Điều chỉnh lịch, rút ngắn thời gian làm bài
Trong điều kiện dịch bệnh Covid- 19 có diễn biến phức tạp, để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, Ban chỉ đạo thi tuyển sinh lớp 10 THPT TP Hà Nội điều chỉnh lịch thi và thời gian làm bài thi so với kế hoạch trước đó. Cụ thể như sau:
Theo lịch điều chỉnh, thời gian làm bài của môn Toán và Ngữ văn giảm 30 phút; thời gian làm bài của môn Ngoại ngữ và Lịch sử giảm 15 phút; lịch thi cũng được đẩy lùi xuống 2 ngày với kế hoạch trước đó.
Cấu trúc và mức độ đề thi không thay đổi; mức độ yêu cầu về kiến thức và kỹ năng của đề thi được tinh giảm phù hợp với thời gian, đảm bảo theo hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy và học của Sở GD&ĐT.
Do giảm thời gian làm bài nên số lượng câu hỏi trắc nghiệm khách quan trong đề thi môn Ngoại ngữ (không chuyên) và môn Lịch sử (không chuyên) là 30 câu/đề thi (giảm bớt 10 câu/đề so với kế hoạch cũ), giảm bớt một số câu ở từng phần trong cấu trúc đề thi nhưng vẫn đảm bảo sự phân hóa của đề thi để lựa chọn được những thí sinh có đủ năng lực theo yêu cầu của công tác tuyển sinh.
Tuyển thẳng F0, F1, xét tuyển F2
Để chủ động trong tổ chức thi, Hà Nội thống nhất phương án chia thành 3 nhóm thí sinh và có cơ chế tuyển sinh cụ thể với từng nhóm.
Theo đó, Sở GD&ĐT phối hợp Sở Y tế và các đơn vị liên quan xây dựng tiêu chí để tổ chức phân loại thí sinh đã đăng ký dự thi thành 3 nhóm: Nhóm 1 (thí sinh F0, F1); nhóm 2 (thí sinh thuộc diện F2 đang trong thời gian cách ly theo quy định, diện lưu trú tại địa bàn bị cách ly, phong tỏa hoặc diện khác mà không được đến trường do ảnh hưởng dịch Covid- 19. Lưu ý: Khi F1 xét nghiệm lần 1 âm tính thì F2 trở lại bình thường) và nhóm 3 (các đối tượng thí sinh còn lại, được phép đến phòng thi).
Thời gian để phân loại đối tượng thí sinh đến 17h ngày 11/6; các trường hợp phát sinh từ ngày 12- 13/6 sẽ được xem xét bổ sung theo quy định. Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid- 19 quận, huyện, thị xã có trách nhiệm xác nhận đối tượng thí sinh thuộc nhóm 1, nhóm 2 theo quy định.
Các phương án tuyển sinh cụ thể
Về phương án tuyển sinh với nhóm 1: Thí sinh được tuyển thẳng vào trường THPT công lập mà thí sinh có nguyện vọng đăng ký dự tuyển theo quy định (nguyện vọng 1, nguyện vọng 2, nguyện vọng 3) phù hợp với nơi cư trú của thí sinh.
Nguyện vọng trúng tuyển thẳng của thí sinh thuộc nhóm 1 không ảnh hưởng đến chỉ tiêu tuyển sinh của thí sinh thuộc các nhóm khác tại mỗi trường THPT công lập.
Phương án tuyển sinh vào lớp 10 công lập không chuyên đối với nhóm 2 áp dụng phương thức xét tuyển căn cứ vào điểm học bạ.
Căn cứ nguyện vọng đăng ký dự tuyển và điểm xét tuyển của các thí sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, tỷ lệ và điểm xét tuyển của thí sinh dự tuyển, các trường THPT xây dựng phương án điểm chuẩn trúng tuyển đối với mỗi nhóm đối tượng thí sinh, báo cáo Sở GD&ĐT phê duyệt, tổ chức triển khai xét tuyển đảm bảo khách quan, công bằng, phù hợp với tình hình thực tế.
Đối với lớp 10 chuyên và hệ song bằng tú tài, thí sinh thuộc nhóm 1, nhóm 2 đã đăng ký dự thi vào hệ này, nếu có nguyện vọng sẽ được phép đăng ký dự thi kỳ thi tuyển bổ sung. Sở GD&ĐT sẽ bổ sung thêm chỉ tiêu vào các lớp chuyên và lớp song bằng tú tài cho thí sinh thuộc nhóm 1, nhóm 2 mà không ảnh hưởng đến chỉ tiêu của các thí sinh nhóm khác và sẽ ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể vào cuối học kỳ 1 năm học 2021- 2022.
Thí sinh thuộc nhóm 3 đến trường thi theo quy định, đảm bảo các quy định về phòng chống dịch. Các nội dung khác liên quan đến công tác tuyển sinh thực hiện theo đúng quy định và Quy chế thi.
Hà Nội cũng lưu ý: Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sẽ diễn ra như phương án đã nêu với điều kiện từ nay đến ngày tổ chức thi, diễn biến tình hình dịch bệnh Covid- 19 trên địa bàn TP không có diễn biến phức tạp hơn so với tình hình hiện nay.
Công thức xét tuyển của thí sinh nhóm 2:
Công thức là: Điểm THCS + điểm trung bình môn Toán + điểm trung bình môn Ngữ văn + điểm trung bình môn Ngoại ngữ+ điểm trung bình môn Lịch sử + điểm ưu tiên (nếu có).
Điểm quy đổi như sau: Hạnh kiểm tốt và học lực giỏi (5 điểm);
Hạnh kiểm khá và học lực giỏi hoặc hạnh kiểm tốt và học lực khá (4,5 điểm);
Hạnh kiểm khá và học lực khá (4 điểm);
Hạnh kiểm trung bình và học lực giỏi hoặc hạnh kiểm tốt và học lực trung bình (3,5 điểm);
Hạnh kiểm khá và học lực trung bình hoặc hạnh kiểm trung bình và học lực khá (3 điểm); các trường hợp còn lại (2,5 điểm).
Điểm trung bình môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử là điểm trung bình tương ứng các môn này trong cả năm học lớp 9 cấp THCS của thí sinh.
Điểm ưu tiên theo quy chế tuyển sinh.
Nam Du - Theo KTĐT