Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Kitco News)
Hiện giá vàng trong nước đang được giao dịch ở ngưỡng sau:
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 56,75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,75 triệu đồng/lượng (bán ra).
Mức giá trên tăng 350.000 đồng/lượng theo chiều mua vào và giảm 100.000 đồng/lượng theo chiều bán ra sao với phiên giao dịch gần nhất.
Trong khi đó, giá vàng SJC giao dịch lẻ của Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức giá 56,70 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,92 triệu đồng/lượng (bán ra).
Mức giá trên tăng 50.000 đồng/lượng theo chiều mua vào và tăng 320.000 đồng/lượng theo chiều bán ra sao với phiên giao dịch gần nhất.
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn chi nhánh Hà Nội hiện tại đang niêm yết vàng SJC ở mức: 56,75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,92 triệu đồng/lượng (bán ra).
Mức giá trên tăng 120.000 đồng/lượng theo chiều mua vào và giảm 30.000 đồng/lượng theo chiều bán ra sao với phiên giao dịch gần nhất.
Nhiều chuyên gia đưa ra nhận định, dù giá vàng rất khó để dự báo nhưng xu hướng về dài hạn vẫn sẽ còn tăng tiếp. Dẫu vậy, đối với nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân, việc mua vàng ở thời điểm này hay không đều phải có sự tính toán.
Hiện nay, mức chênh lệch từ 2 - 3 triệu đồng/lượng so với giá quốc tế sẽ khiến người dân mua vàng trong nước cũng có rủi ro khi giá thế giới biến động nhanh. Với mức chênh lệch cao này, giá vàng trong nước có thể hoàn toàn có thể "điều chỉnh" giảm để trở về mức giá tương đương với thế giới như trước đây.
Tại thị trường thế giới, giá vàng đang được giao dịch ở ngưỡng 1.974,0 USD/ounce (Theo Kitco News). Mức giá này tương đương khoảng 55,2 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo giá USD tự do.
Đà tăng của vàng chững lại trong vài phiên gần đây nhưng giá vẫn neo ở mức cao. Vàng đã tăng giá gần 30% kể từ đầu năm tới nay nhờ sự thúc đẩy từ môi trường lãi suất thấp trên toàn cầu cùng các biện pháp kích thích từ các ngân hàng trung ương.
Tuần này, hầu hết các nền kinh tế tại châu Âu và Mỹ đều cho thấy những dữ liệu không tích cực.
Bộ Thương mại Mỹ công bố GDP quý II của Mỹ giảm 32,9% so với cùng kỳ, mức giảm thấp nhất từ năm 1947, gấp gần 4 lần quý tệ nhất lúc khủng hoảng tài chính 2008.
Trong khi đó tại châu Âu, GDP quý II vừa công bố của Eurozone âm đến 12,1%, mức thấp nhất kể từ khi thống kê vào năm 1995.
Ở chiều ngược lại, chỉ số các nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 7/2020 của Trung Quốc đạt 51,1 trên ngưỡng 50 phản ánh sự tăng trưởng của sản xuất.
Con số này cao hơn mức 50,9 của tháng trước và cao hơn dự báo theo khảo sát của Bloomberg là 50,8.
Tuy vậy, đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc còn phải phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi chung của kinh tế thế giới. Do đó, nếu thế giới không sớm thoát ra khỏi khủng hoảng thì nền kinh tế Trung Quốc cũng khó có thể lạc quan trong những tháng tới.
Lê Hải - Pháp luật Plus