Hậu kiểm để không hạ thấp tiêu chuẩn kiểm định xe

10/06/2023 13:58

Kinhte&Xahoi Cần cơ chế hậu kiểm để các đơn vị không dám thực hiện hành vi hạ thấp tiêu chuẩn kỹ thuật khi kiểm định xe ô tô là quan điểm được Tiến sĩ Chu Mạnh Hùng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Giao thông Vận tải) nêu ra xung quanh quy định mới của Chính phủ cho phép cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa được tham gia kiểm định xe ô tô.

Chính phủ cho phép các cơ sở bảo dưỡng được tham gia kiểm định xe ô tô (ảnh minh họa).

Tại Nghị định số 30/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 139/2018/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới vừa được Chính phủ ban hành ngày 8-6-2023 (có hiệu lực ngay), cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa được tham gia kiểm định xe ô tô. Tuy nhiên, các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa ô tô muốn được cấp phép kiểm định cần có đủ điều kiện như mặt bằng, trang thiết bị, nhân lực... theo quy định thành lập đơn vị đăng kiểm đã có.

Theo Tiến sĩ Chu Mạnh Hùng, quy định này có mặt tác động tích cực là góp phần giảm tải ngay cho các trạm đăng kiểm hiện nay; bảo đảm được tần suất kiểm định phương tiện gắn liền với các chu kỳ bảo dưỡng. Việc các cơ sở bảo dưỡng tham gia công tác kiểm định đã có một số nước làm rất hiệu quả.

Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta phải quản lý tiêu chuẩn chất lượng để bảo đảm an toàn kỹ thuật cho phương tiện. Các cơ sở bảo dưỡng này phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình khi đưa ra tham gia giao thông và phải có cơ chế gắn trách nhiệm của các cơ sở này nhằm tránh tình trạng có những cơ sở làm việc tùy tiện, cạnh tranh không lành mạnh, thu hút khách hàng bằng cách dễ dãi, bỏ qua những công đoạn trong quá trình kiểm định, không nghiêm khắc với những tiêu chí về mặt an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Do đó, vai trò của các cơ quan chức năng về thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm là rất quan trọng để các cơ sở không dám thực hiện những hành vi hạ thấp tiêu chuẩn kỹ thuật.

Khẳng định ủng hộ chủ trương này, song theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền, việc này không dễ để có thể triển khai ngay, bởi theo quy định, các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa ô tô muốn được cấp phép kiểm định cần có đủ điều kiện như mặt bằng, trang thiết bị, lực lượng đăng kiểm viên... theo quy chuẩn một trạm đăng kiểm. Hiện hầu hết các cơ sở này tập trung tại các đô thị lớn, trong khi ở đây, mặt bằng thường hạn chế, diện tích hiện hữu chỉ đủ đáp ứng dây chuyền làm công tác bảo hành, bảo dưỡng. Do đó, sẽ không có nhiều cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đủ điều kiện “lấn sân” sang dịch vụ kiểm định. Nếu nơi nào đáp ứng đủ điều kiện này thì cũng phải mất thời gian chuẩn bị, thẩm định của cơ quan quản lý nên cũng không thể nhanh được.

Ngoài ra, một số ý kiến chuyên gia nhận định, một loạt thông tư quy định miễn, giãn chu kỳ đăng kiểm cho xe mới, xe gia đình hay việc tăng giá dịch vụ đăng kiểm… được áp dụng khiến thời gian tới, số lượng xe cần phải kiểm định sẽ sụt giảm. Đây là những yếu tố buộc các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng cân nhắc việc nên hay không tham gia cung cấp dịch vụ đăng kiểm xe ô tô. Bởi mục tiêu của các doanh nghiệp là lợi nhuận.

 Tuấn Khải - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Doanh nghiệp vẫn kỳ vọng lãi suất tiếp tục giảm

Mặc dù lãi suất đã giảm nhưng vẫn không như kỳ vọng của doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Lượng tiền gửi từ doanh nghiệp cũng giảm trong khi tiền gửi của dân cư vào tổ chức tín dụng tiếp tục tăng.

Nguồn: Hà Nội mới http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/1066740/hau-kiem-de-khong-ha-thap-tieu-chuan-kiem-dinh-xe