Doanh nghiệp kiến nghị không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường, nước giải khát không cồn

24/03/2023 17:33

Kinhte&Xahoi Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi xung quanh đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi nhằm phát huy hơn nữa vai trò của sắc thuế này.

Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng báo cáo Chính phủ tiến độ của dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi để Chính phủ lập đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội thông qua đề nghị bổ sung dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV vào tháng 10/2023.

Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi (Luật thuế TTĐB) tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV (tháng 5/2024).

Bổ sung đánh thuế nhiều mặt hàng mới

Theo Bộ Tài chính cho biết: Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2009 thay thế Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 1999, Luật sửa đổi một số điều của Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2003, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2005.

Các nội dung sửa đổi, bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt trong thời gian qua đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội như góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng của xã hội, điều tiết thu nhập của người tiêu dùng có thu nhập cao, góp phần tái phân phối thu nhập, đảm bảo công bằng xã hội; góp phần bảo vệ môi trường; thực hiện cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế và góp phần ổn định nguồn thu cho ngân sách nhà nước…

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, trong giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và thời gian tới, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành vẫn còn những hạn chế nhất định cần tiếp tục được hoàn thiện để phát huy hơn nữa vai trò của thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo Bộ Tài chính, cần tiếp tục được hoàn thiện để phát huy hơn nữa vai trò của thuế tiêu thụ đặc biệt, cần phải sửa đổi, bổ sung Luật thuế TTĐB để giải quyết những bất cập phát sinh, khuyến khích chuyển đổi nhập khẩu, sản xuất, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, hạn chế tiêu dùng hàng hoá có hại cho sức khoẻ.

Theo dự thảo tờ trình Chính phủ về việc xây dựng dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, một trong những nội dung đáng lưu ý của đề xuất lần này là: Bổ sung đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Theo Bộ Tài chính, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến nghị tới chính phủ các nước tiến hành nhiều hành động nhằm khuyến khích người dân tiếp cận thức ăn lành mạnh qua các biện pháp đánh thuế vào đồ uống có đường để định hướng tiêu dùng. Các nước đã dần bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Theo đó, giảm đồ uống có đường có thể dự phòng tử vong do góp phần làm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì, rối loạn đường máu, mỡ máu và tăng huyết áp, là các yếu tố nguy cơ gây tử vong phổ biến tại các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Năm 2012, chỉ có 15 quốc gia, đến 2021 có ít nhất 50 quốc gia thu thuế TTĐB đối với mặt hàng này. Tính riêng ASEAN, có 6/10 nước đã thu thuế TTĐB đối với đồ uống có đường.

Đối với thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn, Bộ Tài chính cho biết, trên thực tế đã xuất hiện việc nhập khẩu sản phẩm thức uống không có cồn được sản xuất theo quy trình sản xuất và nguyên liệu sản xuất tương tự mặt hàng bia. Sản phẩm không có cồn nên không được xác định là bia theo Quy định. Sản phẩm đáp ứng TCVN 12828:2019 về nước giải khát nên doanh nghiệp công bố tên giọi là tiêu chuẩn sản phẩm là thức uống đại mạch, do vậy không thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB theo Luật thuế TTĐB hiện hành.

Một sản phẩm thức uống đại mạch của Heineken (Ảnh: Bách Hóa xanh)

Bộ Tài chính dẫn chứng cho biết, một số nước như Thái Lan, Ấn Độ đang nghiên cứu tiến hành áp thuế TTĐB đối với loại bia có nồng độ cồn 0 trong khoảng từ 14 – 22%. Tại Oman, bia có nồng độ cồn 0 chịu thuế TTĐB 50% kể từ 1/10/202 sau khi quốc gia này có chính sách mở rộng đối tượng chịu thuế TTĐB.

“Sản phẩm thức uống đại mạch có quy trình sản xuất và nguyên liệu giống mặt hàng bia, hình thức bề ngoài của sản phẩm giống bia, vẫn có mùi vị đặc trưng như bia, chỉ khác tên gọi, giá bán xấp xỉ như nhau nên có thể coi là sản phẩm tương tự bia không cồn. Do vậy, cần thiết quy định rõ để định hướng tiêu dùng với mặt hàng này”, văn bản của Bộ Tài chính nêu về sản phẩm thức uống đại mạch.

Doanh nghiệp kiến nghị cân nhắc kỹ tác động

Được biết, ngày 21/2/2023, Bộ Tài chính đã gửi văn bản số 1585/BTC-VCS lấy ý kiến về việc lập đề nghị xây dựng dự án Luật thuế TTĐB (sửa đổi) tới các Bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; VCCI; các Hiệp hội có doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các mặt hàng thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật, đồng thời đăng tải hồ sơ lấy ý kiến lên website của Bộ Tài chính và Chính phủ… Trong đó có nội dung bổ sung đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia.

Ngay sau đó, các doanh nghiệp và các tổ chức cũng đã có nhiều hoạt động, lên tiếng, đóng góp ý kiến vào dự án Luật thuế TTĐB (sửa đổi).

Mới đây nhất, VCCI đã phối hợp với Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát Việt Nam (VBA) đã tổ chức Hội thảo Ngành Đồ uống đóng góp ý kiến về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Tại Hội thảo, đại diện Tiểu ban Nước giải khát của VBA, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nước giải khát Suntorry Pepsico Việt Nam - ông Đỗ Thái Vương đã bày tỏ lo ngại về đề xuất bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Nước giải khát không cồn là đối tượng chịu tác động của Dự thảo Luật Thuế TTĐB.

“Hiện chưa có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn để chứng minh rằng việc áp thuế TTĐB với đồ uống có đường sẽ giúp giảm tình trạng thừa cân béo phì, đặc biệt là trong bối cảnh có rất nhiều loại thực phẩm có chứa đường và hàm lượng calo cao tồn tại trên thị trường”, ông Đỗ Thái Vương cho biết.

Cũng theo ông Vương, việc áp thuế TTĐB với đồ uống có đường sẽ ảnh hưởng nặng nề đối với ngành nước giải khát và gây ra những hệ lụy không mong muốn đối với các ngành kinh tế khác có liên quan như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì,… cũng như cả nền kinh tế.

Với đề xuất của Bộ Tài chính cho rằng “thức uống đại mạch” là sản phẩm tương tự bia không cồn do có nguyên liệu, quy trình, hình thức, mùi vị giống bia nên cần phải đánh thuế TTĐB, đại diện Tiểu ban Nước giải khát khẳng định “cơ sở đề xuất này là bất hợp lý”.

“Vì các yếu tố giống nhau này không phải là cơ sở pháp lý để áp thuế TTĐB và cũng không phải là cơ sở phù hợp với mục đích của sắc thuế TTĐB là hạn chế hoặc không khuyến khích tiêu dùng những sản phẩm có hại cho sức khỏe - thực tế chưa có bất kỳ nghiên cứu khoa học nào kết luận rằng thức uống đại mạch có hại cho sức khỏe”, ông Đỗ Thái Vương nêu ý kiến.

Đại diện Hiệp hội Thương Mại Hoa Kỳ (Amcham), ông Chris Vanloon dẫn số liệu của Bộ Tài chính, trong đó cho biết, chỉ có khoảng 1/4 quốc gia trên thế giới áp dụng thuế đối với đồ uống có đường.

“Đây là một thuật ngữ gây nhầm lẫn, vì các tài liệu khoa học trong chính báo cáo này sử dụng một thuật ngữ khác là “nước giải khát có bổ sung đường”. Như vậy, chúng tôi thấy không có quốc gia nào trong số này chứng minh được hiệu quả của sắc thuế trong việc giảm béo phì và đái tháo đường, trong khi nó gây ra những tác động kinh tế - xã hội lớn đến mức một số quốc gia, chẳng hạn như Đan Mạch, đã rút bỏ loại thuế này” - ông Chris Vanloon chia sẻ tại hội thảo.

Lãnh đạo Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát Việt Nam cho biết, kiến nghị của ngành bao gồm những điểm quan trọng sau: Xem xét chưa sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt ít nhất trong thời gian 2023 - 2024 để giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh và phục hồi sau đại dịch; Không bổ sung mặt hàng đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu Thuế tiêu thụ đặc biệt; Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt cần được xem xét, thảo luận và thông qua tại hai Kỳ họp Quốc hội.

Kiến nghị xem xét lại việc đánh thuế đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn

Đại diện VBA cho biết đã có văn bản gửi tới Bộ Tài chính nhằm góp ý đối với Đề nghị xây dựng dự án Luật thuế TTĐB (sửa đổi).

Đáng chú ý, VBA đã kiến nghị không bổ sung mặt hàng Đồ uống có đường, Thức uống đại mạch và Nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Cụ thể, đối với đồ uống có đường, theo VBA, có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh thừa cân béo phì, tiểu đường mà đồ uống có đường không phải là nguyên nhân chính. Đồng thời cho rằng, kinh nghiệm quốc tế cho thấy áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường không hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì.

Bên cạnh đó, VBA nhận định mức tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam, đặc biệt là nước giải khát không cao so với hiều quốc gia trên thế giới. Nhiều nước có mức tiêu thụ các sản phẩm này cao hơn Việt Nam rất nhiều cũng không áp thuế đối với các sản phẩm này.

Cuối cùng, tổ chức này cho rắng ap dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường không chỉ gây ra những tác động tiêu cực đối với ngành đồ uống mà còn gây ra những hệ luỵ đối với nhiều ngành kinh tế có liên quan cũng như cả nền kinh tế. 

VBA cũng cho rằng, việc bổ sung thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế TTĐB là không phù hợp với tinh thần của Luật thuế TTĐB và mục tiêu của đề án sửa đổi luật.

“Chúng tôi cho rằng cơ sở để Bộ Tài chính Bổ sung thức uống đại mạch vào đối tượng chịu thuế TTĐB để hạn chế sản xuất, tiêu thụ là chưa phù hợp. Lập luận do quy trình sản xuất thức uống đại mạch giống quy trình sản xuất bia do vậy nên xem xét như bia là không hợp lý”, văn bản của VBA cho biết.

Đối với nước giải khát không cồn, VBA cho biết Bộ Tài chính đề xuất bổ sung “nước giải khát không cồn” vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Tuy nhiên, đề cương dự thảo Luật chưa làm rõ phạm vi các sản phẩm “nước giải khát không cồn” cũng như không có giải trình cụ thể về lý do và mục đích áp dụng thuế TTĐB đối với các sản phẩm này, vì đây không phải là các sản phẩm cần hạn chế tiêu dùng. Các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay chưa có quy định về khái niệm “nước giải khát không cồn”.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

Lê Hải - Như Trường - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Giá xăng RON95-III lùi về 23.040 đồng mỗi lít

Từ 15 giờ ngày 21/3, sau khi trích quỹ bình ổn, giá xăng E5 RON92 giảm 784 đồng/lít; Xăng RON95-III giảm 780 đồng; Dầu diesel giảm 1.200 đồng; Dầu hỏa giảm 1.253 đồng và dầu mazut giảm 800 đồng/kg.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/thuong-truong/doanh-nghiep-kien-nghi-khong-danh-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-do-uong-co-duong-nuoc-giai-khat-khong-con-d191604.html