Ảnh minh họa. (Nguồn: SJC)
Mức giá vàng SJC trong nước đã vọt ngưỡng 53 triệu đồng/lượng và tiếp tục phá vỡ các cột mộc lịch sử vừa được thiết lập hồi đầu tháng 7. Hiện giá vàng trong nước đang được giao dịch ở ngưỡng sau:
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 52,10 triệu đồng/lượng (mua vào) và 52,85 triệu đồng/lượng (bán ra).
Mức giá này tăng 900.000 đồng/lượng theo chiều mua vào và tăng 1.050.000 đồng/lượng theo chiều bán ra so với phiên giao dịch gần nhất.
Trong khi đó, giá vàng SJC giao dịch lẻ của Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức giá 52,25 triệu đồng/lượng (mua vào) và 52,85 triệu đồng/lượng (bán ra).
Mức giá này tăng 1.000.000 đồng/lượng theo chiều mua vào và tăng 750.000 đồng/lượng theo chiều bán ra so với phiên giao dịch gần nhất.
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn chi nhánh Hà Nội hiện tại đang niêm yết vàng SJC ở mức: 52,10 triệu đồng/lượng (mua vào) và 53,07 triệu đồng/lượng (bán ra).
Mức giá này tăng 1.050.000 đồng/lượng theo chiều mua vào và tăng 1.550.000 đồng/lượng theo chiều bán ra so với phiên giao dịch gần nhất.
Chênh lệch giá mua vào và giá bán ra tại các doanh nghiệp đã được kéo rộng ra, lên mức khoảng 800.000 – 1.000.000 đồng/lượng, thay vì mức chênh chỉ khoảng 300 - 400 nghìn đồng trong các phiên liền trước.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết, hiện giá vàng thế giới đang chịu tác động mạnh bởi tình hình dịch bệnh Covid-19 khi số ca lây nhiệm ngày một lớn. Điều này gây hoang mang đối với thị trường tài chính thế giới. Chính vì thế, các nhà đầu tư coi vàng như kênh trú ẩn an toàn.
Bên cạnh đó, chính phủ các nước tăng cường bơm tiền cho nền kinh tế, giảm lãi suất và lượng tiền đi vào lưu thông rất nhiều.
Với những lí do trên, ông Hiếu dự báo mốc giá vàng thế giới có thể đạt 1.900 USD/ounce và vàng trong nước lên tới 55 triệu đồng/lượng là hoàn toàn khả thi.
Tại thị trường thế giới, giá vàng đang được giao dịch tại ngưỡng 1868,4 USD/ounce (Theo Kitco News). Mức giá này tương đương khoảng 52,0 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo giá USD tự do.
Giá đã tăng liên tục 6 tuần và hiện chỉ còn kém 3% so với đỉnh 1.921 USD lập năm 2011.
Việc Chính phủ Mỹ sắp công bố các biện pháp kích thích mới để hỗ trợ nền kinh tế đang chững lại vì đại dịch cũng tạo thêm áp lực cho đồng USD, từ đó trở thành động lực đẩy giá vàng lên.
Bên cạnh đó, 27 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đạt thỏa thuận về gói kích thích tài khóa trị giá 750 tỷ euro, sau 4 ngày chạy đua đàm phán cũng làm vàng thêm động lực tăng giá.
Đồng USD hiện được đánh giá là “rất dễ tổn thương” bởi các chương trình bơm tiền lớn của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng như chính quyền ông Donald Trump.
Đồng USD đã giảm 5,1% trong vòng 3 tháng qua và giảm 2,3% từ đầu tháng 7. Trong khi đó, đồng euro tăng 5,8% trong vòng 3 tháng qua và lên mức cao nhất so với đồng bạc xanh kể từ đầu 2019.
Giới phân tích cho rằng giá kim loại quý thời gian tới sẽ còn tiếp tục tăng. Trong báo cáo triển vọng hàng hóa quý III, các nhà phân tích tại Citigroup dự báo lên cao nhất mọi thời đại trong 6-9 tháng tới. Xác suất giá chạm 2.000 USD một ounce trong 3-5 tháng tới hiện là 30%.
Lê Hải - Pháp luật Plus