Him Lam, Đại Phúc và hàng loạt doanh nghiệp sai phạm về đất đai

18/07/2018 08:52

Kinhte&Xahoi Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 6322/VPCP-V.I gửi Thanh tra Chính phủ và UBND TP.HCM về việc xử lý sau thanh tra về đất đai tại TP.HCM.

Cụ thể, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình có ý kiến chỉ đạo Thanh tra Chính phủ và UBND TP.HCM khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo tại văn bản số 161/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ.

Riêng đối với UBND TP.HCM, phải tập trung giải quyết 8 nội dung vụ việc nêu tại văn bản số 530/TTCP-GSTĐXLSTT của Thanh tra Chính phủ. Ngoài ra, báo cáo kết quả giải quyết cụ thể với một số vụ việc có sai phạm cần xử lý như sau:

Thứ nhất là việc điều chỉnh quy hoạch 8 khu chức năng so với quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; quy hoạch mạng lưới về giáo dục, y tế,... đã được phê duyệt tại Khu đô thị mới Nam thành phố.

Thứ hai là việc giải quyết đối với các dự án nhà ở của Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Nam và Công ty Xây dựng và Kinh doanh nhà Đại Phúc; dự án khu chung cư Lê Thành đối với phần đất giao ngoài quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc xử lý dự án xây dựng khu chung cư của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển nhà Ngọc Đông Dương chậm tiến độ.

Thứ ba là việc giải quyết đối với 17 dự án chồng lấn hành lang an toàn giao thông, trong đó có dự án của Công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn xây dựng hạ tầng kỹ thuật lấn đất xây dựng giao thông và công trình công cộng để làm nhà ở, chuyển nhượng đất chưa được giao; Việc giải quyết đối với các dự án không xây dựng, để trống tại các ô 13A, 13B, 13C thuộc dự án khu dân cư – Khu đô thị mới Nam thành phố.

Cuối cùng là việc bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng và tiến độ thực hiện dự án khu dân cư 6A của Công ty Him Lam làm chủ đầu tư, dự án khu dân cư Hồ Ngọc Lãm của Công ty cổ phần Địa ốc 10 làm chủ đầu tư.

UBND TP.HCM có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 1/8/2018.

Theo KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đẩy mạnh thu giữ tài sản đảm bảo, nhiều ngân hàng vẫn đang chật vật xử lý nợ xấu

Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ thu hồi tài sản đảm bảo có giá trị hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng được tiến hành cho thấy tín hiệu tích cực trong quá trình xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng . Tuy nhiên, hiện nay, nhiều Ngân hàng vẫn còn đang rất khó khăn, chật vật với các khoản nợ xấu lớn, đặc biệt trong việc đấu giá tài sản đảm bảo.