Hà Nội: Dự án "đất vàng" 93 Láng Hạ chậm 7 năm, người dân mòn mỏi chờ nhà

13/11/2018 09:02

Kinhte&Xahoi Ngày 12/11, tại buổi họp về các phương án tháo gỡ vướng mắc, cải tạo các dự án chung cư cũ trên địa bàn quận Đống Đa, TP.Hà Nội, lãnh đạo UBND quận Đống Đa đã nêu ra những khó khăn trong công tác cải tạo chung cư cũ.

Cụ thể, ông Nguyễn Hoàng Giáp, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết, trên địa bàn quận còn có hàng chục toà nhà chung cư cũ đang bị xuống cấp nghiêm trọng cần được cải tạo để đảm bảo an toàn cuộc sống của người dân nhưng vẫn chưa thể cải tạo được. Việc cải tạo chung cư cũ đang chia thành 3 nhóm: Cấp độ nguy hiểm; Quy hoạch của thành phố; Theo đề xuất của dân.

Dự án cải tạo chung cư cũ L1, L2, số 93 Láng Hạ bị chậm tiến độ 7 năm, người dân mòn mỏi chờ ngày trở về.

“Những vướng mắc, khó khăn lớn nhất trong công tác cải tạo chung cư cũ là chính sách giải phóng mặt bằng, hỗ trợ người dân tái định cư. Chúng tôi hy vọng Hà Nội sớm có một chính sách khung về đền bù đối với cải tạo chung cư cũ”, ông Giáp nói.

Trước những thắc mắc của người dân về dự án cải tạo chung cư cũ L1, L2, số 93 Láng Hạ bị chậm tiến độ 7 năm khiến cho hơn 100 hộ dân mòn mỏi chờ ngày trở về nhà, ông Giáp cho biết: “Dự án này được UBND TP.Hà Nội cấp giấy phép đầu tư năm 2008 cho công ty CP Bất động sản An Thịnh để thực hiện dự án cải tạo với tiến độ dự án 2011 – 2015. Tuy nhiên, do vướng mắc về bồi thường đã khiến cho dự án chậm tiến độ đến nay”.

Theo ông Giáp, ngày 25/12/2015, tổng công ty CP Vinaconex đã hoàn tất mua 99,98% cổ phần từ các cổ đông của công ty An Thịnh, nay chuyển thành công ty CP Bất động sản Vinaconex. Đến năm 2016, UBND TP.Hà Nội chấp thuận điều chỉnh nội dung đầu tư, tiến độ thực hiện dự án cải tạo chung cư cũ L1, L2, số 93 Láng Hạ. Do đó, công ty Vinaconex chính thức được công nhận là chủ đầu tư của dự án cải tạo này.

Lý do dự án cải tạo chung cư cũ 93 Láng Hạ chậm tiến độ, ông Giáp cho rằng: “Do có 12 hộ trong tổng số 118 hộ gia đình đang sống tại đây không đồng ý với chính sách bồi thường. Tuy nhiên, đến nay đã có 11/12 đồng ý và chỉ còn lại 1 hộ ở tầng 1 là hộ gia đình của bà Nguyễn Hồng Linh đưa ra những đòi hỏi quá cao. Chúng tôi đã nhiều lần cùng với chủ đầu tư là Vinaconex đàm phán thoả thuận nhưng không được”.

Dự án chung cư cũ L1, L2, số 93 Láng Hạ bị chậm tiến độ 7 năm, đến nay mới đang được giải phóng mặt bằng.

Ông Giáp khẳng định: “Để dự án sớm được triển khai, không chậm tiến độ làm ảnh hưởng đến 117 hộ dân đang phải đi thuê nhà, mòn mỏi chờ ngày trở về, Hà Nội đã đồng ý cho phép tổ chức cưỡng chế hộ gia đình bà Linh. Thời gian dự kiến hoàn thành trong tháng 11, chúng tôi đang bố trí lực lượng để đảm bảo an toàn cho các hộ dân trong công tác cưỡng chế. Thành phố và quận không muốn cưỡng chế nhưng vì cái chung của 117 hộ và quy hoạch chung của TP nên chúng tôi phải cưỡng chế”.

Mòn mỏi chờ ngày nhận nhà, ông Trần Ngọc Lương, Tổ phó tổ dân phố L1, L2 (đại diện tổ dân phố) bày tỏ mong muốn: “Thời điểm Vinaconex đưa ra các chính sách bồi thường, hỗ trợ người dân về phương án cải tạo chung cư cũ nơi chúng tôi gắn bó lâu năm, có tới 106/118 hộ đồng thuận với mức bồi thường của chủ đầu tư”.

“Tưởng rằng sẽ sớm được ở trong ngôi nhà mới nhưng không thể ngờ đã 7 năm mòn mỏi chờ đợi, chúng tôi vẫn chưa thể trở về nhà vì dự án chậm tiến độ khiến cho cuộc sống của chúng tôi đảo lộn. Việc đi thuê nhà của chúng tôi trong những năm qua gặp rất nhiều khó khăn, từ việc sinh hoạt, việc học hành, đi lại”, ông Lương bày tỏ.

Theo ông Lương, dự án chậm tiến độ cũng chỉ vì 12 hộ đòi hỏi bồi thường quá cao khiến nhiều người bức xúc. Trước đó, chủ đầu tư có hứa là sẽ thực hiện dự án trong vòng 3 năm những đến nay vẫn chưa được triển khai. Chúng tôi mong dự án sớm được triển khai, để các hộ dân nhanh chóng được trở lại căn hộ 93 Láng Hạ để ổn định lại cuộc sống.

Về phía chủ đầu tư dự án cải tạo chung cư cũ L1, L2, số 93 Láng Hạ, ông Dương Văn Mậu  - Phó tổng giám đốc tổng công ty Vinaconex cho rằng: “Trước khi tiếp nhận dự án, tháng 8/2015, chúng tôi đã gặp gỡ các hộ dân để thuyết minh về chính sách cũng như phương án cải tạo. Người dân đã đồng ý với mức bồi thường 1m2 sàn cũ sẽ được nhận lại 1,3m2 sàn mới. Thời điểm đó, có 106/118 hộ gia đình đồng ý chấp nhận đền bù (chúng tôi chấp nhận đền bù cả diện tích cơi nới).

Lý giải về dự án chậm 7 năm, ông Mậu trình bày: “Trong 7 năm dự án bị chậm có 5 năm là lỗi của công ty An Thịnh. Dự án chậm tiến độ là do chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Cùng với đó, gia đình bà Linh yêu cầu chủ đầu tư hỗ trợ 30 triệu đồng/tháng tiền đi thuê nhà và hệ số quy đổi 1m2 sàn cũ lấy 3m2 sàn mới sau khi dự án hoàn thành. Đây là đòi hỏi quyền lợi rất cao, vượt khung chính sách của Nhà nước, thành phố cũng như chủ đầu tư không đáp ứng được”.

 

Theo Người đưa tin/Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đổi USD ở đâu là hợp pháp?

Đổi ngoại tệ thành Việt Nam đồng là một giao dịch tương đối phổ biến. Tuy nhiên không phải ai cũng biết quy định của pháp luật về vấn đề này.

Năm 2018: Dư nợ tín dụng có thể tăng 15,22%

Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng 4,52% trong Quý IV/2018 và tăng 15,22% trong năm 2018 trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động vốn và cho vay được các tổ chức tín dụng (TCTD) dự báo tiếp tục duy trì ổn định trong Quý IV/2018 và cả năm 2018.