Hà Nội: Bảo đảm đủ hàng hóa, nhiều hình thức phân phối linh hoạt

20/08/2021 18:49

Kinhte&Xahoi Gần kết thức đợt giãn cách thứ hai, từ 0h ngày 20-8, khu vực kinh doanh rau, củ, quả và hàng hóa thiết yếu tại chợ đầu mối phía Nam đã bắt đầu mở cửa hoạt động trở lại để phục vụ nhân dân sau thời gian tạm đóng cửa bảo đảm phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội cùng UBND các quận, huyện, thị xã, lãnh đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn tiếp tục tăng cường thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch và triển khai nhiều hình thức phân phối hàng hóa linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Các siêu thị bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa phục vụ người dân trong thời gian giãn cách.

Bảo đảm nguồn cung hàng hóa

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong đợt giãn cách thứ hai này, thành phố tiếp tục bảo đảm nguồn cung hàng hóa, phục vụ người dân mua sắm thuận lợi, nhất là những mặt hàng thiết yếu. Cũng trong thời gian này, trên địa bàn thành phố có 35 chợ đầu mối, chợ dân sinh, 1 siêu thị và 13 cửa hàng tiện lợi phải đóng cửa để thực hiện truy vết đã ảnh hưởng đến nguồn cung trên địa bàn. Tuy nhiên, thành phố đã chủ động kế hoạch điều phối nguồn cung hàng hóa, xe vận chuyển, đồng thời bổ sung 5 địa điểm trong nội thành để sử dụng khi chợ đầu mối phải phong tỏa.

Với phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, nguồn hàng tại chỗ, phục vụ tại chỗ) và "3 sẵn sàng" (chủ động nguồn hàng, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương), Hà Nội luôn bảo đảm dự trữ lượng hàng hóa thiết yếu tăng gấp 3 lần so với bình thường (khoảng 194.000 tỷ đồng), đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng của người dân, vì vậy, người dân không phải lo lắng mua hàng tích trữ.

“Căn cứ theo mức độ lây lan của dịch, đã xác định tổng trị giá lượng hàng hóa phục vụ nhân dân tại các khu vực cách ly, phong tỏa theo cấp độ như sau: Cấp độ 1 (từ 20 ca đến dưới 1.000 ca mắc bệnh trở lên): 313,78 tỷ đồng; cấp độ 2 (từ 1.000 đến 3.000 ca mắc): 1.048,71 tỷ đồng; cấp độ 3 (từ hơn 3.000 đến 30.000 ca mắc): 5.359,05 tỷ đồng”, bà Trần Thị Phương Lan chia sẻ.

Trong khi đó, các hệ thống siêu thị đều chủ động, sẵn sàng các phương án dự trữ hàng hóa, với lượng hàng nhu yếu phẩm tăng từ 30% đến 50%, đồng thời cam kết không tăng giá bán thời điểm này.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Nội (quận Hà Đông) cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, để bảo đảm nguồn hàng tiêu dùng thiết yếu cho người dân, hệ thống siêu thị Co.opmart đã dự trữ 12.000 tấn nông, thủy sản, 5 triệu khẩu trang và một lượng lớn nước rửa tay khử khuẩn. Giá các loại hàng hóa ổn định không tăng.

Còn Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Thương mại Hà Nội Nguyễn Thái Dũng cho biết, doanh nghiệp này đã làm việc với các nhà cung cấp hàng hóa thiết yếu để chuẩn bị cho các kịch bản khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, với lượng hàng thiết yếu tăng gấp 300 lần so với bình thường, sẵn sàng phục vụ khi nhu cầu mua sắm tăng lên.

Tương tự, ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc miền Bắc hệ thống Siêu thị Vinmart thông tin, với hệ thống 800 điểm bán hàng và 51 siêu thị lớn tại Hà Nội, hệ thống Vinmart đang trữ kho tại chỗ bảo đảm phục vụ người dân, không để xảy ra tình trạng trống kệ. 

“Để chung tay phòng, chống dịch Covid-19, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, rất cần sự chung tay của chính người dân, thực hiện nghiêm quy định "5K" và không đầu cơ tích trữ hàng hóa gây khan hiếm cục bộ trong thời điểm dịch bệnh”, bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.

Nhiều hình thức phân phối linh hoạt

Ghi nhận của phóng viên tại các hệ thống siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi ngày 20-8 cho thấy, nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, không có tình trạng găm hàng, tăng giá trục lợi. Đặc biệt, xuất hiện nhiều hình thức phân phối hàng hóa linh hoạt, hiệu quả trong tình hình mới.

Trên địa bàn Hà Nội, có 8.216 điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu đã được Sở Công Thương niêm yết công khai để phục vụ nhân dân và 36 địa điểm bán hàng lưu động nằm trong phương án sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động do các quận, huyện, thị xã bố trí.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, các quận, huyện đã triển khai một số điểm bán hàng lưu động, xe cung ứng thực phẩm. Tính đến ngày 18-8, toàn thành phố có 40 điểm bán hàng lưu động tại các quận: Ba Đình (8 điểm), Tây Hồ (8 điểm), Hai Bà Trưng (6 điểm), Long Biên (4 điểm), Nam Từ Liêm (4 điểm), Thanh Xuân (3 điểm), Hoàn Kiếm (1 điểm), Cầu Giấy (1 điểm), Bắc Từ Liêm (1 điểm).

Sở Công Thương cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã và các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ trên địa bàn đăng ký nhu cầu bán hàng lưu động bằng xe ô tô. Đến thời điểm hiện tại, Sở đã nhận được 6 quận, huyện đăng ký 62 điểm bán hàng bằng xe bus, gồm các quận, huyện: Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm, Thanh Trì, Mỹ Đức, Ứng Hòa; 10 doanh nghiệp đăng ký tham gia bán hàng lưu động bằng ô tô như: Công ty CP Sữa nông trại Ba Vì; Công ty CP Dafusa Việt Nam; Công ty TNHH Thực phẩm Phú Thiên Tân; Hợp tác xã Nông nghiệp Khánh Phong; Công ty cổ phần Rau an toàn Hà Nội…

Ông Đàm Mạnh Tuấn, Giám đốc Siêu thị AEON Long Biên cho biết, từ ngày 2-8, AEON Việt Nam bắt đầu triển khai các điểm bán hàng lưu động trên địa bàn quận Long Biên nhằm cung cấp thực phẩm thiết yếu cho người dân địa phương. Các xe bán hàng lưu động duy trì tại 4 điểm: Số 5 đường Vạn Hạnh, Khu đô thị Việt Hưng; số 125 Nguyễn Sơn; số 34 phố Bắc Cầu, phường Ngọc Thụy và số 11 Đặng Vũ Hỷ, phường Thượng Thanh.

Chợ đầu mối phía Nam mở cửa trở lại, bảo đảm an toàn phòng dịch. Ảnh: Quang Thái

Trong khi đó, từ 0h ngày 20-8, khu vực kinh doanh rau, củ, quả và hàng hóa thiết yếu tại chợ đầu mối phía Nam đã bắt đầu mở cửa hoạt động trở lại để phục vụ nhân dân sau thời gian tạm đóng cửa bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19. Thời gian hoạt động khi mở cửa trở lại cũng sẽ được điều chỉnh. Theo đó, từ 0h đến 5h30, là thời gian khách mua buôn được vào chợ mua bán, trao đổi hàng hóa; từ 5h30 đến 11h, là thời gian khách mua lẻ phục vụ sinh hoạt gia đình hằng ngày. Sau 11h và trong buổi chiều, chợ sẽ đóng cửa, dừng toàn bộ các hoạt động bán buôn, bán lẻ hàng hóa để vệ sinh môi trường, khử khuẩn.

Để bảo đảm việc phân phối, lưu thông hàng hóa được thông suốt, Sở Công Thương đã lập danh sách 3.726 xe ô tô của 107 lượt doanh nghiệp gửi Sở Giao thông Vận tải để đăng ký luồng xanh (6 đợt) và danh sách 10.039 xe máy (9 đợt) gửi Sở Giao thông Vận tải để đăng ký vận chuyển hàng hóa thiết yếu. Đến nay, Sở Giao thông Vận tải đã duyệt cấp mã QR đăng ký “luồng xanh” cho gần 2.500 xe ô tô và cấp mã số xác nhận cho 9.225 xe máy theo danh sách của Sở Công Thương.

“Sở Công Thương cũng kiến nghị, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người lao động thuộc hệ thống phân phối bán lẻ hàng hóa thiết yếu vận tải và logistics, để các đơn vị phân phối yên tâm hoạt động, bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trên địa bàn”, bà Trần Thị Phương Lan thông tin.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

 

 Thanh Hiền - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Hà Nội mới http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/1009498/ha-noi-bao-dam-du-hang-hoa-nhieu-hinh-thuc-phan-phoi-linh-hoat