Giá vàng thế giới biến động mạnh ở vào thời điểm nhiều thị trường châu Á quay trở lại giao dịch sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã có lập tức tăng cao. Hiện giá vàng trong nước đang được giao dịch ở ngưỡng sau:
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 44,20 triệu đồng/lượng (mua vào) và 44,60 triệu đồng/lượng (bán ra).
Ảnh minh họa
Mức giá này tăng 750.000 đồng/lượng theo cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch gần nhất.
Trong khi đó, giá vàng SJC giao dịch lẻ của Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức giá 44,22 triệu đồng/lượng (mua vào) và 44,50 triệu đồng/lượng (bán ra).
Mức giá này tăng 570.000 đồng/lượng theo cả 2 chiều mua vào và bán ra so với mức giá mở cửa thị trường.
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn chi nhánh Hà Nội hiện tại đang niêm yết vàng SJC ở mức: 44,20 triệu đồng/lượng (mua vào) và 44,62 triệu đồng/lượng (bán ra).
Mức giá này tăng 900.000 đồng/lượng theo chiều mua vào và tăng 850.000 đồng/lượng theo chiều bán ra so với mức giá mở cửa thị trường.
Năm nay, ngày Vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng Âm lịch) sẽ rơi vào thứ Hai - ngày 3/2/2020 Dương lịch. Trong khoảng thời gian trước ngày Vía Thần Tài, giá vàng thường có xu hướng tăng mạnh, cũng như nới rộng biên độ mua vào - bán ra.
Tại thị trường thế giới, giá vàng đã tăng mạnh và đang được giao dịch tại ngưỡng 1.584,4 USD/ounce (Theo Kitco News).
Mức giá này tương đương khoảng 44,3 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo giá USD tự do.
Lo ngại virus Corona xuất phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) lây lan đang thúc đẩy việc mua tài sản trú ẩn an toàn, trong đó có vàng. Đặc biệt thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc, giá dầu bốc hơi mạnh và nỗi sợ hãi càng làm tăng thêm tâm lý sợ rủi ro. Đó là lý do chính đẩy vàng tiếp tục tăng giá.
Chỉ trong vỏn vẹn một tháng, số ca nhiễm virus corona đã đạt trên mốc 8000 người, vượt xa số ca nhiễm SARS ở Trung Quốc trong 6 tháng vào năm 2003.
Đối với Trung Quốc, tăng trưởng GDP của nước này đã giảm 2% từ quý I đến quý II/2003 do dịch SARS.
Trước khi dịch virus corona bùng phát, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng năm 2020 của Trung Quốc sẽ sụt từ 6,1% của năm 2019 xuống 6%.
Do đó, các nhà kinh tế dự báo Trung Quốc sẽ còn phải đối mặt với một sự sụt giảm “khủng khiếp hơn nữa” về kinh tế do Corona.
Nhà kinh tế Perret-Green cho rằng dịch virus corona và các biện pháp chỗng cự của Trung Quốc có thể đẩy GDP năm 2020 của nước này xuống mức 3,9% như năm 1990.
Còn với châu Á, rất nhiều nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng đáng kể vì lệnh cấm du lịch nước ngoài của Trung Quốc. Năm 2019, Du khách Trung Quốc chi tiêu khoảng 258 tỷ USD ở nước ngoài, gấp đôi mức chi tiêu của du khách Mỹ.
Tương tự, Nikkei Asian Review cho biết ngành công nghiệp dịch vụ Nhật Bản cũng đang lao đao vì virus corona. Ước tính tổng lượt du khách Trung Quốc đến Nhật Bản đạt 9,6 triệu vào năm 2019.
Trong khi đó, du khách Trung Quốc chiếm một phần ba lượt khách quốc tế đến Việt Nam và 15% tổng số lượt khách du lịch quốc tế đến Australia.
Ở bên kia bán cầu, Chứng khoán Mỹ và thế giới lao dốc giữa lúc virus corona gây bệnh viêm phổi Vũ Hán tăng nhanh, lan rộng trên phạm vi toàn thế giới làm dấy lên lo ngại về tác động tiêu cực của dịch bệnh này đối với nền kinh tế toàn cầu.