Tuy nhiên, một trong những hệ lụy của việc giá kim loại quý này liên tục tăng mạnh là làm gia tăng tình trạng buôn lậu vàng.

Khách hàng giao dịch tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu. Ảnh: Đỗ Tâm

Liên tục lập kỷ lục mới

Sau một thời gian tăng mạnh, ngày 13-3 giá vàng miếng SJC đảo chiều, giảm tới gần 2 triệu đồng/lượng, xuống mức 80,7 triệu đồng/lượng. Không chỉ giá vàng miếng lao dốc mà giá vàng nhẫn cũng “đổ đèo” tới 1,4-2,4 triệu đồng/lượng. Vì thế, những ai mua vàng lúc giá ở mức cao đã bị lỗ hơn 4 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước giảm bởi ngoài ảnh hưởng từ thị trường quốc tế còn do nhiều người tranh thủ đi bán chốt lời.

Sau một ngày giảm sâu, giá kim loại quý nhanh chóng đảo chiều, tăng trên dưới 1 triệu đồng/lượng, lên mức 81,7 triệu đồng/lượng vào ngày 14-3. Sang ngày 15-3, lúc đầu giá vàng giảm 100.000-250.000 đồng/lượng ở chiều bán song đến chiều cùng ngày đảo chiều tăng, cao hơn cuối ngày liền trước 100.000-400.000 đồng/lượng, bán ra phổ biến ở mức 81,6-81,9 triệu đồng/lượng.

Trước đó, giá vàng miếng SJC liên tục tăng và đổ xô các mức kỷ lục. Ngày 2-3, giá vàng tăng tới hơn 1 triệu đồng/lượng, lên mức kỷ lục là 81 triệu đồng/lượng. Sau đó giá vàng đạt mức đỉnh mới 82,2 triệu đồng và lên cao nhất lịch sử 82,5 triệu đồng/lượng vào ngày 12-3. Như vậy, giá vàng đã tăng hơn 8 triệu đồng/lượng so với thời điểm cuối năm 2023.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, giá vàng trong nước liên tục tăng cao thời gian qua không chỉ đơn thuần do ảnh hưởng từ thị trường quốc tế mà còn bởi sức cầu trong nước tăng trong khi nguồn cung hạn chế. Trong bối cảnh đó, sức cầu chỉ nhích nhẹ đã có thể đẩy giá vàng đi lên. Trong khi những ngày qua, người dân mua vàng nhiều, doanh nghiệp có thời điểm phải hẹn khách lấy sau. Việc giá vàng tăng mạnh và lên mức cao trước hết tác động đến tâm lý người dân. Điều này được thể hiện qua việc khi thấy giá tăng, nhiều người lo sợ giá còn tăng hơn nữa đã tranh thủ đi mua, từ đó, đẩy giá vàng trong nước càng “nóng” hơn. Bên cạnh đó, giá vàng tăng mạnh, chênh lệch lớn với giá quốc tế (phổ biến là 16-17 triệu đồng/lượng), khiến gia tăng tình trạng buôn lậu vàng.

Ông Nguyễn Trí Hiếu cũng lưu ý, giá vàng tăng mạnh, đối với nhiều người là biểu hiện của lạm phát tăng. Khi đó, một số thành phần kinh tế sẽ “té nước theo mưa”. Chưa kể, khi giá vàng biến động mạnh, người dân đổ xô đi mua, thậm chí rút tiền gửi tiết kiệm để chuyển sang kênh đầu tư này, sẽ khiến ngân hàng khó huy động vốn từ người dân. Hiện nay, vàng trong dân còn rất nhiều, khoảng 400 tấn vàng. Người dân không đầu tư vào các kênh khác để sản xuất kinh doanh mà đẩy mạnh mua vàng, điều này có nghĩa tiền nằm im trong dân, sẽ không có lợi cho nền kinh tế.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận, vàng hiện chỉ được xem là kênh đầu tư, không còn là phương tiện thanh toán như trước. Các ngân hàng thương mại cũng không còn huy động và cho vay vàng, nên việc giá vàng biến động mạnh tác động không đáng kể đến kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, giá vàng tăng mạnh, chênh lệch lớn với giá thế giới sẽ khiến tình trạng buôn lậu vàng gia tăng, từ đó tác động đến giá USD trên thị trường tự do. Thực tế cho thấy, ngày 11-3, giá USD trên thị trường tự do tăng tới 150 VND ở chiều bán, đưa giá bán chính thức cán mốc 25.700 VND - mức cao nhất từ trước đến nay.

Ngăn chặn buôn lậu vàng

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam Huỳnh Trung Khánh cho rằng, hệ lụy lớn nhất của hiện tượng giá vàng tăng cao và chênh lệch lớn với giá thế giới là buôn lậu vàng gia tăng. Vàng buôn lậu được “tuồn” vào cửa hàng vàng nhỏ lẻ, người dân có thể mua phải vàng kém chất lượng. Cùng với đó, buôn lậu vàng gây thất thu ngân sách nhà nước. Thực tế cũng cho thấy, trong vài năm trở lại đây, các lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ buôn lậu vàng qua biên giới và đấu tranh triệt phá thành công nhiều đường dây quy mô rất lớn.

Theo dự báo của một số chuyên gia, giá vàng thế giới từ nay đến cuối năm có xu hướng tiếp tục tăng, có thể đạt mức 2.200-2.300 USD/ounce, bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể cắt giảm lãi suất. Bên cạnh đó, khủng hoảng địa chính trị vẫn tiếp diễn, nhà đầu tư sẽ mua nhiều vàng làm nơi "trú ẩn tài sản"… Giá vàng trong nước sẽ tăng theo. Như vậy, giá vàng trong nước có thể sẽ lặp lại đợt tăng giá mạnh như vừa qua và chênh lệch với giá vàng thế giới vẫn duy trì ở mức rộng.

Trong bối cảnh hiện nay, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc can thiệp vào thị trường vàng là cần thiết qua động thái điều chỉnh Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC nhằm tạo sự cạnh tranh trên thị trường và Ngân hàng Nhà nước trao lại vai trò nhập khẩu vàng cho doanh nghiệp kinh doanh uy tín. "Còn can thiệp mang tính hành chính thì chưa cần thiết, bởi thời điểm này giá vàng tăng tác động đến kinh tế vĩ mô chưa đáng kể", ông Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Còn theo ông Huỳnh Trung Khánh, vào tháng 1-2024, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã kiến nghị, khi chưa ban hành nghị định mới thay thế Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét cho cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp để góp phần chống buôn lậu vàng. Mặt khác, lượng vàng xin nhập khẩu không quá nhiều nên sẽ không ảnh hưởng đến tỷ giá, đến dự trữ ngoại hối...

Trước biến động liên tiếp của giá vàng, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân thận trọng trong giao dịch vàng, đặc biệt lưu ý giá vàng miếng trong nước thường tăng nhanh và cao hơn giá vàng thế giới.

Hương Thùy - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tháo gỡ khó khăn về vốn

Hôm qua (14/3), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/he-luy-khi-gia-vang-tang-cao-660885.html