Điểm mặt các dịch bệnh thường xuất hiện trên đàn vật nuôi mùa Đông - Xuân

03/01/2022 09:00

Kinhte&Xahoi Hiện nay, thời tiết miền Bắc đang trong những ngày lạnh nhất từ đầu mùa Đông đến nay, điều này sẽ gây ảnh hưởng đến sức đề kháng của đàn vật nuôi, đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại virus sinh sôi, này nở, gây hại cho đàn gia sức, gia cầm. Do đó, các hộ chăn nuôi cần tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi.

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất lớn

 Hà Nội là một trong những địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn với 32,6 triệu con gia cầm, 1,56 triệu con lợn, 171.251 con trâu, bò. Trong năm 2021 vừa qua, dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố cơ bản ổn định. Tuy nhiên, khoảng thời gian này, thời tiết diễn biến khắc nghiệt, làm giảm sức đề kháng của vật nuôi khiến tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh như: Tụ huyết trùng, tiêu chảy, viêm phổi (đàn trâu, bò); Phó thương hàn, tụ huyết trùng, tiêu chảy (đàn lợn); Tụ huyết trùng, Newcastle (đàn gia cầm)...

Thời điểm hiện tại, các hộ dân đang tập trung đẩy mạnh tái đàn lợn nhằm cung cấp nguồn thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Đây cũng là giai đoạn dễ bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm do trên địa bàn thành phố còn nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chưa được quản lý. Người chăn nuôi khá chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, thời tiết mưa, nắng thất thường cũng tạo điều kiện cho mầm bệnh truyền nhiễm phát sinh. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm cuối năm của người dân tăng cao nên việc vận chuyển gia súc, gia cầm tương đối lớn cũng tiềm ẩn phát sinh dịch bệnh.

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn gia cầm vào thời điểm mùa Đông - Xuân là rất lớn, do đó các hộ chăn nuôi cần chủ động các phương án phòng chống dịch

Để hạn chế dịch bệnh gia súc, gia cầm bùng phát vào dịp cuối năm và các tháng đầu năm mùa lễ hội 2022, các địa phương đang duy trì trực 24/24 giờ tại chốt kiểm dịch động vật liên ngành trên địa bàn toàn thành phố; Các lực lượng chức năng cũng đẩy mạnh xử lý nghiêm các trường hợp nhập động vật, sản phẩm động vật không có giấy chứng nhận kiểm dịch; Tăng cường phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y, công an, quản lý thị trường trong kiểm dịch, kiểm soát động vật, sản phẩm động vật xuất, nhập trên địa bàn thành phố.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, các địa phương cần đẩy mạnh tiêm phòng các loại vắc xin, đạt tỷ lệ cao (từ 80% tổng đàn trở lên) để tạo miễn dịch cho đàn gia súc, gia cầm. Cùng với đó, thực hiện tổng tẩy uế môi trường, làm giảm sự lây nhiễm mầm bệnh ở các cơ sở chăn nuôi.

Các địa phương thực hiện tốt việc giám sát dịch bệnh tại các cơ sở, chỉ đạo mạng lưới thú y cơ sở thực hiện tốt việc giám sát tại các thôn, xóm có chăn nuôi; Tăng cường kiểm tra các bãi rác, kênh mương, kịp thời xử lý xác gia súc, gia cầm chết trôi nổi, không rõ nguồn gốc; Kịp thời phát hiện dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm để có biện pháp ngăn chặn; Lấy mẫu làm các xét nghiệm để dự tính, dự báo dịch bệnh, nhất là các cơ sở chăn nuôi lớn, vùng chăn nuôi tập trung.

Chủ động các biện pháp phòng chống dịch

 Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 303/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố năm 2022.

Theo đó, các sở, ngành liên quan và các địa phương của thành phố triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo quy định; Phát triển chăn nuôi, quản lý giết mổ gia súc, gia cầm có kiểm soát.

Trong công tác tổ chức triển khai thực hiện phải có sự chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành từ thành phố đến cơ sở và cả hệ thống chính trị. Các đơn vị cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, huy động toàn dân tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh và chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm an toàn.

UBND thành phố cũng yêu cầu các địa phương tổ chức phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm phải kịp thời, phù hợp, hiệu quả, không để lãng phí các nguồn kinh phí đầu tư; Quản lý chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm và giám sát dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm, đặc biệt tại các ổ dịch cũ, nơi có nguy cơ cao, bảo đảm an toàn cho người trực tiếp tham gia và những người liên quan đến công tác phòng, chống dịch.

Các địa phương của thành phố triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo quy định

Song song đó, các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản của UBND thành phố về nội dung trên, cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm và phòng, chống dịch bệnh; kiên quyết ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Hà Nội cho thấy, năm 2021, trên địa bàn thành phố xảy ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi tại 8 huyện; Bệnh cúm gia cầm xảy ra tại 10 huyện; Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò xảy ra tại 3 huyện.

Trong năm, các cấp, các ngành đã chủ động thực hiện tốt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và đạt được kết quả tích cực, dịch bệnh không lây lan ra diện rộng.

Dự báo tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm năm 2022 vẫn có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là bệnh cúm gia cầm (A/H5N8), bệnh Dịch tả lợn châu Phi… trong khi, thành phố có quy mô tổng đàn gia súc, gia cầm lớn; Chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, tự phát còn chiếm tỷ lệ cao; Mặt khác địa bàn Hà Nội có mức tiêu thụ sản phẩm động vật và lưu lượng vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vào thành phố khá lớn… nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm là rất cao.

Do đó, các địa phương cần chủ động giám sát dịch bệnh, nhất là tại những nơi đã từng xuất hiện dịch bệnh, các khu vực có nguy cơ cao để cảnh báo, phát hiện sớm và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện.

Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo với chính quyền địa phương dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây bức xúc cho cộng đồng. Mặt khác, các địa phương cần tổ chức tổng vệ sinh, khử trùng để tiêu diệt các mầm bệnh ở môi trường, nhất là những nơi có mật độ chăn nuôi cao; Đặc biệt, cần có biện pháp ngăn chặn các loài truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, không để dịch bệnh lây lan.

 Huyền Thanh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TP HCM: 5/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ

Thông tin từ Cục Thống kê TP HCM cho biết, đứng trước những khó khăn và ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, với sự quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị và sự chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của Trung ương, TP HCM đã thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch hiệu quả, linh hoạt và dần mở cửa trở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh theo phương châm "An toàn là trên hết". Nhờ đó, kinh tế TP đang dần lấy lại đà hồi phục.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/diem-mat-cac-dich-benh-thuong-xuat-hien-tren-dan-vat-nuoi-mua-dong-xuan-187147.html