Gạo, thủy sản vượt rào cản bảo hộ vươn ra thị trường thế giới

18/08/2018 08:47

Kinhte&Xahoi Ảnh hưởng từ xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc tăng nhiệt là một trong những nguyên nhân được cho là “làm khó” cho xuất khẩu của Việt Nam nhất là đối với những mặt hàng nông, thủy sản.

Nông - thủy sản nỗ lực vượt qua rào cản bảo hộ

Việc Ủy ban châu Âu (EC) chưa xóa án “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam vào EU cũng là một rào cản. Sau đợt kiểm tra mới rồi của EU, “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam vẫn phải lui lại tới tháng 1/2019 mới có phán quyết cuối cùng. Tuy nhiên, không chịu bó tay, nỗ lực vượt rào cản đã được Chính phủ cũng như từng doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đưa ra. Kết quả, 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau quả ước đạt 2 tỉ USD, dẫn đầu là thị trường Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2 tỉ USD, tăng hơn 18% so với cùng kì năm 2017. Tiếp theo là thị trường Mỹ với kim ngạch đạt 50,9 triệu USD, tăng 14,6%. Tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan kim ngạch xuất khẩu rau quả lần lượt tăng 8%, 15,4% và 26%.

Chế biến tôm xuất khẩu (Ảnh minh họa)

Những kết quả trên cho thấy rau củ quả Việt Nam đã chinh phục được nhiều thị trường “khó tính”. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc cũng cho thấy cái khó của hàng hóa Việt Nam, khi đây là hai thị trường xuất khẩu cực kì quan trọng của nước ta. Trong khi hai nền kinh tế lớn kể trên lại tìm cách gia tăng xuất khẩu sang các thị trường khác. Con số thống kê được Tổng cục Hải quan đưa ra cho thấy điều này: Chỉ riêng trong tháng 5/2018, nhập khẩu thịt từ Mỹ chiếm tỉ lệ cao nhất trong số các thị trường nhập khẩu thịt vào Việt Nam, với khoảng 37% tương đương gần 11 nghìn tấn, trị giá hơn 13 triệu USD. Con số này tăng gần 50% về lượng so với tháng 4.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI thì tới nay mặc dù kim ngạch không giảm nhưng tỉ lệ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam có dấu hiệu giảm dần qua các tháng, tính từ đầu năm trở lại đây. Ông Lộc cũng bày tỏ lo ngại với chiếc “thẻ vàng” của EU đối với lĩnh vực thủy sản của Việt Nam, khi mà tần suất kiểm tra 100% các lô hàng xuất sang thị trường này sẽ là rào cản lớn.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng dự báo, trong các tháng cuối năm, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, do nhiều nước tăng cường áp dụng các biện pháp bảo hộ, quy định tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe.

Năm 2017, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 3,85 tỉ USD, tăng 22,3% so với năm 2016. Tuy nhiên, từ đầu năm 2018 tới nay, nhiều quốc gia đã lập hàng rào kĩ thuật bảo hộ nghề nuôi tôm trong nước, nên “đường bơi” của con tôm Việt Nam gặp khó khăn. Cụ thể, tại các thị trường EU, Hàn Quốc,… nơi Việt Nam kí kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) những hàng rào kĩ thuật, thuế đã được dựng lên. Riêng tại thị trường Nhật Bản, theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện con tôm Ấn Độ cạnh tranh gay gắt với tôm Việt Nam. Bằng chứng là tính đến hết tháng 6, tôm Việt Nam vào thị trường Nhật Bản giảm 9,3% so với cùng kì năm 2017, chỉ đạt trên 200 triệu USD.

Con tôm Việt Nam còn gặp khó, khi nhiều nước cử chuyên gia sang giám sát từ vùng nguyên liệu cho tới cơ sở chế biến. Cuối năm 2017, Chính phủ Úc thực thi lệnh khẩn cấp cấm nhập khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín, kể cả tôm đã được tẩm ướp. Tháng 3 năm nay, Úc cử một đoàn chuyên gia sang Việt Nam đánh giá hoạt động kiểm soát hóa chất, kháng sinh trong con tôm. Cần lưu ý rằng, tôm Việt Nam chiếm 30% thị phần tôm nhập khẩu của Úc. Cũng cần kể thêm rằng tháng 6, Bộ Thủy sản và Hải dương Hàn Quốc (MOF) cũng cử một phái đoàn sang Việt Nam kiểm tra nguồn nuôi tôm. Dư lượng kháng sinh trong con tôm là điều kiện khắt khe khi họ đặt ra, khiến xuất khẩu tôm của Việt Nam giảm. Chưa hết, tại khu vực Trung Đông, mới đây Arab Saudi và Kuwait cũng tạm ngừng nhập khẩu tôm Việt Nam do nghi ngờ có virus bệnh đốm trắng và nguồn gây bệnh gan, tủy cấp tính - tuy rằng họ không đưa ra bằng chứng cụ thể.

Theo GS.TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kĩ thuật nông nghiệp miền Nam, thị trường tôm toàn thế giới (năm 2018) vào khoảng 12 tỉ USD được chia sẻ cho nhiều nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Bangladesh, Ecuador… nên con tôm Việt Nam muốn có chỗ đứng thì buộc phải vượt qua nhiều rào cản cũng như sự cạnh tranh ngày một quyết liệt hơn.

Gỡ khó để xuất khẩu gạo

Theo Bộ NN-PTNT, khối lượng gạo xuất khẩu trong tháng 6/2018, đạt khoảng 604.000 tấn, trị giá đạt 317 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018 đạt khoảng 3,6 triệu tấn, trị giá 1,8 tỉ USD, tăng 24,6% về khối lượng và 42,4% về giá trị so với cùng kì năm 2017. Nguyên nhân chính của sự tăng trưởng là do 24,6% khối lượng gạo kí được những hợp đồng quan trọng từ Indonesia, Philippines và Cu Ba. Với giá trị tăng 42,4%, thì chính là do giá xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2018 đạt 504 USD/tấn, tăng 13,4% so với cùng kì. 

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, cũng chính từ việc giá hạt gạo Việt tăng nên thời gian tới sẽ khó có hợp đồng do các nước cạnh tranh bằng cách hạ giá. Có thể nêu một dẫn chứng: Sau khi Việt Nam và Thái Lan cùng chia nhau hợp đồng bán gạo theo thỏa thuận liên Chính phủ (G2G) cho Philippines hôm 4/5/2018 (Việt Nam 130 nghìn tấn, Thái Lan 120 nghìn tấn), thì trong hợp đồng 250 nghìn tấn tiếp theo được Philippines mở thầu hôm 22/5/2018, Thái Lan đã giành được gần 90% khối lượng gói thầu. Trong khi đó, Việt Nam không có một hợp đồng nào. Lí do chính là vì giá Việt Nam đưa ra cao hơn so với đối thủ Thái Lan.

Tại thời điểm này, giá chào hàng gạo của Thái Lan tiếp tục thấp hơn so với Việt Nam. Cụ thể: gạo 5% tấm của Thái Lan giá 398 USD/tấn, trong khi chủng loại này của Việt Nam là 403-407 USD/tấn.

Trong một diễn biến liên quan, kể từ 1/7/2018, Bộ Tài chính Trung Quốc đã áp dụng thuế nhập khẩu mới với 14 mặt hàng. Trong đó, mức thuế áp dụng đối với lúa, gạo nguyên hạt, gạo tấm, bột ngũ cốc và bột ngũ cốc dạng tấm (bột thô) nhập khẩu từ ASEAN sẽ có mức thuế lần lượt là 50%, 50%, 5%, 40% và 5%. Trong khi đó, có khoảng 30% lượng gạo xuất khẩu hàng năm của Việt Nam là vào thị trường Trung Quốc.

Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, thì tìm cơ hội trong khó khăn, không cách gì khác là nâng cao chất lượng cho hạt gạo Việt Nam cũng như cho các mặt hàng nông - thủy sản, đó phải được coi là chiến lược lâu dài, chứ không phải chỉ áp dụng những giải pháp tình thế.

Theo hoanhap.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM