Giá xăng dầu cao nhất từ nhiều năm trở lại đây: Tránh tác động kép, cần lùi thời điểm tăng thuế môi trường

08/10/2018 15:45

Kinhte&Xahoi Sau phiên điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu từ hôm 6.10, giá xăng dầu đã ở mức mỗi lít xăng E5 RON 92 có giá mới 20.906 đồng, RON 95 lên 22.347 đồng. Đây là mức giá cao nhất từ nhiều năm trở lại đây.

Với tình hình giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng, các chuyên gia dự báo giá xăng dầu trong nước có khả năng tiếp tục tăng vào thời điểm cuối năm. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tăng thuế môi trường lên kịch khung (4.000 đồng/lít đối với Ron 95 và 3.850 đồng/lít với E5) từ 1.1.2019 có thể là tác động kép, ảnh hưởng mạnh đến sản xuất, tiêu dùng.

Giá xăng dầu thế giới tăng bắt buộc giá bán trong nước cũng phải điều chỉnh tăng.

Nguy cơ tiếp tục tăng do giá dầu thế giới

Theo liên Bộ Tài chính - Công Thương, giá xăng dầu thế giới thời gian gần đây tăng mạnh. Giá giao dịch trên thị trường Singapore (giá Platt Singapore) đối với xăng RON92 ngày 2.10.2018 đạt mức 92,500USD/thùng là mức cao nhất từ tháng 11.2014 đến nay; tương tự, giá dầu diesel 0.05S ngày 3.10.2018 đạt mức 100,140USD/thùng là mức cao nhất từ tháng 10.2014 đến nay. Nhiều ý kiến cho rằng, giá xăng dầu từ nay đến cuối năm sẽ lập những “đỉnh” mới và có khả năng vượt mốc 100USD/thùng.

PGS-TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) - nhận định, giá xăng dầu thế giới tăng bắt buộc giá bán trong nước cũng phải điều chỉnh tăng. Giá xăng dầu trong nước thời gian tới khó có thể giảm bởi giá xăng dầu trên thế giới đang thiếu hụt nguồn cung do tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh cam kết giảm sản lượng đến hết năm 2018; tình hình chính trị ở Trung Đông căng thẳng, ảnh hưởng tới việc khai thác dầu của các quốc gia trong vùng... nguyên liệu thiếu hụt có thể đẩy giá tăng cao vượt mức 100USD/thùng.

Nhiều giải pháp mới kiềm chế lạm phát dưới 4%

Trao đổi với PV Báo Lao Động, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, giá xăng dầu thế giới tăng cao đẩy giá trong nước tăng theo. Đến cuối năm có khả năng sẽ tiếp tục tăng. Giá xăng dầu ảnh hưởng đáng kể tới lạm phát bởi tất cả các ngành nghề, tất cả mọi sinh hoạt của xã hội đều liên quan, phụ thuộc đến xăng dầu. Năm nay giữ lạm phát dưới 4% là rất khó. Thêm vào đó, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang ở mức rất khả quan, trên 6,7%, nền kinh tế tăng trưởng ở mức độ này thì chắc chắn kéo lạm phát lên vì phát triển kinh tế luôn luôn đi theo một lượng tiền đổ vào nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh nhận định, đà tăng giá dầu thế giới có thể tác động theo hướng rất đáng lo ngại đối với nền kinh tế của Việt Nam. Giá dầu thế giới tăng dẫn đến giá xăng, dầu bán lẻ trong nước tăng, làm giảm năng lực cạnh tranh và tác động đến chỉ số lạm phát của nền kinh tế. Còn theo TS Ngô Trí Long, trong giải pháp để kiểm soát lạm phát, thì không chỉ có mỗi việc kiểm soát chi phí sản xuất (đầu vào), mà còn các giải pháp để kiểm soát tín dụng. “Từ nay đến cuối năm cần kiểm soát chặt không để tình trạng tư thương lợi dụng việc tăng giá xăng dầu để “tát nước theo mưa” tăng giá tiêu dùng; kiểm soát không tăng giá các mặt hàng nhạy cảm như điện, nước.

Mặc dù vậy, cũng có ý kiến cho rằng, nếu xiết chặt kiểm soát tín dụng, tiền tệ đúng đối tượng, đúng mục tiêu không để ảnh hưởng đến lạm phát. TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) - tỏ ra lạc quan: “Mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ”!

Không nên chỉ để “thượng đế” lo nộp quỹ bình ổn

Trên thực tế mức tăng đợt điều chỉnh hôm 6.10, cũng đã được kìm hãm bởi quyết định ngừng trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu. Nếu như trước đây, mỗi lít xăng phải gánh 300 đồng/lít để bổ sung vào quỹ bình ổn thì hiện nay mức này là 0 đồng.

Ngoài ra, do giá xăng dầu nhập khẩu tăng, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã quyết định chi quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với E5 là 1.563 đồng/lít với RON 95 là 700 đồng/lít.

TS Ngô Trí Long cho rằng, dù Kiểm toán Nhà nước đã kiểm tra và đánh giá Quỹ bình ổn giá xăng dầu là cần thiết. “Thực tế đã chứng minh khi giá xăng dầu thế giới biến động mạnh thì nhờ có Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã góp phần giảm được áp lực tăng giá mặt hàng này trong nước, có tác động kìm được lạm phát” - TS Ngô Trí Long nói.

Tuy nhiên, PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng, về nguồn tài chính để hình thành Quỹ bình ổn, nên có sự đóng góp của cả các cơ sở sản xuất xăng dầu, chứ không đổ hết cả lên đầu “thượng đế”. “Từ trước đến nay nguồn hình thành quỹ chủ yếu là do tiêu dùng đóng góp ứng trước, phải chăng các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng nên tham gia vào, trích một phần nhỏ đóng góp vào quỹ” - PGS-TS Ngô Trí Long gợi ý. Bên cạnh đó, quỹ cần được quản lý có hiệu quả, không nên để tiền nhàn rỗi, không sinh lời. “Hiện nay nguồn Quỹ BOGXD với hàng nghìn tỉ đồng có khả năng sinh lời, nên tập trung về một mối hay để ở các doanh nghiệp gửi ở các ngân hàng với lãi suất không kỳ hạn là một vấn đề nên được quan tâm” - PGS-TS Ngô Trí Long nêu ý kiến.

Có nên lùi thời điểm tăng thuế môi trường?

Một trong những lo lắng là nếu giá xăng dầu từ nay tới cuối năm có xu hướng tăng trong khi thuế môi trường đối với mặt hàng xăng dầu sẽ tăng thêm 1.000 đồng/lít (hiện nay là 3.000 đồng/lít) sẽ tạo ra tác động kép, đẩy giá xăng dầu cao hơn nữa, tiến sát mức đỉnh trên 25.000 đồng/lít ở thời điểm 2014 - mức được coi là cơn khủng hoảng về giá xăng dầu.

Vậy, có thể lùi thời hạn tăng thuế môi trường? Về vấn đề này, tại phiên họp Ban chỉ đạo điều hành giá sáng 28.9 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá - thì Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã đưa ra đề nghị lùi thời điểm tăng thuế môi trường. Ông Hải cho rằng việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ 1.1.2019 sẽ tác động đến tình hình lạm phát. Cụ thể, thời điểm điều chỉnh này rơi vào tháng Chạp và tháng Giêng sẽ làm tăng giá xăng dầu, tác động tới điều hành chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của năm 2019. Do đó, ông Hải kiến nghị cần thực hiện tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu vào thời điểm khác thích hợp.

Bởi vậy nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng do tác động từ khách quan, các cơ quan chức năng cũng cần có những tính toán, thậm chí lùi thời hạn tăng thuế môi trường để xăng dầu không là yếu tố chủ đạo đẩy giá các mặt hàng tiêu dùng lên cao. 

 

Theo Báo Lao động/Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nở rộ cho vay online biến tướng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói gì?

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, nắm bắt tình trạng của tín dụng đen và cũng đã có báo cáo, kiến nghị để Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành có giải pháp quản lý chung đối với hoạt động tín dụng, tránh hiện tượng tín dụng đen.