Đừng chủ quan để “ai cũng thành F0”

02/03/2022 15:21

Kinhte&Xahoi Số ca F0 ngày một tăng cao trong cộng đồng tại Hà Nội khiến nhiều người có tâm lý chủ quan, chờ đợi ai cũng mắc COVID-19. Đó là quan niệm sai lầm, cần loại bỏ và chấn chỉnh ngay để giữ vững sự an toàn cho bản thân và những người xung quanh trong giai đoạn “nước sôi lửa bỏng” này.

Hài hước nhưng chớ coi thường

 Những ngày này, trên mạng xã hội các bạn trẻ hay lan truyền nhau câu: “Những ai mơ ước cuộc sống chanh sả đâu rồi”? Họ cũng đùa nhau: “Những đứa cầu mong cuộc sống chanh sả đâu bơi hết vào đây”. Kèm theo đó là hình ảnh nhà nhà người người mang gừng, sả, lá chanh ra… xông.

Thậm chí là cả hình ảnh rất buồn cười về ai đó rúc đầu vào nồi sả trùm chăn kín mít mà vẫn bốc hơi nghi ngút khiến ai lướt qua cũng không nhịn được cười. “Chanh sả” là cách giới trẻ nói lái về cuộc sống sang chảnh, mặc hàng hiệu, đi du lịch xa xỉ… mà họ mong muốn giờ trở thành “hot trend” của những người được “thăng cấp” F0.

“Bài thuốc” xông chữa COVID-19 đầy bất ngờ gồm sả, gừng, cua, ốc… cũng được mọi người gửi cho nhau như một cách động viên tinh thần, góp “mười thang thuốc bổ” để cùng vượt qua mùa dịch. Cũng đã có những người hùa theo, đăng ảnh cả nhà xì xụp “xông” với nồi ốc luộc đầy hỉ hả và vui vẻ.

"Bài thuốc" hài hước mà cư dân mạng chia sẻ cho nhau

“Dạo” khắp “cõi mạng” những ngày này thấy không thiếu những câu chuyện vui vui, hài hước mà “giang cư mận” (tức cư dân mạng) tạo ra nhằm “đoàn kết cõi Facebook” để chiến đấu với “giặc” COVID-19.

Còn lại, đa phần người dân chia sẻ tình trạng và kinh nghiệm điều trị F0 của mình. Những phương pháp, bí quyết được bàn tán xôn xao cho thấy người dân rất quan tâm, lưu ý. Ý kiến của các bác sĩ uy tín, những người có chuyên môn cũng được lan truyền để át đi những phương pháp, phương thuốc “trời ơi” nào đó làm công cuộc điều trị người mắc COVID-19 càng thêm rối loạn. Dần dần, người dân đã nghe theo các ý kiến chuyên môn nhiều hơn, bớt làm theo những kinh nghiệm dân gian chưa được kiểm chứng.

Tuy vậy, bên cạnh đó còn khá nhiều quan niệm cho rằng: Ai rồi cũng mắc COVID-19. Hùa theo những cuộc vui quá đà, có người còn “trách” “Những ai đến giờ này còn một vạch giơ tay” hay “Đến COVID-19 nó cũng chừa ra không thèm lây. Không F0 nổi thì vẫn còn FA mãi thôi”… để “chế giễu” những người độc thân hoặc những người chưa mắc COVID-19.

Thực ra, ai cũng hiểu đây chỉ là chuyện vui, câu đùa và thấy mừng cho những người may mắn chưa bị COVID-19 “hỏi thăm”. Khi mọi người đã xác định đây là cuộc chiến buộc phải đối mặt, vững tâm, bình tĩnh chuẩn bị mọi phương án để chiến đấu thì chắc chắn cuộc chiến ấy sẽ nhanh chóng đi đến hồi thắng cuộc.

Dù vậy, điều này cũng chứa đựng mầm mống, nguy cơ của sự lơ là, chủ quan. Trước thông tin quá nhiều người mắc COVID-19, tâm lý người dân dễ buông xuôi, nghĩ rằng thể nào cũng đến lượt mình, có phòng tránh cũng không thể thoát. Điều này chỉ góp phần làm các ca nhiễm tăng mạnh hơn lên, tạo áp lực cho y tế cơ sở và kéo theo nhiều hệ lụy khác.

Nâng cao cảnh giác để hạn chế tổn thất tối đa

 Trái ngược với “cõi mạng”, tại các tổ dân phố, khu dân cư, cuộc sống có phần kém sôi nổi, náo động hơn. Tại các chợ dân sinh, hoạt động bán mua không tưng bừng, tấp nập được như thời điểm trước Tết Nguyên đán. Ngoài đường, các quán nước, quán cà phê, điểm ăn uống cũng không nhiều người ngồi. Đặc biệt, những cuộc trò chuyện túm năm tụm ba trước đây vắng bóng hẳn.

Dạo khắp các khu dân cư quanh Hà Nội bây giờ nhiều nhà cửa đóng then cài. Mọi người rút vào hoạt động trong nhà. Trước cửa nhiều ngôi nhà có dán tấm biển đỏ ghi chữ “Địa điểm cách ly để phòng, chống dịch COVID-19”. Ai nấy đi qua đều vội vàng, không tò mò, không còn sửng sốt nữa. Mọi người đã quá quen với việc nhà nào đó đột nhiên bị đóng cửa, hết thời gian gỡ biển lại trở lại hoạt động bình thường.

Người dân nên nâng cao cảnh giác, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch để COVID-19 không "gõ cửa" nhà mình

Bà Loan (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) khi biết cô cháu gái trở thành F0 thì gọi điện đi khắp các nhà hàng xóm, dặn đừng cho trẻ con vào chơi trong ngách nhà mình. Khi hết thời gian cách ly, cô cháu gái được mẹ chở ra phường khai báo để lấy giấy chứng nhận. Mọi người thấy bà đi ra ngõ đều hỏi han ân cần, bà Loan cũng chia sẻ các kinh nghiệm “đối phó” với F0 mà gia đình bà đã trải qua và tích lũy được.

Còn chị Phương (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết điều mình cảm nhận rõ nét được là tâm thế rất chủ động, nhân văn của người Hà Nội trong giai đoạn này. “Nếu như trước đây, gia đình nào nhiễm COVID-19 thì nhiều ngày sau, những nhà xung quanh còn ngại không muốn gặp mặt, không dám chào hỏi, tránh tiếp xúc. Nay mọi người cởi mở hơn, thoải mái coi như một trận ốm lâu lâu không gặp. Điều đó giúp những người mắc bệnh như chúng tôi thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều”, chị Phương tâm sự.

Chị Minh (ở quận Long Biên, Hà Nội) thì cho biết suốt những ngày gia đình mình bị mắc COVID-19, hàng xóm xung quanh thay phiên nhau đi chợ mua giúp thức ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm và động viên, tự chọn cho những đồ ăn ngon nhất, nhiều dinh dưỡng để chống chọi bệnh tật. Vì thế, dù ở trong nhà cách ly hơn chục ngày nhưng chị thấy vẫn như được hòa nhập cuộc sống của ngõ xóm bình thường, không hề có gì xa cách, cản trở.

Đừng chủ quan để “ai cũng thành F0”

Như vậy, đối với nhiều người Hà Nội, việc nhiễm bệnh dịch không còn là điều gì quá kinh khủng nữa. Tuy nhiên, tâm lý chủ quan, bớt đề phòng đã và đang nhen nhóm, hình thành.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà khuyến cáo: “Người dân cần giữ bình tình vì hầu hết đã tiêm 2-3 mũi vắc xin, triệu chứng khi nhiễm bệnh thường nhẹ, sẽ hết sau khoảng 7-10 ngày điều trị. Mọi người không nên hoang mang lo sợ, nhưng tránh tâm lý chủ quan, chờ đợi "rồi ai cũng là F0"; Thực hiện nghiêm túc 5K, tránh tụ tập, hội họp, giao lưu không cần thiết là biện pháp tốt nhất để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình”.

COVID-19 không phải là thứ có thể chia phần mà ai cũng đến lượt. Bằng chứng là sống giữa những người nhiễm bệnh, sống giữa khu dân cư cả ngõ nhiễm bệnh vẫn có những người, những gia đình không nhiễm. Vì thế, “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, người dân vẫn có thể không bị COVID-19 “hỏi thăm” nếu nâng cao cảnh giác, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch.

Chị Hương (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ rằng: “Nhà tôi có 6 người bị F0, tuy không quá nặng đến nỗi phải nhập viện nhưng cuộc sống cũng đảo lộn, tốn kém và nhiều thứ bị hạn chế. Bởi thế, mọi người cố gắng nên tránh đừng để mình và người thân trở thành F0. Nên tính đến các nguy cơ người già và trẻ nhỏ cùng những người có bệnh nền phải nhờ đến y tế can thiệp. Mong rằng nhiều người được bình yên qua mùa dịch”.

“Cuộc chiến” với COVID-19 ở Hà Nội vẫn còn đang tiếp diễn và việc kết thúc sớm hay muộn một phần tùy thuộc vào thái độ của chúng ta. Mong rằng, mỗi người hãy nâng cao cảnh giác hơn nữa, ngăn chặn nguồn lây để hạn chế được thiệt hại tối đa cho mình và cộng đồng.

Cẩm Tú - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kinh tế Hà Nội phục hồi rõ nét

Theo Cục Thống kê Hà Nội, tính chung 2 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 1,8%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 4,3%; công nghiệp khai khoáng giảm 1,8%.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/dung-chu-quan-de-ai-cung-thanh-f0-190944.html