Giá xăng dầu tăng vọt: Nguyên nhân và tác động

27/10/2021 14:51

Kinhte&Xahoi Theo Bộ Công thương, thị trường nhiên liệu thế giới “lên cơn sốt” đã gây sức ép lên giá bán lẻ xăng dầu trong nước.

Từ 16h chiều 26/10, giá xăng E5RON92 tăng 1.427 đồng/lít, lên mức không cao hơn 23.110 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 1.459 đồng/lít lên không cao hơn 24.338 đồng/lít.

Trong khi đó, giá dầu diesel 0.05S lên mức không cao hơn 18.716 đồng/lít (tăng 1.171 đồng/lít); dầu hỏa không cao hơn 17.637 đồng/lít (tăng 1.015 đồng/lít); dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 17.210 đồng/kg (tăng 113 đồng/kg).

Như vậy, tính đến nay, xăng dầu trong nước đã có 20 kỳ điều hành giá, trong đó có 14 kỳ tăng, 4 kỳ giảm và 2 kỳ ổn định giá. Trong đó, giá xăng đã tăng lên ngưỡng cao nhất 7 năm (kể từ tháng 9/2014).

Lý giải về nguyên nhân giá xăng dầu tăng cao, theo Bộ Công thương, thị trường thế giới thời gian vừa qua chịu ảnh hưởng của việc nhu cầu tăng khi các nước nới lỏng dần lệnh cấm đi lại, thiếu nguồn cung về than và khí đốt tại Trung Quốc, Ấn Độ và Châu Âu; mức dự trữ dầu thô của Mỹ sụt giảm...

Ở trong nước, tình hình dịch bệnh mặc dù được kiểm soát nhưng vẫn còn có diễn biến phức tạp tại TP HCM, Bình Dương và một số tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam.

Nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, liên Bộ Công thương - Tài chính đã thực hiện chi sử dụng liên tục Quỹ Bình ổn (BOG) ở mức cao.

Theo đại diện Bộ Công thương, từ đầu năm 2021 đến nay, Quỹ BOG đã chi liên tục với mức chi từ 100-2.000 đồng/lít/kg. Kỳ điều hành ngày 26/10, nếu không thực hiện tăng chi Quỹ BOG đối với xăng E5RON92 và không chi đối với xăng RON95 giá các mặt hàng xăng sẽ tăng từ 1.859 đồng/lít đến 2.527 đồng/lít.

Do việc sử dụng công cụ Quỹ BOG nên giá xăng dầu trong nước đã có mức biến động thấp hơn mức biến động của giá xăng dầu thế giới (giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường thế giới dùng để tính giá cơ sở tăng từ 59,08% đến 76,03% trong khi giá xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay chỉ tăng 40,23% đến 52,59%).

Đại diện Bộ Công thương cho biết, việc điều hành giá xăng dầu nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường năm 2021, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đang gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19; Tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ.

Giá xăng đã tăng lên mức cao nhất 7 năm (Ảnh minh họa)

Bộ Công thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu có.

Trao đổi với báo chí về việc giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%.

"Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước", ông Lâm nhận định.

Theo ông Lâm, trong hoạt động sản xuất hàng hoá và dịch vụ, tùy theo quy trình sản xuất của mỗi ngành, có thể thấy hầu hết các ngành dù nhiều hay ít đều sử dụng xăng dầu. Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy xăng dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất.

Ông Lâm cho rằng, giá xăng dầu tăng có tác động rất mạnh tới các ngành sử dụng nhiều xăng dầu như đánh bắt thuỷ sản, vận tải hàng hoá và hành khách đường bộ, đường thuỷ và đường hàng không.

Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hoá trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.

Đối với nền kinh tế Việt Nam, khi giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5 %, là mức giảm khá lớn, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế.

Mặt khác theo ông Lâm, giá xăng dầu tăng không chỉ tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hoá và dịch vụ, mà còn trực tiếp làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân.

Theo đó, giá xăng dầu tăng 10% làm cho chỉ số CPI tăng 0,36 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Khi giá xăng dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, điều này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế.\

Văn Huy - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Gồng mình “gánh” giá, Quỹ bình ổn xăng dầu nguy cơ “bể”

Trong khi giá xăng dầu thế giới từ đầu năm 2021 đã tăng đến 76% thì mức tăng ở thị trường trong nước vẫn “kìm” ở mức hơn 50%. Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã được sử dụng tối đa, kỳ này tiếp tục chi quỹ để “kìm” mức tăng của thị trường nội địa. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp lại lâm vào tình trạng âm quỹ.

Kiểm soát được lạm phát trong 9 tháng năm 2021

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo về tổng kết đánh giá công tác điều hành giá quý III/2021, kịch bản điều hành giá quý IV/2021, đầu năm 2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao kết quả công tác điều hành giá thời gian qua, nhất là kiểm soát lạm phát.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/gia-xang-dau-tang-vot-nguyen-nhan-va-tac-dong-181381.html