Liên kết mô hình kinh tế tập thể, hợp tác cùng phát triển

12/12/2020 10:09

Kinhte&Xahoi Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2020 với chủ đề “Liên kết, hợp tác cùng phát triển – Xu hướng hội nhập quốc tế và thời đại cách mạng công nghệ 4.0” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã được tổ chức vào ngày 11/12 vừa qua tại Hà Nội.

Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2020 được diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo.

Chương trình Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức.

Đây là diễn đàn đối thoại giữa Chính phủ và cộng đồng khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX). Tại diễn đàn, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, HTX, liên hiệp HTX đã cùng trao đổi những vấn đề mới trong phát triển kinh tế hợp tác, HTX, nhận diện rõ hơn các cơ hội, thách thức. Các diễn giả cũng đề xuất những hướng phát triển mới hơn cho khu vực kinh tế hợp tác trong tương lai, nhất là các kinh nghiệm hợp tác quốc tế cũng như ứng dụng khoa học công nghệ mới 4.0 vào sản xuất.

Diễn đàn cũng là cơ hội tăng cường hợp tác giữa các HTX với nhau, giữa HTX với doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác, kết nối thị trường, công nghệ…

Phát triển kinh tế tập thể là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước với lợi thế về quy mô, hợp tác của nhiều thành viên trở thành sức mạnh cộng đồng thích ứng cạnh tranh thị trường, phù hợp giải quyết các hạn chế trong việc sản xuất riêng lẻ của người nông dân. Tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ IX đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 13/NQ-TW ngày 18/03/2002 về việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Diễn đàn.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho hay, 10 năm qua, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục phát triển ở hầu hết các lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào nền kinh tế. Mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã không chỉ đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế, mà còn đóng góp gián tiếp thông qua tác động tới kinh tế hộ thành viên, kinh tế cá thể.

Muốn phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã phải xác định kinh tế tập thể là một trong bốn thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Mô hình kinh tế cần phát triển theo hướng sản xuất, kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm và tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các hiệp hội, liên kết hợp tác xã.

 “Kinh nghiệm quốc tế cho thấy tiềm năng phát triển rất lớn nếu các hợp tác xã, các thành viên hợp tác xã biết liên kết, hợp tác với nhau, cùng phát huy các giá trị của tổ chức và hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Cách mạng công nghiệp 4.0 và thời kỳ công nghệ số cũng đang mở ra những cơ hội và thách thức đối với toàn bộ nền kinh tế nước ta, trong đó có khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã; không chỉ nông dân, hộ sản xuất đơn lẻ mà cả các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng phải liên kết, hợp tác với nhau mới có thể đứng vững và phát triển”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Nội dung xuyên suốt của Diễn đàn là liên kết mô hình kinh tế tập thể, hợp tác cùng phát triển, mà nòng cốt là các hợp tác xã.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ ngành, địa phương triển khai thực hiện các chính sách của Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021- 2025, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm ở địa phương. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, bởi khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã, đang và sẽ phát huy vai trò của mình trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhiều sản phẩm của các hợp tác xã trên cả nước cũng được giới thiệu trong khuân khổ của Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2020.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đưa ra dẫn chứng, trong giai đoạn 2011 - 2020, sau khi Luật Hợp tác xã năm 2012 được Quốc hội thông qua, đặc biệt từ năm 2016 trở lại đây, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, ban hành nhiều quyết sách quan trọng trong công tác phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã với nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Cụ thể, hiện nay có nhiều hợp tác xã với quy mô lớn như: Hợp tác xã Evergrowth (Sóc Trăng), Hợp tác xã bò sữa Tân Thông Hội (Tp Hồ Chí Minh), Saigon Coop… đóng góp ngân sách Nhà nước không hề thua kém doanh nghiệp lớn.

Số lượng hợp tác xã tăng dần theo từng năm, phát triển khá đồng đều trên khắp các vùng miền, chất lượng hoạt động từng bước được nâng lên. Ước tính đến 31/12/2020, toàn quốc có 26.112 hợp tác xã (trong đó có 17.462 hợp tác xã nông nghiệp, 8.650 hợp tác xã phi nông nghiệp), thu hút gần 6,1 triệu thành viên tham gia, lao động làm việc trong hợp tác xã vào khoảng 1,133 triệu người.

Quang cảnh của buổi Diễn đàn.

Cũng thông qua Diễn đàn, các Bộ, ngành, tổ chức quốc tế, hợp tác xã đã có dịp trao đổi các ý kiến, tập trung vào những cơ hội, thách thức và các vấn đề mới trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã của nước ta nói riêng và thế giới nói chung. Đồng thời, cơ quan chức năng và hợp tác xã cùng đưa ra các đề xuất để tăng cường hợp tác, kết nối thị trường, chia sẻ kinh nghiệm… góp phần liên kết, thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã trên tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. 

Vũ Cừ

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: HATAP