưa thực sự hiệu quả, chương trình “Sóng và máy tính cho em” chưa đáp ứng được yêu cầu.
Ngoài ra, việc dạy và học trực tuyến kéo dài đã gây ra các vấn đề liên quan đến sức khỏe khi phải ngồi tiếp xúc với thiết bị điện tử lâu, trong thời gian dài. Học sinh lo lắng khi bị giảm tương tác với thầy cô và bạn bè, giáo viên nảy sinh áp lực tâm lý khi khi một tiết học trăm mắt nhìn, khán thính giả trong giờ học không chỉ là học sinh mà còn là phụ huynh, dư luận, mạng xã hội.
Đại biểu đoàn Bắc Ninh đề nghị Chính phủ giao các Bộ, ngành hữu quan có biện pháp nâng cấp đường truyền đảm bảo chất lượng băng thông luôn ổn định mở rộng, nhiều đối tượng được tiếp cận chương trình “Sóng và máy tính cho em”; Nghiên cứu các hình thức thu hút các doanh nghiệp tham gia vào chương trình này để sớm đạt mục tiêu không học sinh nào bị bỏ lại phía sau.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị tổ chức nhiều chương trình đối thoại để chia sẻ cởi bỏ tâm lý của giáo viên, phụ huynh, học sinh khi học trực tuyến kéo dài. Ngoài ra, các cơ quan hữu quan cần nghiên cứu xây dựng phần mềm dạy học phù hợp hiệu quả tiên tiến, thân thiện, tăng cường tập huấn cho giáo viên, học sinh nâng cao chất lượng dạy và học trực tuyến…
Hạnh Nguyên - TTTĐ