Hà Nội: Núp bóng quán Cafe để sử dụng “bóng cười”

03/10/2018 14:51

Kinhte&Xahoi Tại phường Lê Đại Hành hai cửa hàng kinh doanh “bóng cười” rầm rộ hoạt động trong thời gian dài thế nhưng lực lượng chức năng lại đang “ngó lơ”.

Một phường hai tụ điểm "bóng cười" hoạt động rầm rộ

Hiện nay, rất nhiều bạn trẻ đang tỏ ra hào hứng trước chất kích thích mới mang tên “bóng cười”. Đây là chất kích thích được giới trẻ sử dụng để tăng sức hấp dẫn, vui vẻ trong các bữa tiệc.

Bóng cười ghi nhận từ quán VITA

Bóng cười thực chất là khí N2O. Trong bóng cười có tính oxy hóa và kích thích phản ứng cháy. Khí này không duy trì sự sống, có thể gây ngạt; tác động vào não gây ảo giác. Nếu dùng nhiều, thần kinh luôn trong trạng thái bị kích thích, có khi rơi vào trạng thái hôn mê sâu.

Giới trẻ khu vực Quận Hai Bà Trưng thời gian gần đây và trên nhiều trang mạng xã hội bỗng xuất hiện một cái tên khá nổi tiếng “VITA” quán cafe quảng cáo kinh doanh bóng cười, shisa 24/24 cho các bạn trẻ.Thực tế trên địa bàn phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội việc quản lý hoạt động kinh doanh “bóng cười”, shisha lại đang bị buông lỏng.

Quán thứ nhất có địa chỉ 15 phố Vân Hồ 2. Quán có vị trí khá đẹp nằm đối diện với Công viên Lê Nin và đang được giới trẻ truyền tai nhau bởi có vị trí kín đáo và có món giới trẻ yêu thích: “bóng cười”, shisa và nhạc mạnh.

Thời điểm phóng viên có mặt, quán này đã chật kín người, mọi hoạt động ở đây không khác gì một quán bar thu nhỏ.  Trong tiếng nhạc xập xình của quán, nhiều cặp đôi và nhóm bạn đang lắc lư theo điệu nhạc và miệng thì liên tục “thổi bóng”. Khi chúng tôi vừa ngồi vào bàn, một nam nhân viên lập tức đến bảo gọi đồ uống “bóng cười” và kèm shisa. Khi hỏi giá “bóng cười” bao nhiêu tiền/quả thì nhân viên này cho biết, loại nhỏ 50.000 đồng/quả loại siêu bự.

Trong khoảng gần một tiếng ngồi tại đây, những quả “bóng cười” nhiều màu sắc liên tục được nhân viên của quán bơm và phục vụ cho khách. Theo quan sát lượng bóng cười bán ra nhiều đến mức quán này cử hẳn năm nhân viên chuyên bơm bóng và phục vụ tận bàn cho khách.

Khách vô tư sử dụng bóng cười mà không hề gặp cơ quan chức năng kiểm tra xử lý.

Hầu hết, khách trong quán đều sử dụng từ 5 đến 10 quả bóng cười trở lên. Càng về khuya, lượng người vào quán càng đông.

Một bàn có thể sử dụng thoải mái tùy thích.

Quán thứ hai cũng có tên “VITA” nhưng lại ở địa chỉ tại số 5 phố Thái Phiên.

Đây là một quán café 1 tầng thế nhưng khi bước vào lại vô cùng ngạc nhiên vì qui mô cũng như lượng khách sử dụng bóng cười trong quán cũng nhộn nhịp không kém cạnh quán thứ nhất.

Phóng viên không khỏi choáng ngợp khi một nhóm bạn trẻ khoảng 6 người liên tục thay nhau gọi bóng để sử dụng cùng với đó là những tiếng cười điên loạn trong âm thanh nhạc mạnh.

Nhân viên chuyên phụ trách bơm bóng cho khách.

Hỏi mua và sử dụng loại bóng này, nhân viên tại cửa hàng giới thiệu “Bên em bóng có giá 50k/1 quả, ngoài ra còn có combo 500k/11 quả và được tặng thêm 1 đồ uống. Chất lượng của bóng thì anh không phải lo.”

Khi thắc mắc về vấn đề an ninh cũng như lực lượng cơ quan chức năng có hay vào kiểm tra không thì nhân viên tại quán cho rằng: “Anh yên tâm, ở đây thỉnh thoảng cũng bị kiểm tra nhưng chỉ là kiểm tra hành chính nhắc nhở thôi chứ chơi loại bóng này họ cũng chả bắt làm gì đâu.”

Biết 2 nhưng chỉ kiểm tra 1

Trước tình trạng hai quán bóng cười hoạt động rầm rộ trên địa bàn phường Lê Đại Hành. Phóng viên Pháp luật Plus đã có buổi làm việc với đại diện Công an phường Lê Đại Hành.

Đại diện Phó trưởng Công an phường Lê Đại Hành (Phụ trách hình sự) cho biết: “Đã nắm được hai quán trên. Hai quán này là của cùng 1 chủ. Công an phường không có chức năng xử phạt mà chỉ phối hợp với bên Quản lý Thị trường kiểm tra xử lý.

Đợt trước thì có kiểm tra xử lý 1 điểm là địa chỉ 15 Vân Hồ 2. Còn điểm kia chưa kiểm tra lần nào”.

Rõ ràng trách nhiệm kiểm soát, xử lý vi phạm kinh doanh “bóng cười”, hơn hết thuộc về cấp, các ngành thế nhưng hiện nay trên địa bàn phường Lê Đại Hành lại cùng một lúc đang xuất hiện hai tụ điểm kinh doanh “bóng cười” làm ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng cũng như gây mất an ninh trật tự nghiêm trọng khiến dư luận không khỏi bức xúc.

Theo Nghị định số 26 của Chính Phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 108 2008 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất, khí N20 thuộc danh mục hóa chất nguy hiểm mà tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, cất giữ, bảo quản, sử dụng hóa chất phải xây dựng biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.

Tại Điều 5 chương 2 của Nghị định 163 NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hóa chất quy định, hành vi vi phạm quy định về an toàn trong sản xuất, kinh doanh và cất giữ hóa chất nguy hiểm bị phạt tiền từ 1 - 10 triệu đồng, tùy theo tính chất vi phạm; thẩm quyền xử phạt do UBND quận, phường thực hiện, tùy theo mức độ vi phạm. 

Ngày 2/6/2017 báo điện tử VTV đã đăng tải thông tin: "Hà Nội siết chặt xử lý vi phạm bóng cười, cỏ Mỹ, shisha, ma túy "tem giấy"".

UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch huy động các cấp, ban ngành và nhân dân cùng tham gia, phối hợp trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân để nhận biết tính chất nguy hại của các chất gây nghiện, ủng hộ lực lượng chức năng phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến bóng cười, cỏ mỹ, ma túy tem giấy... Vận động người dân không tham gia tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, kinh doanh, tổ chức sử dụng các chất kích thích.

UBND TP yêu cầu các đơn vị chức năng phải phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra, kiếm soát thị trường nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi nhập lậu, sản xuất, kinh doanh, buôn bán, tổ chức sử dụng bóng cười, shisha, cỏ Mỹ, "tem giấy" trên địa bàn thành phố, nhằm lập lại kỷ cương trật tự xã hội, bảo đảm cuộc sống bình yên của người dân. 

 

Theo Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nở rộ cho vay online biến tướng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói gì?

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, nắm bắt tình trạng của tín dụng đen và cũng đã có báo cáo, kiến nghị để Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành có giải pháp quản lý chung đối với hoạt động tín dụng, tránh hiện tượng tín dụng đen.