Hà Nội: Rất khó xử lý vụ 8B Lê Trực

23/04/2020 10:26

Kinhte&Xahoi Ngày 20/4, kết luận tại buổi làm việc với UBND Thành phố Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lại một lần nữa yêu cầu Hà Nội xử lý dứt điểm vụ việc 8B Lê Trực theo hướng “bảo đảm quy hoạch chi tiết khu vực, an toàn công trình, bảo đảm quyền lợi đúng mức, đúng đắn cho nhà đầu tư, cần phải làm ngay phương án cụ thể vì công trình này kéo dài gần 10 năm mà chưa xử lý xong”. Đây đã là lần thứ 7 Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Nội phải nhanh chóng xử lý dứt điểm vụ việc, tuy nhiên, nếu không trung thực về tư duy và cách làm, Hà Nội rất khó có thể xử lý xong vụ việc 8B Lê Trực.

Nhiều năm qua, các khách hàng mua nhà dự án 8B Lê Trực vẫn ròng rã đội đơn kêu cứu đến các ngành chức năng.

Dự án có quy hoạch chi tiết 1/500 được miễn cấp phép xây dựng

Nhiều năm qua, vụ việc 8B Lê Trực luôn là vấn đề nóng được Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm. Từ năm 2015, chưa kỳ họp Quốc hội nào, các đại biểu thôi nhắc về 8B Lê Trực; vài chục văn bản đã được phát đi, thậm chí người đứng đầu Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo, nhiều lần nhắc nhở. Tại sao vậy? có điều gì huyền bí ẩn sâu phía sau công trình này?

Theo nhiều bài phân tích pháp luật đăng trên Báo điện tử Xây dựng, công trình 8B Lê Trực có quy hoạch 1/500 được Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt năm 2008. Công trình 8B Lê Trực được xây dựng cao 69,1m với 20 tầng nổi, 4 tầng hầm. Năm 2009, công trình được Sở Xây dựng thẩm định thiết kế với quy mô 4 tầng hầm, 20 tầng nổi. Năm 2010, chủ đầu tư đã thi công tường vây, cọc khoan nhồi, móng và xong 4 tầng hầm đến cos 0,00m; hệ thống thang máy, điện phòng cháy chữa cháy đã được đặt hàng theo thiết kế thì bỗng nhiên quận Ba Đình đình chỉ công trình và yêu cầu phải xin giấy phép xây dựng.

Cũng theo tìm hiểu, Giấy phép xây dựng do Sở Xây dựng cấp năm 2014 là không đúng quy định về tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam khi cấp cho 18 tầng nổi mà chiều cao công trình chỉ là 53m (thiếu 16,1m) khiến trung bình mỗi tầng không đảm bảo tiêu chuẩn xây dựng, sử dụng.

Theo Quyết định số 2452/QĐ-UBND ngày 05/12/2008 của UBND Thành phố Hà Nội về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 - lô đất có ký hiệu L30 của Công ty Cổ phần May Lê Trực tại số 8B phố Lê Trực, quận Ba Đình với quy mô công trình cao 17 tầng chính và 2 tầng kỹ thuật, 1 tầng mái, tổng cộng: 20 tầng và chiều cao công trình tối đa là 70m. Quyết định này quy định công trình không phải thi công giật làm nhiều cấp.

Cũng tại thời điểm này, đây là Quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 duy nhất đối với khu vực này và làm cơ sở pháp luật để cấp Giấy phép xây dựng (trong trường hợp pháp luật quy định).

Theo Văn bản số 6885/UBND-TH ngày 01/10/2015 của UBND Thành phố Hà Nội về việc quản lý quy hoạch kiến trúc và đầu tư xây dựng dự án tại 8B Lê Trực: “Vị trí khu đất nằm ngoài ranh giới quy hoạch chi tiết Trung tâm chính trị Ba Đình, không có quy định cụ thể khống chế về chiều cao tối đa của công trình tại địa điểm này”...

Văn bản số 82/TM-Tg1 ngày 16/01/2008 của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó cho phép chiều cao tĩnh không của công trình được phép xây dựng tối đa là 70m.

Quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 và phương án thiết kế kiến trúc được Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố Hà Nội chấp thuận với quy mô 20 tầng và chiều cao công trình là 69,1m, kèm theo Văn bản số 499/QHKT-P3 ngày 16/3/2009.

Hồ sơ thiết kế cơ sở công trình 8B Lê Trực được Sở Xây dựng Hà Nội thẩm định kèm theo Văn bản số 2154/SXD-TĐ ngày 07/04/2009 với quy mô công trình có 4 tầng hầm, 20 tầng và chiều cao công trình là 69,1m (bao gồm 17 tầng chính có chức năng thương mại, văn phòng và nhà ở, 2 tầng kỹ thuật, 1 tầng mái - tổng cộng: 20 tầng)…

Căn cứ điểm C, Khoản 1, Điều 19, Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 10/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình: “Công trình xây dựng thuộc dự án khu nhà ở có quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt” thì được miễn giấy phép xây dựng.

Nghị quyết số 43/NQ-CP ngày 06/06/2014 của Chính phủ về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanh, tại Điểm (h), Khoản 1, Điều 2 cũng nêu rõ: “Không yêu cầu thực hiện việc cấp giấy phép xây dựng đối với công trình của dự án đầu tư thuộc khu vực đã được phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500”.

Như vậy, công trình 8B Lê Trực tại thời điểm thi công xây dựng không thuộc diện phải cấp Giấy phép xây dựng.

Công trình “bị ép” cấp phép sai?

Như đã nói ở trên, năm 2010, công trình 8B Lê Trực được khởi công xây dựng và quá trình thi công phù hợp với quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500, Hồ sơ thiết kế cơ sở được Sở Xây dựng thẩm định với quy mô 20 tầng và chiều cao công trình là 69,1m. Sau 4 năm, khi công trình đã thi công xây dựng xong 4 tầng hầm đến cos +0,00m, ngày 24/03/2014, Sở Xây dựng Hà Nội mới cấp Giấy phép xây dựng số 11/GPXD-SXD cho công trình với quy mô 18 tầng, chiều cao công trình chỉ có 53m.

Giấy phép xây dựng này cấp sai với quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 2452/QĐ-UBND ngày 05/12/2008 của UBND Thành phố Hà Nội.

Cũng theo tìm hiểu được biết, Giấy phép xây dựng này cấp chiều cao cho các tầng đều bị thiếu, sai với Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam về thiết kế nhà ở cao tầng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành. Theo đó, Điểm 6.2.4.12 Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 323-2004 quy định: “Chiều cao thông thủy các tầng nhà ở không được nhỏ hơn 3 mét”. Nhưng ở đây, Giấy phép cấp bình quân các tầng chỉ có 2,94m /tầng (53m : 18 tầng). Chiều cao thông thủy sau khi trừ đi độ dày sàn bê tông 0,25m, trừ đi dầm và chiều cao hệ thống cơ điện, điều hòa, phòng cháy chữa cháy là 0,6m thì chỉ còn khoảng 2,09m /tầng (2,94m – 0,85m = 2,09m); Cụ thể như sau:

Tầng có chức năng thương mại theo quy định của Nhà nước và quy hoạch xây dựng chi tiết chiều cao tầng phải là 4,5m nhưng cấp phép chỉ có 2,6m /tầng (đã cấp phép bị thiếu 1,9m /tầng), chiều cao thông thủy sau khi trừ độ dày sàn bê tông 0,25m và chiều cao hệ thống cơ điện, điều hòa, phòng cháy chữa cháy là là 0,6m hoàn thiện thì chỉ còn 1,75m/tầng).

Các tầng có chức năng văn phòng theo quy định của Nhà nước và quy hoạch xây dựng chi tiết chiều cao tầng phải là 3,9m nhưng cấp phép chỉ có 3,0m /tầng (cấp phép đã bị thiếu 0,9m /tầng); Các tầng có chức năng căn hộ ở theo quy định của Nhà nước và quy hoạch xây dựng chi tiết chiều cao tầng phải là 3,3m nhưng cấp phép chỉ có 3,0m /tầng (đã cấp phép bị thiếu 0,3m /tầng).

Nếu chủ đầu tư thi công xây dựng theo Giấy phép này thì tòa nhà không đáp ứng được công năng sử dụng và sẽ trở thành phế tích bởi không đáp ứng được nhu cầu sống, sinh hoạt của người dân, trái với quy chuẩn xây dựng Việt Nam. Đồng thời, việc giật cấp công trình dựa vào quy chuẩn xây dựng là không đúng, bởi quy chuẩn xây dựng không phải là cơ sở để cấp phép xây dựng; mà cơ sở để cấp phép xây dựng là phải tuân thủ quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 được duyệt.

Vậy cơ sở nào để Sở Xây dựng cấp giấy phép số 11 cho công trình 8B Lê Trực? Trong khi khu vực này chỉ có quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 tại Quyết định số 2452/QĐ-UBND ngày 05/12/2008 là cơ sở duy nhất.

Vì sao nhiều năm qua, quận Ba Đình không xử lý được những sai phạm của công trình?

Theo chúng tôi, trước hết, những người thực thi pháp luật ở quận Ba Đình không có đủ cơ sở pháp luật để phá dỡ những phần công trình mà họ cho rằng công trình thi công không đúng giấy phép; trong khi Giấy phép xây dựng số 11 năm 2014 cấp sai nhưng lại làm căn cứ để xử lý trật tự xây dựng là thiếu căn cứ pháp luật (sai lại chồng sai).

Thứ hai, công trình 8B Lê Trực có kết cấu phức tạp (Hệ kết cấu dầm treo vượt nhịp tại mái tầng 18 có kích thước dài 17m x cao 1,8m x rộng 0,6m; Hệ kết cấu dầm gánh tại tầng 3 có kích thước dài 17m x cao 2,5m x rộng 0,8m). Đây cũng là nguyên do khiến cho trên 30 đơn vị tư vấn từ chối không tham gia lập phương án phá dỡ giai đoạn 2, bởi sự ảnh hưởng nghiêm trọng và nguy hiểm đến kết cấu và chất lượng công trình. Nếu tiếp tục phá dỡ có thể gây sập đổ toàn bộ công trình.

Trên thực tế, Bộ Xây dựng cũng đã chỉ đạo các tổ chức cá nhân có năng lực chuyên môn để giúp Hà Nội lên phương án phá dỡ, nhưng các tổ chức này cũng không thực hiện được. Bản thân thành phố cũng có nhiều hội thảo khoa học, mời nhiều đơn vị tư vấn để lập phương án phá dỡ nhưng đều bị từ chối. Vậy tại sao UBND Thành phố Hà Nội không báo cáo trung thực với Thủ tướng và công khai trước nhân dân về vấn đề này?

Với cách làm như hiện nay, không ai biết đến khi nào sẽ xử lý xong vụ việc 8B Lê Trực.

Để xử lý công trình này, cần phải xem xét giải quyết theo quy định tại Điều 13, Khoản 9, Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ và Điều 79 của Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ; hay chỉ là phá dỡ?

Chúng tôi cho rằng, việc xây dựng công trình 8B Lê Trực có những sai phạm. Trong các sai phạm ấy, có sai phạm do chủ đầu tư gây ra, có sai phạm do các cơ quan chuyên môn của Thành phố Hà Nội gây ra. Vì vậy, để khách quan và minh bạch, trong trường hợp các cơ quan quản lý của Hà Nội không chịu thừa nhận những sai sót của mình để giải quyết sao cho có lý có tình mà chỉ đổ dồn cho chủ đầu tư; Đề nghị Thủ tướng giao cho Thanh tra Chính phủ thanh tra việc đầu tư xây dựng công trình này để làm rõ sai phạm của tổ chức cá nhân và làm cơ sở pháp luật để xử lý.

Hiện nay, hàng trăm khách hàng mua nhà, trong đó có những gia đình chính sách vẫn hàng ngày gửi đơn đến các cơ quan có trách nhiệm kêu cứu, chính quyền không thể vô cảm trước những vấn đề này. Hà Nội cần sớm thực hiện theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tránh để mất niềm tin trong nhân dân.

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Link bài gốc https://baoxaydung.com.vn/ha-noi-rat-kho-xu-ly-vu-8b-le-truc-277812.html