Loạt bài về Công ty Anh Tuấn Phát (Nha Trang) - Bài 4: Vì sao Agribank chấp nhận hồ sơ vay vốn “râu ông nọ cắm cằm bà kia” của Công ty Anh Tuấn Phát?

02/10/2018 16:16

Kinhte&Xahoi Bằng Hợp đồng vay vốn “râu ông nọ cắm cằm bà kia” với Hợp đồng mua bán xe của Công ty Khang Thịnh nhưng hoá đơn VAT lại là của Công ty Giang Nam, Công ty Anh Tuấn Phát vẫn có thể dễ dàng vay vốn của ngân hàng Agribank Nha Trang.

Công ty nào bán xe cho Công ty Anh Tuấn Phát?

Như những thông tin chúng tôi đã đăng tải tại số báo trước, có nhiều dấu hiệu bất thường trong bộ hồ sơ vay vốn của Công ty TNHH vận tải Anh Tuấn Phát tại ngân hàng Agribank chi nhánh Nha Trang. Căn cứ theo tài liệu của ngân hàng Agribank chi nhánh Nha Trang cung cấp gồm Hợp đồng Kinh tế tổng trị giá 8 tỷ 850 triệu đồng giữa bên mua xe là Công ty TNHH vận tải Anh Tuấn Phát (trụ sở tại Khánh Hoà), bên bán xe là Công ty TNHH sản xuất và thương mại Khang Thịnh (trụ sở tại Hà Nội) và bộ 03 hoá đơn VAT tổng trị giá 8 tỷ 850 triệu đồng của Công ty TNHH ô tô Giang Nam (trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh).

Hợp đồng kinh tế giữa Công ty Khang Thịnh và Công ty Anh Tuấn Phát không có hiệu lực nhưng vẫn được Agribank Khánh Hòa chấp thuận giải ngân 5 tỷ 750 triệu đồng.

 

Điểm bất thường ở đây là Công ty Anh Tuấn Phát đề nghị vay của Agribank Khánh Hoà tiền mua 03 xe ô tô Hyundai Universe của Công ty Khang Thịnh (kèm theo Hợp đồng kinh tế) nhưng hoá đơn VAT kèm theo hồ sơ vay lại là của Công ty Giang Nam xuất cho Công ty Anh Tuấn Phát. Theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 thì Hợp đồng mua bán 3 xe giữa Công ty Anh Tuấn Phát (bên mua/ A) và Công ty Khang Thịnh (bên bán/ B), thì hóa đơn VAT B phải xuất cho A, trước khi thanh toán (chứng từ kèm theo hàng hóa). Nhưng ở đây thì hóa đơn VAT không của bên bán (Công ty Khang Thịnh) mà là hoá đơn VAT của Công ty Giang Nam xuất cho Anh Tuấn Phát/bên A). Trong khi đó Ngân hàng Agribank không có Hợp đồng mua bán giữa Anh Tuấn Phát và Công ty Giang Nam, vậy cơ sở pháp lý nào để Ngân hàng Agribank chấp thuận hoá đơn VAT của Công ty Giang Nam để cho Anh Tuấn Phát vay vốn? 

Ở một góc độ khác, nếu cho rằng bên A (Công ty Anh Tuấn Phát) vay Ngân hàng để thanh toán cho 03 xe cho bên B (Công ty Khang Thịnh), thì Bên A phải dùng xe hoặc tài sản khác để đi vay vốn, vì sử dụng xe mua của Khang Thịnh, khi chưa có hoá đơn VAT là chưa đủ điều kiện chứng minh tài sản thế chấp thuộc Anh Tuấn Phát để làm tài sản đảm bảo vay vốn. Vậy thực chất là Công ty Anh Tuấn Phát đã thế chấp bao nhiêu chiếc xe để vay được 5 tỷ 750 triệu từ Agribank Nha Trang, là 03 chiếc xe hay 06 chiếc xe? Căn cứ các tài liệu do Chi cục thuế huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà và Chi cục Đăng kiểm Khánh Hoà cung cấp thì có thể khẳng định chỉ có 03 chiếc xe mang biển kiểm soát 79B-023.67, 79B-023.52 và 79B-023.33 là tài sản được Agribank Khánh Hoà chấp thuận thế chấp cho Anh Tuấn Phát vay.

Căn cứ theo hồ sơ thì thật khó có thể trả lời một câu hỏi dễ dàng: Công ty nào đã bán xe cho Công ty Anh Tuấn Phát? Từ đó, có cơ sở để cho rằng, Công ty Anh Tuấn Phát có dấu hiệu gian dối trong việc lập hồ sơ xin vay vốn của Agribank Nha Trang. Tuy nhiên, dấu hỏi lớn nhất ở đây là trách nhiệm của nhân viên, cán bộ, quản lý của Agribank Nha Trang có hay không hành vi tiếp tay cho Công ty Anh Tuấn Phát thành công vay vốn của mình?

Agribank Nha Trang chấp thuận khoản vay của Anh Tuấn Phát có đúng pháp luật?

Để tìm câu trả lời cho vấn đề, ai đã bán xe cho Công ty Anh Tuấn Phát, chúng tôi đã có buổi làm việc với đại diện Công ty TNHH sản xuất và thương mại Khang Thịnh. Đại diện bộ phận kinh doanh ô tô của Công ty này cho biết ngày 09/3/2017, Công ty TNHH vận tải Anh Tuấn Phát có ký Hợp đồng kinh tế số 09.3/KT-TP-NH/17 với Công ty Khang Thịnh với nội dung mua 03 xe ô tô Hyundai hiệu Universe với tổng trị giá 8 tỷ 850 triệu đồng và đặt cọc số tiền 100 triệu đồng. Tuy nhiên sau đó, do không đạt được các yêu cầu về chủng loại hàng hoá, quy cách hàng hoá nên hai bên đã thống nhất huỷ bỏ Hợp đồng kinh tế này. Ngày 29/5/2017 Công ty TNHH sản xuất và thương mại Khang Thịnh đã phát hành chứng từ giao dịch trả lại cho Công ty Anh Tuấn Phát số tiền 100 triệu với nội dung: Trả lại tiền đặt cọc 02 xe ô tô khách 3-2.

Hóa đơn trả lại tiền của Công ty Khang Thịnh cho Công ty Anh Tuấn Phát.

 

Hợp đồng Kinh tế tổng trị giá 8 tỷ 850 triệu đồng không còn hiệu lực pháp luật, không có hoá đơn VAT giữa bên mua xe là Công ty TNHH vận tải Anh Tuấn Phát (trụ sở tại Khánh Hoà), bên bán xe là Công ty TNHH sản xuất và thương mại Khang Thịnh (trụ sở tại Hà Nội) vẫn được trong Hợp đồng vay vốn gửi Agribank Nha Trang. Như trên đã nói, thay vào hoá đơn của Khang Thịnh, Công ty Anh Tuấn Phát đã dùng hoá đơn VAT của Công ty Giang Nam thay vào. Bộ hồ sơ “râu ông nọ cắm cằm bà kia” này vẫn được Agribank Nha Trang chấp thuận và giải ngân 5 tỷ 750 triệu đồng vào ngày 18/7/2017.

Phóng viên trong buổi làm việc với Ngân hàng Agribank chi nhánh Khánh Hoà.

Trao đổi với phóng viên, Phó Giám đốc Lâm Thị Anh Vân, Ngân hàng Agribank chi nhánh Khánh Hoà cũng cho biết: “Đối với tài sản đảm bảo là xe ô tô mới 100% thì cán bộ thẩm định của Ngân hàng không đi xem xe hay định giá mà chỉ căn cứ theo giấy tờ, hợp đồng mua bán, hoá đơn VAT để duyệt vay”. Chưa nói về việc có hay không việc bắt tay giữa nhân viên, cán bộ Agribank Khánh Hoà với Công ty Anh Tuấn Phát nhưng rõ ràng, có nhiều lỗ hổng lớn trong quy trình thẩm định tài sản, thẩm định hồ sơ của Agribank. Sự lỏng lẻo đó đã tạo điều kiện cho Công ty Anh Tuấn Phát phù phép giá trị những chiếc xe Hyundai máy Weichai lên gấp đôi để từ đó dễ dàng vay vượt giá trị tài sản đảm bảo. Agribank Nha Trang đã dễ dàng chấp thuận các bộ hồ sơ vay dùng hoá đơn VAT không kèm Hợp đồng kinh tế, Hợp đồng kinh tế không còn hiệu lực pháp luật, vi phạm các quy định của Nhà nước về tín dụng, vi phạm nghiêm trọng pháp luật hiện hành. Đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Khánh Hoà vào cuộc, làm rõ những sai phạm của Công ty Anh Tuấn Phát, Công ty Giang Nam và Agribank Khánh Hoà (nếu có), đảm bảo tính công minh của pháp luật, bảo vệ những khách hàng chân chính của hệ thống Ngân hàng cả nước.


Theo Đình Dũng – Minh Tú/KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nở rộ cho vay online biến tướng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói gì?

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, nắm bắt tình trạng của tín dụng đen và cũng đã có báo cáo, kiến nghị để Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành có giải pháp quản lý chung đối với hoạt động tín dụng, tránh hiện tượng tín dụng đen.