Ngày 3-5, Ủy ban Thương mại công bằng (FTC) tuyên bố, doanh nghiệp cắt giảm khẩu phần sản phẩm trong khi vẫn giữ nguyên giá là một dạng giao dịch không công bằng và phải chịu hình phạt. Vấn đề này có thể được hiểu là "lạm phát thu nhỏ" - thuật ngữ chỉ việc giảm kích cỡ hoặc số lượng của sản phẩm nhưng vẫn giữ nguyên giá tiền.
Hầu hết các nhà sản xuất thực phẩm chế biến và sản xuất đồ dùng gia đình như giấy vệ sinh, dầu gội và chất tẩy rửa sẽ phải dán nhãn chi tiết trong 3 tháng nếu họ giảm kích cỡ hoặc chất lượng sản phẩm nhưng không giảm giá. Điều này tạo sự công bằng trong giao dịch, giúp người mua hàng có thể tự cân nhắc trước khi quyết định mua hàng.
Quy định này sẽ có hiệu lực vào tháng 8 tới. Những trường hợp vi phạm sẽ bị phạt 5 triệu won cho lần vi phạm đầu tiên và 10 triệu won ở lần vi phạm kế tiếp.
Người dân mua sắm thực phẩm tại một khu chợ ở thành phố Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters
“Sự thay đổi này nhằm ngăn chặn tình trạng các công ty giảm kích thước, tiêu chuẩn, trọng lượng hoặc số lượng sản phẩm mà không thông báo đầy đủ, khiến người tiêu dùng vô tình phải gánh chịu mức tăng giá đáng kể”, tuyên bố của FTC nêu rõ.
Theo Reuters, "lạm phát thu nhỏ" đã trở thành vấn đề đau đầu đối với người tiêu dùng ở các quốc gia trên khắp thế giới, trong bối cảnh các hộ gia đình phải vật lộn với sức mua suy giảm do lạm phát tăng vọt trong vài năm qua.
Giá thực phẩm và chi phí sinh hoạt tăng cao cũng là vấn đề lớn trước cuộc bầu cử Quốc hội Hàn Quốc vào tháng 4 vừa qua, trong đó, đảng cầm quyền của Tổng thống Yoon Suk Yeol đã thất bại nặng nề.
Chính phủ của Tổng thống Yoon Suk Yeol đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm kiềm chế tình trạng tăng giá, bao gồm cắt giảm thuế đối với thực phẩm nhập khẩu và gây áp lực lên các công ty để hạn chế tăng giá.
Thương Nguyệt - Hà Nội mới