Giá vàng tại thị trường trong nước đang được giao dịch ở ngưỡng sau:
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 41,48 triệu đồng/lượng (mua vào) và 41,63 triệu đồng/lượng (bán ra).
Ảnh minh họa. (Nguồn: PLDS)
Mức giá này tăng 30.000 đồng/lượng theo cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch gần nhất.
Trong khi đó, giá vàng SJC giao dịch lẻ của Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức giá 41,47triệu đồng/lượng (mua vào) và 41,59 triệu đồng/lượng (bán ra).
Mức giá này tăng 20.000 đồng/lượng theo cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch gần nhất.
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn chi nhánh Hà Nội hiện tại đang niêm yết vàng SJC ở mức: 41,42 triệu đồng/lượng (mua vào) và 41,66 triệu đồng/lượng (bán ra).
Mức giá này tăng 10.000 đồng/lượng theo cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch gần nhất.
Tại thị trường thế giới, giá vàng đang được giao dịch tại ngưỡng 1.478,7 USD/ounce (Theo Kitco News).
Mức giá này tương đương khoảng 40,3 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo giá USD tự do, mức giá này thấp hơn khoảng 200.000 đồng/lượng so với giá vàng SJC bán lẻ hiện hành tại thị trường trong nước.
Giá kim loại quý này chịu áp lực giảm khi chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ có phiên lập kỷ lục thứ ba liên tiếp nhờ việc Mỹ - Trung đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng đã đạt được một thỏa thuận thương mại với các nước láng giềng, Canada và Mexico.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer hôm cuối tuần cho biết lượng hàng xuất khẩu của Mỹ này sang Trung Quốc sẽ tăng gần gấp đôi trong hai năm tới. Dù vậy, hai bên vẫn chưa quyết định về ngày ký kết thỏa thuận chính thức.
Tuy nhiên, một bộ phận nhà đầu tư còn có quan điểm hoài nghi về tính thực chất của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 Mỹ-Trung nên vẫn xem vàng là một tài sản nên có trong danh mục ở thời điểm này để phòng ngừa rủi ro. Vì lý do này giá vàng giữ đà tăng chậm từ đầu tuần tới nay, sau khi tăng hơn 1% trong tuần trước.
Vì lý do trên, không ít nhà đầu tư vẫn nắm giữ vàng để tìm kiếm sự an toàn. Bởi vậy, sau khi tăng 1,1% trong tuần trước, giá vàng thế giới tiếp tục duy trì xu thế tăng nhẹ vào đầu tuần này.
Năm nay, nỗi lo về thương chiến Mỹ-Trung và ba đợt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã góp phần đưa giá vàng thế giới tăng khoảng 15%. Phần lớn mức tăng này được ghi nhận trong quý 3, vì giá vàng đã chững lại và chuyển sang lình xình, không rõ xu hướng trong quý 4.
Việc FED không có ý định sớm nâng lãi suất có lợi cho giá vàng - một tài sản không mang lãi suất. Trong năm nay, giá vàng được hỗ trợ nhiều bởi ba đợt cắt giảm lãi suất liên tiếp của FED.
Vàng còn được hỗ trợ từ những diễn biến địa chính trị phức tạp, trong đó có căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên và mối quan hệ kinh tế căng thẳng giữa Nhật và Hàn Quốc. Hai cường quốc này vừa có một cuộc đàm phán kéo dài nhưng kết thúc không có kết quả, chỉ là 2 bên hiểu được quan điểm của nhau.
Theo kế hoạch, Thủ tướng Johnson sẽ trình Dự luật về rút khỏi EU lên Hạ viện Anh ngày 18/12 tới và sẽ hoàn tất Brexit vào ngày 31/1/2020 như đã định. Việc bảo đảm giao thương không bị gián đoạn thời hậu Brexit cũng rất quan trọng.
Quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust bán ròng hơn 5 tấn vàng, tương đương giảm nắm giữ 0,63%, còn 880,66 tấn vàng. Khi giá vàng tăng mạnh trong quý 3, SPDR Gold Trust duy trì nắm giữ trên 900 tấn vàng.