FECON lấy tiền đâu làm dự án khi lợi nhuận liên tiếp lao dốc, dòng tiền kinh doanh âm?

13/09/2023 10:41

Kinhte&Xahoi FECON dù gặp khó khăn về dòng tiền nhiều năm nay nhưng vẫn gia tăng các khoản đầu tư tài chính, nắm giữ cổ phần ở nhiều công ty.

Chỉ sau nửa đầu năm 2023, Công ty CP FECON (Mã HoSE: FCN, sau đây gọi tắt là: FECON) đã trúng nhiều gói thầu mới với tổng giá trị hơn 1.500 tỷ đồng. Dù nhiều việc, nhưng áp lực nợ vay lớn khiến chi phí lãi vay “bào mòn” đáng kể lợi nhuận của FECON, cùng với dòng tiền âm khiến nhiều nhà đầu tư (NĐT) đặt câu hỏi về nguồn vốn FECON huy động để tiếp tục làm dự án.

Việc FECON ký mới 6.000 tỷ đồng năm nay liệu có khả thi?

Năm 2023, FECON đặt kế hoạch doanh thu 3.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng, đều tăng mạnh so với năm trước đó.

Mục tiêu doanh thu năm nay là một con số kỷ lục, do Ban lãnh đạo (BLĐ) dự kiến 2.500 tỷ đồng backlog sẽ cho ra 1.800 tỷ đồng doanh thu, đồng thời FECON phấn đấu ký mới 6.000 tỷ đồng.

Thực tế, tháng 5/2023, FECON trúng thầu tổng giá trị gần 300 tỷ đồng, nâng mức lũy kế 5 tháng đầu năm đạt gần 800 tỷ đồng, là các dự án thi công nền móng và công trình ngầm. Tiêu biểu nhất trong tháng 5 là gói thầu thi công hạng mục “Cửa nhận nước làm mát và nhà bơm” thuộc Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 trị giá 192 tỷ đồng. Đây là hạng mục ngầm sâu được đánh giá khó thi công và có tính chất phức tạp nhất của dự án.

FECON trúng thêm các gói thầu có giá trị lớn khác như gói thầu thi công Kè bê tông thuộc Dự án Cầu Hôn trị giá gần hơn 59,7 tỷ đồng tại Phú Quốc; gói thầu thi công Cọc xi măng đất D1200 thuộc dự án Royal Group Headquarters (tại Campuchia) trị giá hơn 22,2 tỷ đồng hay Gói sản xuất và ép cọc tại Dự án Clubhouse Vũng Bàu (Phú Quốc) trị giá 12,2 tỷ đồng. Ngoài ra, FECON cũng ghi nhận nhiều gói thầu phụ khác tại nhiều dự án tiêu biểu trên cả nước như Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2, Dự án Vinhomes Gardenia (Hà Nội)…

Tháng 7/2023, FECON trúng thêm 5 gói thầu mới với tổng giá trị 537,1 tỷ đồng, gồm Gói thầu Thiết kế và thi công hạ tầng thuộc Dự án TH Healthcare (172,8 tỷ đồng), Gói thầu Thi công cọc đại trà, tường vây và Kingpost thuộc Dự án Khu dịch vụ du lịch ven sông Hàn (75,9 tỷ đồng), Gói thầu Thi công cọc thuộc Dự án Toà nhà Văn phòng Betrimex (gần 44,8 tỷ đồng), một phần việc tại Dự án Đầu tư xây dựng nút giao Phú Thứ và tuyến đường kết nối tại xã Tiên Hiệp, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam (65 tỷ đồng), và Gói thầu Sản xuất khối neo trọng lực cho Dự án điện gió ngoài khơi thuộc vùng biển Malaysia trị giá 178,6 tỷ đồng.

Trong quý III, dự án Metro3 TP Hà Nội có giá trị hợp đồng hơn 1.000 tỷ đồng ký từ 2 năm trước nhưng bị dừng thi công do vướng mặt bằng có thể sẽ được tái khởi động, Fecon cũng dự kiến sẽ ký được hợp đồng thi công điện gió ở Philippines trị giá hàng nghìn tỷ đồng và các dự án hạ tầng ở Campuchia và Lào…

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, FECON mới chỉ đi được khoảng 1/6  mục tiêu đề ra là 6.000 tỷ đồng ký mới trong năm nay, chưa kể đến áp lực nợ vay lớn khiến chi phí lãi vay “bào mòn” đáng kể lợi nhuận của FECON trong 2 quý đầu năm.

Sức khỏe tài chính của FECON trên đà sụt giảm

FECON không thiếu các dự án để thi công và đầu tư, BLĐ cũng rất tự tin với khả năng sẽ vượt chỉ tiêu, tuy nhiên dòng tiền của doanh nghiệp lại chưa thể hiện được sự lạc quan đó.

Trong giai đoạn 2019 đến 2022, doanh thu của FECON loanh quanh ở mức khoảng 3.000 tỷ đồng, mức doanh thu thuần của năm 2022 cũng chỉ đạt 3.044 tỷ đồng, giảm so với các mức doanh thu năm 2019.

Dù doanh thu đi ngang, tuy nhiên lợi nhuận của doanh nghiệp lại liên tiếp đi xuống. Cụ thể, FECON ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2018 là hơn 248 tỷ đồng, đến năm 2019 giảm xuống còn 211 tỷ đồng, năm 2020 chỉ còn 133 tỷ đồng.

Còn hai năm gần nhất, lãi ròng của FECON lần lượt giảm xuống mức 70,7 tỷ đồng (năm 2021) và 51,6 tỷ đồng (năm 2022).

Nửa đầu năm 2023, mặc dù doanh thu thuần của FECON đạt 1.283 tỷ đồng, giảm 16,7% so với kết quả thực hiện nửa đầu năm ngoái, nhưng nhờ biên lợi nhuận gộp được cải thiện lên 19,3%, tăng đến 6,7% so với nửa đầu năm 2022, giúp lợi nhuận gộp đạt 247,9 tỷ đồng, tăng 27,8%.

Biên lợi nhuận được cải thiện chủ yếu là nhờ biến động giá nguyên vật liệu và nhân công năm nay thuận lợi hơn, không tăng bất thường như nửa đầu năm ngoái, nên Công ty đã tính toán và phản ánh vào đơn giá chào thầu, ký kết hợp đồng với chủ đầu tư/nhà thầu chính.

Tuy vậy, do chi phí tài chính ở mức cao, chủ yếu là chi phí lãi vay (136 tỷ đồng, cao hơn mức 98 tỷ đồng của năm 2022), lợi nhuận sau thuế thu về sau nửa đầu năm chỉ vỏn vẹn 1,37 tỷ đồng. Đáng nói, nửa đầu năm 2023 ghi nhận sự sụt giảm 10 tỷ đồng doanh thu tài chính so với cùng kỳ năm ngoái nhưng chi phí tài chính lại tăng đến 40 tỷ đồng.

Tính đến 30/6/2023, tổng nợ vay ngắn và dài hạn của FECON là 2.962 tỷ đồng, chiếm 38,5% cơ cấu nguồn vốn.

Trong đó, 2.018 tỷ đồng là các khoản nợ vay ngắn hạn hoặc nợ vay dài hạn đến hạn trả. Trong những quý gần đây, số dư nợ vay của FECON có xu hướng tăng trong bối cảnh dòng tiền hoạt động kinh doanh âm, chủ yếu do công nợ phải thu, chi phí xây dựng dở dang của các dự án gia tăng và Công ty phải tăng cường sử dụng nợ vay ngắn hạn để bổ sung vốn lưu động cũng như đáp ứng nhu cầu dòng tiền đầu tư, thi công các dự án.

Nhà thầu phải bỏ vốn và vay ngân hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký nhưng tốc độ nghiệm thu chậm, thanh toán càng chậm.

Tính đến hết quý II/2023, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của FECON ở mức âm gần 101,8 tỷ đồng, gần lớn bằng mức âm dòng tiền cả năm 2021 (110,4 tỷ đồng). Như vậy, FECON không chỉ ghi nhận lợi nhuận sụt giảm 4 năm liên tiếp mà dòng tiền từ hoạt động kinh doanh cũng âm từ năm 2021 đến nay.

Tổng cộng nợ vay của FECON tăng 343 tỷ đồng trong 4 quý gần nhất để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh và đầu tư. Nợ ngắn hạn của doanh nghiệp cũng tăng thêm hơn 240 tỷ đồng so với nửa đầu năm 2022, lên 3.395 tỷ đồng, nợ ngắn hạn cao gần bằng mức vốn chủ sở hữu là 3.407 tỷ đồng.

Số dư nợ vay lớn khiến chi phí lãi vay của FECON trong nửa đầu năm nay lên đến 137 tỷ đồng, tăng 38,8% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương với 96% lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh (chưa bao gồm hoạt động tài chính và thu nhập khác).

Việc thu hồi công nợ của FECON gặp nhiều khó khăn, bằng chứng là công nợ phải thu ngắn hạn đến cuối quý II/2023 chiếm đến 58,2% tài sản ngắn hạn với giá trị 3.102 tỷ đồng.

Trong khi đó, chi phí xây dựng dở dang là 1.644 tỷ đồng, chiếm 31,8% tài sản ngắn hạn. Việc thu xếp dòng vốn trả nợ và tái đầu tư đang là bài toán khiến BLĐ của FECON phải đau đầu, trong thời gian vừa qua FECON cũng phát hành trái phiếu để bổ sung vốn lưu động nhưng đến khi trái phiếu đáo hạn, doanh nghiệp sẽ cần phải thu xếp dòng tiền thay thế. Trong khi đó, tiền và tương đương tiên của FECON sau 2 quý đầu năm dừng ở mức 273,6 tỷ đồng.

FECON có kế hoạch chuyển nhượng dự án năng lượng

Theo dự tính, mảng xây dựng năm 2023 sẽ đóng góp khoảng 40% lợi nhuận cho tập đoàn; 60% còn lại sẽ đến từ hoạt động đầu tư, trực tiếp là thương vụ chuyển nhượng dự án năng lượng tái tạo Quốc Vinh Sóc Trăng. Theo lãnh đạo FECON, thương vụ này hiện nay đã “chốt” xong các thỏa thuận, dự kiến sẽ hoàn tất vào quý III hoặc muộn nhất là quý IV năm nay.

Dự án năng lượng tái tạo Quốc Vinh Sóc Trăng (Ảnh: Fecon)

Trước đó, thời điểm giữa năm 2022, Năng lượng FECON đã bơm thêm tiền cho Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng thông qua việc cho ông Lê Anh Tùng - chủ tịch HĐQT đồng thời nắm giữ vốn của Công ty TNHH Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng, vay khoản tiền hơn 76 tỷ đồng.

Mục đích Năng lượng FECON cho ông Lê Thanh Tùng vay là chỉ được sử dụng thực hiện nghĩa vụ thanh toán của ông Lê Thanh Tùng với Ecotech Việt Nam theo hợp đồng chuyển nhượng vốn tại Công ty TNHH Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng giữa Ecotech Việt Nam với ông Lê Anh Tùng. Lãi suất áp dụng cho khoản cho vay nói trên là 9%/năm, thời điểm trả nợ không muộn hơn ngày 28/10/2025.

Dự án năng lượng tái tạo Quốc Vinh Sóc Trăng (Ảnh: Fecon)

Như vậy, ngoài khoản tiền hợp tác đầu tư thực góp 79 tỷ đồng, thông qua công ty con là Năng lượng FECON, số tiền FECON đã rót vào Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng gần 160 tỷ đồng (bao gồm 76 tỷ đồng Năng lượng FECON cho ông Lê Anh Tùng vay để mua lại một phần vốn góp của Ecotech Việt Nam tại Điện gió Quốc Vĩnh Sóc Trăng).

Năm ngoái, doanh nghiệp cũng đã hoàn tất thoái vốn ở một công ty năng lượng khác là Vĩnh Hảo 6. Theo giới thiệu, Năng lượng Vĩnh Hảo 6 được thành lập từ tháng 3/2018, là đơn vị trực tiếp thực hiện, quản lý và vận hành Dự án Nhà máy điện mặt trời Vĩnh Hảo 6.

Đến năm 2019, FECON đã bán 60% cổ phần của dự án nhà máy cho đối tác từ Ả rập xê út với giá 45 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2022, trên FECON báo lãi 49 tỷ đồng nhờ ghi nhận doanh thu tài chính đột biến 123 tỷ đồng do thoái vốn Dự án Điện mặt trời Vĩnh Hảo 6 vào tháng 10/2022. Đến thời điểm hiện tại, FECON đã thoái hoàn toàn vốn

FECON lấy đâu ra vốn để đầu tư dự án?

Chi phí giá vốn cao và chi phí lãi vay ngày càng tăng đang là hai trở ngại lớn trong việc cải thiện lợi nhuận và dòng tiền của FECON. Nếu như giá vốn ít nhiều phụ thuộc vào khả năng đàm phán của doanh nghiệp thì vấn đề lãi vay khó khăn hơn rất nhiều. FECON hiện tại đẩy mạnh việc vay mượn (phần lớn là vay ngân hàng) không phải chỉ để trang trải chi phí hoạt động mà chủ yếu là để đầu tư.

Việc FECON tập trung vốn để đầu tư không phải một hành động khó hiểu khi doanh nghiệp đang muốn phát triển và lấn sân sang mảng bất động sản, tuy nhiên vấn đề là làm sao để doanh nghiệp có được nguồn vốn với chi phí hợp lý.

Hiện nay, chủ nợ lớn nhất của FECON là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (hơn 700 tỷ đồng), tiếp theo là 3 chi nhánh của ngân hàng TMCP Quân đội (tổng hơn 300 tỷ đồng), cùng nhiều ngân hàng khác. CEO Nguyễn Văn Thanh cho hay FECON đang để ngỏ khả năng phát hành trái phiếu ngắn hạn, quy mô nhỏ để bổ sung vốn lưu động nếu cần thiết.

Được biết, trong tháng 7/2022, FECON đã phát hành thành công 150 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 18 tháng và lãi suất cố định 11%/năm, tài sản đảm bảo là 22,7 triệu cổ phần của Công ty CP Đầu tư FECON và 15,6 triệu cổ phần Công ty CP Công trình ngầm FECON. Đây là 2 công ty con của FECON và chưa được niêm yết trên sàn chứng khoán.

Một điểm đáng chú ý khác, FECON dù gặp khó khăn về dòng tiền nhiều năm nay cùng số lượng dự án cần đầu tư lớn nhưng vẫn gia tăng các khoản đầu tư tài chính, nắm giữ cổ phần ở nhiều công ty. Hiện tại FECON nắm giữ cổ phần ở 12 công ty con trực tiếp và nhiều công ty liên doanh, liên kết, cùng một số đơn vị khác.

Tính đến ngày 30/6/2023, FECON tăng các khoản đầu tư tài chính ở công ty liên doanh, liên kết lên tới 329 tỷ đồng, nâng tổng mức đầu tư tài chính lên 389,9 tỷ đồng. Liệu nguồn vốn từ các công ty mà FECON nắm giữ cổ phần có giúp ích được cho doanh nghiệp trong việc xoay vòng vốn để đầu tư?

Tạm kết, lãi suất cho vay đang trên quá trình đi xuống từ quý III sẽ là yếu tố hỗ trợ quan trọng, giảm gánh nặng cho FECON nhưng vấn đề chi phí lãi vay và vốn để tiếp tục đầu tư thi công sẽ vẫn là bài toán khó cho doanh nghiệp trong nửa cuối 2023.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

Hiền Anh - Hải Lê - Pháp luật Plus

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/thuong-truong/fecon-lay-tien-dau-lam-du-an-khi-loi-nhuan-lien-tiep-lao-doc-dong-tien-kinh-doanh-am-d198472.html