Giải cứu PVTex, liệu PVN có đẩy “những đứa con khác” vào khó khăn?

13/11/2018 09:44

Kinhte&Xahoi Để cứu vãn một doanh nghiệp (DN) đang trong tình trạng "chết lâm sàng", Công ty CP Hoá dầu và Xơ sợi Dầu Khí, liệu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có đẩy các DN đang hoạt động khỏe mạnh vào tình trạng khó khăn?

Quay mặt đối tác trung thành, có "đánh cược" với đối tác mới?

Được biết, vào tháng 4/2018 vừa qua, dưới sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cùng hàng loạt các lãnh đạo cao cấp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) đã tiến hành ký kết Biên bản ghi nhớ về Hợp tác sản xuất kinh doanh với Tập đoàn An Phát Holdings (APH). Theo PVN đây được xem là một trong những nỗ lực chính nhằm khởi động lại Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ vốn đã ngừng hoạt động suốt một thời gian dài.

Tuy nhiên liên danh PVTex - APH lại được đặt dấu hỏi rất lớn về khả năng thành công khi trong lĩnh vực xơ sợi APH được liệt vào hàng tân binh (thành lập ngày 30/03/2017), chưa hề có kinh nghiệm cũng như đối tượng khách hàng tiêu thụ cụ thể. Mặt khác, Công ty CP Xơ sợi An Sơn, đơn vị vừa được APH thành lập vào tháng 4/2018 để ký hợp đồng gia công với PVtex chỉ có vốn điều lệ 10 tỷ đồng.

Không chỉ vậy, thời hạn của hợp đồng gia công giữa 2 bên chỉ là 12 tháng, có thể dừng bất cứ khi nào. Đồng thời với việc chỉ khởi động tối đa 10 máy với sản lượng khoảng 500 tấn/tháng là quá nhỏ so với tổng công suất thiết kế của Pvtex là 15.000 tấn/tháng (tương ứng 3,3%). Với những thông số này, để APH vực dậy một PVTex có vốn đầu tư gần 7.000 tỷ đồng và đang trong tình trạng nợ đầm đìa là điều gần như bất khả thi. Theo báo cáo kết quả kinh doanh của APH thì doanh thu năm 2017 chỉ hơn 3.500 tỷ đồng, vốn điều lệ là 850 tỷ đồng, được niêm yết trên HOSE.

Đáng chú ý, điều kiện quan trọng nhất, gần như bắt buộc, được APH đưa ra để hợp tác thành công với PVTex là DN này phải có được một phần sản phẩm hạt nhựa PP từ Công ty Cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), PVN đang sở hữu 92% BSR. Và cũng Phó Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng đã ký văn bản gửi tới Người đại diện phần vốn của Tập đoàn tại BSR vào tháng 6/2018 vừa qua nhằm hiện thực hóa điều kiện mà APH đã đưa ra ở trên. Cũng trong văn bản đó, PVN yêu cầu mọi việc phải tuân thủ các quy định của pháp luật, đảm bảo công bằng, minh bạch và cạnh tranh.

Nghị quyết của BSR về việc bán hạt nhựa PP cho APH.

Mặc dù vậy các diễn biến sau đó lại hoàn toàn trái ngược với "công bằng, minh bạch, cạnh tranh" khi vào cuối tháng 7/2018, BSR đã tổ chức một cuộc họp với 5 đối tác là khách hàng lâu năm của mình nhằm bàn thảo về điều kiện của APH và toàn bộ các DN tham gia đều cho rằng điều này sẽ đẩy họ vào tình trạng vô cùng khó khăn, trong khi các DN này luôn thực hiện đúng cam kết của hợp đồng.

Cụ thể, PVN chỉ đạo BSR cắt giảm 35% khối lượng hạt nhựa PP đã ký (tương đương 4.500 tấn/tháng) để bán cho APH với thời hạn 5 – 10 năm. Nếu điều này thành hiện thực, APH sẽ là DN tiêu thụ hạt nhựa PP lớn thứ 2 của BSR. Câu hỏi được đặt ra lúc này là nếu việc giải cứu PVTex không thành công như kế hoạch thì khối lượng hạt nhựa nêu trên sẽ đi về đâu? Ai sẽ là đối tượng phải chịu trách nhiệm với các rủi ro của BSR khi mà hệ thống phân phối đang ổn định, giờ đây đang có nguy cơ bị đổ vỡ?

Theo phía BSR, trong những tháng đầu năm 2018, các đối tác đã thực hiện rất tốt cam kết tiêu thụ sản phầm hạt nhựa PP nhưng việc chia sẻ sản lượng cho APH lại là vấn đề phát sinh bất ngờ theo ý kiến chỉ đạo cùa PVN. Từ đây có thể thấy, dường như BRS chưa hề có kế hoạch cung ứng sản phẩm cho một đối tác mới như APH mà hành động này chỉ xuất hiện khi có những “mệnh lệnh hành chính” từ chính “công ty mẹ” PVN.

Được biết, cả 5 đối tác hiện tại của BSR đều khẳng định việc giảm sản lượng hạt nhựa PP sẽ khiến DN gặp thiệt hại lớn về tài chính. Bởi hợp đồng được ký kết với BSR đều là dài hạn nên các DN tham gia đã đầu tư nhiều chi phí vào cơ sở hạ tầng, phương tiện vận tải, nhân sự, chi phí phát triển thị trường, hệ thống logistics, chi phí giữ khách hàng, phát hành các hợp đồng bảo lãnh... đặc biệt là các cam kết với khách hàng nước ngoài, nên nếu có sự thay đổi về sản lượng PP sẽ gây thiệt hại lớn cho DN.

Mặc dù các DN đối tác lâu năm của BSR đã liên tục đưa ra các lý do thiệt hơn trong việc bắt tay với APH nhưng các ý kiến này đều bị dẹp bỏ một cách không thương tiếc. Bởi trong tháng 9/2018, cả phía BSR lẫn PVN đều có Nghị quyết “thông qua” việc bán sản lượng hạt nhựa PP từ 2 công ty con là Tổng Công ty Dung dịch khoan và Hóa phấm Dẩu khí và Công ty CP Nhà và Thương mại Dầu khí (xấp xỉ 3.000 tấn/tháng), thời gian áp dụng từ tháng 9/2018.

Với những quyết định trên, liệu PVN có tính toán tới trường hợp có khả năng rất lớn sẽ trở thành hiện thực là 2 công ty con của mình sẽ bị các khách hàng đầu ra hiện tại khởi kiện, từ đó gây thiệt hại kinh tế rất lớn cho nhà nước?

Ai bắt BSR “làm khó” vào chính mình?

Theo tìm hiểu của Hoanhap.vn, cả 5 DN gồm: Công ty CP nhựa OPEC, Công ty CP Hóa chất Nhựa Đà Năng, Công ty CP Thương mại Dịch vụ Dầu khí miền Trung, Tổng Công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dẩu khí và Công ty CP Nhà và Thương mại Dầu khí đều là các đối tác lâu năm và cùng trải qua nhiều thăng trầm cùng BSR. Đáng chú ý, tại thời điểm BSR bắt đầu thương mại hóa hạt nhựa PP ra thị trường (2010) đã có khoảng 30 DN tham gia nhưng tới năm 2017, sau nhiều biến động giá cả của thị trường, chỉ còn lại đúng 5 cái tên kể trên tiếp tục gắn bó với DN. Vì vậy có khả năng việc PVN “yêu cầu” BSR tự tay triệt hạ những bạn hàng thân thiết của mình nhằm đặt cược vào "canh bạc" PVTex - APH nhiều khả năng sẽ khiến DN này phải gánh lấy hậu quả về cả kinh tế lẫn uy tín.

Mặt khác, trên thị trường hạt nhựa PP, BSR chưa phải là DN bao trọn thị phần cung ứng khi chỉ chiếm khoảng 11,5%, trong khi đó Lọc hóa dầu Nghi Sơn đang mạnh mẽ hơn nhiều khi có được hơn 30% và số lượng còn lại thuộc về hàng nhập khẩu. Hơn thế nữa, thị trường hạt nhựa PP ngày càng cạnh tranh khốc liệt hơn khi hiện giá bán của Lọc hóa dầu Nghi Sơn đang bán thấp hơn khá nhiều so với BSR, đồng thời trong 2-3 năm tới sẽ có nhà cung cấp mới xuất hiện như Hyosung, Long Sơn, Phú Mỹ, Vũng Rô ... Với tương lai đầy biến động đó, liệu BSR có cách nào đối phó khi mang trên mình lý lịch từng làm khó với đối tác trung thành?

Hạt nhựa PP là sản phẩm khá khác biệt so với các sản phẩm lọc dầu khác khi có tính thanh khoản rất cao, tuy nhiên sản phẩm này đòi hỏi phải có sự am hiểu thị trường để kinh doanh an toàn, hiệu quả. Việc sản phẩm của BSR đã có nhiều khách hàng tham gia tiêu thụ ổn định trong nhiều năm là điều cực kỳ quan trọng, quyết định đến thành bại của DN cung cấp khi trong 1-2 năm tới đây sẽ là thị trường có sức cạnh tranh rất cao. Do đó, cũng tương tự như những mô hình kinh doanh khác, việc ký hợp đồng dài hạn với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra có uy tín, có năng lực, có kinh nghiệm là hết sức cần thiết và nằm trong chủ trương của Chính phủ trong việc cổ phần hóa của BSR.

Như vậy có thể thấy, thay vì duy trì mối quan hệ vốn đang rất tốt đẹp với các DN đã hợp tác cùng mình lâu năm, liệu PVN có lựa chọn một canh bạc cực kỳ phiêu lưu khi đặt hy vọng vào APH để vực dậy được Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ? Liệu với mối lương duyên cùng APH sẽ khiến PVTex làm được điều trong mơ là dần hồi sinh hay tiếp tục đẩy 1 trong 12 đại dự án thua lỗ này tiếp tục ngập sâu trong đống nợ nần?

Năng lực và khả năng tài chính thực sự của APH đang ở mức nào? Tại sao việc dùng APH để giải cứu PVTex là bất khả thi? Tiêu chí lựa chọn đối tác cứu Pvtex có thực sự minh bạch? Liệu có chăng lợi ích của một vài cá nhân đứng sau việc hợp tác này? Những câu hỏi trên sẽ được Hoanhap.vn giải đáp trong các bài viết tiếp theo.

Theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Thông báo số 43-TB/VPTW ngày 19/6/2017 và chỉ đạo của thủ tướng tại Quyết Định sổ 1468/QĐ - TTg ngày 29/09/2017 về việc xử lý tồn tại của 12 dự án yếu kém, chậm tiến độ trong đó có dự án PVTex, nêu rõ quan điểm: Kiên quyết xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; tôn trọng nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp. 


Theo hoanhap.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đổi USD ở đâu là hợp pháp?

Đổi ngoại tệ thành Việt Nam đồng là một giao dịch tương đối phổ biến. Tuy nhiên không phải ai cũng biết quy định của pháp luật về vấn đề này.

Năm 2018: Dư nợ tín dụng có thể tăng 15,22%

Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng 4,52% trong Quý IV/2018 và tăng 15,22% trong năm 2018 trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động vốn và cho vay được các tổ chức tín dụng (TCTD) dự báo tiếp tục duy trì ổn định trong Quý IV/2018 và cả năm 2018.