Đừng để lòng mình trở nên chật hẹp bởi sự hoài nghi

03/03/2020 14:45

Kinhte&Xahoi Trước những tin vui về kết quả đạt được trong công tác dự phòng, điều trị Covid-19 của Việt Nam, nhiều ý kiến tỏ ra không tin tưởng. Thậm chí, khi có người tử vong vì bệnh khác mà có triệu chứng ho, suy hô hấp… dù kết quả xét nghiệm âm tính với corona thì vẫn còn những sự hoài nghi đến mức nhẫn tâm.

Sự hoài nghi đó kéo theo những lời đồn thổi vô căn cứ, phủ nhận sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của toàn dân trong suốt thời gian qua. Và chính sự hoài nghi đã khiến lòng người trở nên chật hẹp khi cố “bới lông tìm vết” tung tích, bệnh án của những người đã khuất nhằm thỏa mãn sự hiếu kỳ được núp dưới mục đích tưởng chừng cao đẹp là bảo vệ cộng đồng khỏi lây nhiễm.

Những đồn thổi ác ý với người đã khuất

Bất kỳ một gia đình nào khi có người thân mất đi đều thấm thía nỗi buồn đau sâu sắc của sự mất mát mà khó có thể khỏa lấp nổi. Trong sự đau khổ cùng cực đó, điều họ cần nhận được chính là sự sẻ chia, an ủi, động viên từ cộng đồng, làng xóm. Thế nhưng, giữa thời điểm nhạy cảm của dịch bệnh Covid-19, bỗng dưng những cái chết bình thường lại trở thành bất thường dưới con mắt của mọi người xung quanh, thậm chí của cả những người họ không hề quen biết.

Đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng dịch tại Hà Giang. Ảnh: Vân Hà

Một nữ sinh 18 tuổi ở Thừa Thiên-Huế nhập viện ngày 22-2 với triệu chứng khó thở, sốt và ho trong 1 tuần. Sau đó bệnh tiến triển nặng, nữ sinh đã tử vong với kết quả khám nghiệm pháp y cho thấy nguyên nhân do bệnh lý về não. Quan trọng nữa, kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm cho thấy nữ sinh này âm tính với Covid-19. Nhưng dường như, kết quả này vẫn chưa đủ làm cho các “anh hùng bàn phím” cảm thấy thỏa mãn, họ tiếp tục đồn thổi, tỏ ra không tin tưởng.

Hay với trường hợp một thanh niên ở Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm bị đột tử ngày 29-2, với sự cẩn trọng cần thiết, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Nội đã chỉ đạo thực hiện những biện pháp cần thiết như với trường hợp có bệnh (khử trùng, cách ly những người tiếp xúc, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm).

Đây là việc làm vô cùng cần thiết, sự chặt chẽ để loại trừ sự lây lan ra cộng đồng nếu người đó nhiễm bệnh. Thế nhưng, lại có những suy nghĩ cho rằng: “không bị bệnh sao phải khử khuẩn”, “không bị bệnh sao phải cách ly”. Từ suy nghĩ đó, họ kết luận chàng trai này tử vong do Covid-19. Ngay cả khi có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-COVY2 họ vẫn không thôi hoài nghi, ngờ vực.

Rồi trường hợp một cô gái sinh năm 1993 ở Khánh Hòa, vào TP HCM rồi đổ bệnh. Cô gái này vào BV Nhân dân 115 nhập viện trong tình trạng đau bụng, khó thở, tiêu chảy, huyết áp thấp, xét nghiệm có men tim cao. Bệnh nhân được chẩn đoán: viêm cơ tim cấp, suy hô hấp cấp tiến triển, suy đa phủ tạng.

Quá trình điều trị, bệnh tiến triển nặng, bệnh nhân đã tử vong với chẩn đoán viêm cơ tim cấp, suy hô cấp cấp tiến triển và suy đa phủ tạng. Bệnh nhân không có yếu tố dịch tễ liên quan tới Covid-19. Tuy nhiên, với sự cẩn trọng cần thiết, đang trong mùa dịch Covid-19, BV đã triển khai điều trị cấp cứu bệnh nhân trong điều kiện cách ly.

Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm từ họng, dịch nội khí quản cho thấy bệnh nhân âm tính với Covid-19. Tuy nhiên, một làn sóng đồn thổi lan nhanh, yêu cầu cách ly gia đình bệnh nhân; những “Youtuber” còn rình rập đến nhà cô gái để hòng livestream thông tin liên quan. Sự phiền toán, nhẫn tâm đó là khó có thể chấp nhận với người đã khuất và người thân của họ.

Hãy thôi sống hoài nghi, suy diễn

Trở lại với thành công của Việt Nam đến thời điểm này đã “kiểm soát tốt” dịch bệnh khi qua 18 ngày chưa ghi nhận ca mắc mới; 16/16 ca bệnh đã khỏi và xuất viện. Đây thực sự là kết quả của sự nỗ lực không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị cũng như toàn thể nhân dân.

Thế nhưng, bên cạnh sự đồng lòng vào cuộc tự giác nâng cao ý thức phòng bệnh của đa số người dân, vẫn còn một bộ phận muốn phủ nhận những nỗ lực này. Với mỗi con số đưa ra, họ đều cho là bị “giấu giếm”. Thậm chí, họ còn giỏi tưởng tượng đến mức cho rằng các bệnh nhân được xuất viện là người “đóng thế”!.

Nhưng có một sự thật mà họ không thể phụ nhận là Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (US CDC) đã quyết định đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các điểm đến có khả năng lây lan Covid-19 ra cộng đồng vào ngày 28-2 mới đây. Nếu như Việt Nam không làm tốt công tác phòng, điều trị bệnh thì không thể có sự lựa chọn của một trung tâm vốn có những tiêu chuẩn đánh giá ngặt nghèo và khách quan này.

Sự hoài nghi được tiếp tay bởi những tin đồn vô căn cứ được thổi bùng lên trên mạng xã hội với tốc độ lan tỏa nhanh chóng. Các tin đồn với đủ dạng khác nhau, từ số người nhiễm ở nơi này, nơi kia đến bí quyết dùng trứng gà diệt virus. Và ở mức độ cao hơn là dưới dạng tin nhắn cảnh báo của “người quen”.

Mới đây trên mạng xã hội xuất hiện tin nhắn khuyến cáo “Hà Nội có nguy cơ rất rất cao” bùng phát Covid-19. Tin nhắn có nội dung: “Chú Bằng vừa báo, bên chú Trường-Chánh Văn phòng Bộ Y tế nhắc khéo, cẩn thận tuần này, tuần sau không ra các quán xá, chỗ đông người, trung tâm thương mại vì Hà Nội có nguy cơ rất rất cao bùng phát lây lan vào tuần sau, sau khi đánh giá các nguy cơ tiềm ẩn. Mọi người hạn chế ra đường, đeo khẩu trang trong văn phòng, không ăn uống ngoài đường, mang cốc riêng mà uống nước văn phòng”.

Trước thông tin này, ông Vũ Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông-Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế nhấn mạnh: Chúng tôi xin khẳng định, đây là thông tin giả.

“Mọi khuyến cáo của Bộ Y tế tới người dân đều được truyền tải qua các kênh truyền thông chính thức của Bộ Y tế, các cơ quan báo chí chính thống và các tin nhắn SMS của các DN hoạt động trong lĩnh vực viễn thông”, ông Vũ Mạnh Cường thông tin.

Những lời đồn thổi vô căn cứ, những sự hoài nghi không cần thiết cho thấy sự khiếm khuyết về suy nghĩ của một bộ phận trong cộng đồng. Và điều đó sẽ không đóng góp cho công tác phòng chồng dịch mà chỉ gây khó khăn, cản trở thêm mà thôi.

Vì vậy, nếu là người sống có trách nhiệm với cộng đồng, bản thân mỗi người thay vì đồn đoán, hoài nghi, hay tự nâng cao ý thức phòng dịch cho chính mình. Đồng thời, có ý thức giám sát những người xung quanh khi họ đi về từ dùng dịch mà không hợp tác giám sát y tế, cách ly tại nhà nghiêm túc. Đó là sự đóng góp rất hữu ích cho công cuộc phòng dịch Covid-19 của Việt Nam.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Link bái gốc https://phapluatxahoi.vn/dung-de-long-minh-tro-nen-chat-hep-boi-su-hoai-nghi-181990.html