Hà Nội “bêu tên” 112 đơn vị nợ gần 140 tỷ đồng thuế, phí và tiền sử dụng đất

12/12/2018 15:15

Kinhte&Xahoi Cục Thuế TP Hà Nội vừa tiếp tục công khai đợt tháng 12/2018 danh sách 112 đơn vị nợ thuế, phí và tiền sử dụng đất với tổng số nợ hơn 138 tỷ đồng.

Trong danh sách này, có 2 chủ đầu tư nợ tiền sử dụng đất là Công ty cổ phần Công trình giao thông 1 (nợ hơn 3,6 tỷ đồng) và Công ty cổ phần Lilama Hà Nội (nợ 714 triệu đồng). Đây là số nợ tại thời điểm 31/10. Các doanh nghiệp còn lại có tổng số nợ thuế, phí là gần 134 tỷ đồng. 

Đáng chú ý, doanh nghiệp có số nợ lớn nhất, đứng đầu danh sách này là Công ty cổ phần Tập đoàn Thạch Bàn với số nợ gần 50 tỷ đồng. Đứng thứ 2 trong danh sách là Công ty cổ phần CONSTREXIM-MECO hiện có số nợ hơn 25,5 tỷ đồng.

Cục Thuế TP Hà Nội vừa đăng công khai danh sách 112 đơn vị nợ gần 140 tỷ đồng thuế, phí và tiền sử dụng đất.

Một số doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng đô thị Hà Nội có số nợ hơn 9,5 tỷ đồng; Công ty cổ phần Khoáng sản Năng lượng Vân Phong nợ 5,3 tỷ đồng; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đầu tư và Dịch vụ tuổi trẻ Hà Nội với số nợ gần 4,9 tỷ đồng; Công ty cổ phần Thịnh An nợ 4,8 tỷ đồng; Công ty cổ phần Công nghiệp Tùng Giang hiện nợ gần 3,3 tỷ đồng... 

Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, trong 11 tháng, đơn vị này đã đăng công khai trên trang website 1.752 doanh nghiệp nợ tiền thuế, phí và các khoản thu liên quan đến đất với tổng số tiền nợ là trên 6.460 tỷ đồng. Sau công khai, đã có 824 đơn vị nộp lại trên 825 tỷ đồng. 

Một số doanh nghiệp nợ đọng thuế kéo dài.

Như vậy, đã có khoảng 47% doanh nghiệp công khai thực hiện nộp lại ngân sách. Số tiền đã nộp bằng khoảng 12,8% tổng số thuế nợ đã công khai. 

Cũng theo Cục Thuế TP Hà Nội, trong giai đoạn cuối năm 2018, cơ quan này đã, đang và sẽ tiến hành nhiều giải pháp quản lý, đôn đốc thu hồi nợ đọng; thể hiện sự kiên quyết của cơ quan thuế trong công tác quản lý nợ thuế. 

Bên cạnh đó, Cục Thuế TP Hà Nội tiếp tục lắng nghe, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, trong đó có các đơn vị nợ thuế. 

Trong thời gian tới, Cục Thuế TP Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, đề xuất các cấp có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế quyết liệt hơn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp, các chủ đầu tư có nguồn tiền nhưng cố tình chây ỳ, không hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

 

Theo KD&PL


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nghệ An: Đổi 100 USD bị phạt 40 triệu đồng

UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Quyết định xử phạt hành chính 40 triệu đồng đối với một phụ nữ tại Thị xã Thái Hòa (Nghệ An) vì hành vi “mua bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau”.

Đổi USD ở đâu là hợp pháp?

Đổi ngoại tệ thành Việt Nam đồng là một giao dịch tương đối phổ biến. Tuy nhiên không phải ai cũng biết quy định của pháp luật về vấn đề này.