Loạt chính sách 'giữ chân' giáo viên ở lại với nghề

20/11/2022 13:51

Kinhte&Xahoi Năm 2022 có khoảng 16.000 giáo viên xin nghỉ việc gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động dạy và học trong các nhà trường. Những chính sách, chế độ đãi ngộ xứng đáng và kịp thời phần nào “giữ chân” giáo viên yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

Ảnh minh họa

Hỗ trợ giáo viên mầm non, tiểu học trường tư bị ảnh hưởng do dịch COVID-19

Ngày 11/8/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP về chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Mục tiêu là giúp ổn định đội ngũ, tránh đứt gãy nguồn cung ứng nhân lực có kinh nghiệm cho các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, bảo đảm an toàn cho trẻ em và học sinh, giúp phụ huynh có con trong độ tuổi mầm non, tiểu học yên tâm tham gia lao động, góp phần để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống và an sinh xã hội.

Đối tượng thụ hưởng chính sách này là cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình tư thục, dân lập; cơ sở giáo dục tiểu học tư thục; trường mẫu giáo, mầm non SOS, trường tiểu học Hermann Gmeiner trong hệ thống Làng trẻ em SOS Việt Nam được cấp có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo quy định phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 (gọi tắt là cơ sở giáo dục ngoài công lập).

Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được hưởng chính sách khi bảo đảm các điều kiện: là người đang làm việc tại cơ sở giáo dục ngoài công lập trước khi cơ sở phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng chống dịch Covid-19 tính từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021;

Nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên tính từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021; (3) Chưa được hưởng chính sách hỗ trợ đối với người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương theo quy định tại khoản 4, 5, 6 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP do không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc;

Có xác nhận làm việc tại cơ sở giáo dục ngoài công lập (bao gồm cơ sở giáo dục ngoài công lập đã làm việc trước đây hoặc cơ sở giáo dục ngoài công lập khác trong trường hợp cơ sở giáo dục ngoài công lập trước đây làm việc không hoạt động trở lại) ít nhất hết năm học 2021 - 2022.

Có 2 mức hỗ trợ cho nhóm đối tượng này, gồm: Đối với Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên chưa được hưởng chính sách của địa phương, hỗ trợ đối với nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác theo quy định, hỗ trợ một lần mức 3.700.000 đồng/người;

Đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đã được hưởng chính sách của địa phương theo quy định, hỗ trợ một lần mức 2.200.000 đồng/người.

Mức hỗ trợ học phí cho giảng viên học thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài

Thông tư 30/2022/TT-BTC hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030, có hiệu lực từ ngày 20/7/2022.

Theo đó, nội dung về học phí và các khoản có liên quan đến học phí trong hỗ trợ đối với phương thức đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài trình độ tiến sĩ và thạc sĩ như sau:

Thực hiện thanh toán theo hợp đồng ký kết giữa Bộ GD&ĐT với cơ sở đào tạo ở nước ngoài hoặc theo mức do cơ sở đào tạo ở nước ngoài thông báo trong giấy báo tiếp nhận học viên (chi bằng đồng đôla Mỹ hoặc bằng đồng tiền của nước sở tại);

Tối đa không quá 25.000 đô la Mỹ/người học/năm học hoặc tương đương với đồng tiền của nước sở tại.

Trường hợp mức học phí cao hơn mức 25.000 đô la Mỹ/người học/năm thì mức chênh lệch học phí cao hơn do người học tự chi trả hoặc do cơ sở giáo dục đại học cử giảng viên đi học chi trả theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

Trường hợp đặc biệt, cần thu hút và tạo nguồn giảng viên từ những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Nghị định 140/2017/NĐ-CP thì Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét, quyết định đối với từng trường hợp cụ thể, thực hiện thanh toán theo mức học phí quy định của cơ sở đào tạo và trong phạm vi dự toán được giao.

Trao đổi với báo chí, TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ GD&ĐT) cho biết, để thu hút và giữ chân giáo viên yên tâm công tác trong ngành Giáo dục, Bộ GD&ĐT đang triển khai xây dựng và đề xuất Chính phủ thực hiện chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế: "Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng"; Tạo sự thu hút và động lực cho đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác.

Đồng thời, Bộ chỉ đạo các địa phương trong phạm vi thẩm quyền theo quy định của pháp luật và điều kiện cụ thể về kinh tế- xã hội, có các chính sách hỗ trợ phù hợp đối với đội ngũ giáo viên của địa phương (hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ về nhà công vụ, hỗ trợ học tập, nâng cao trình độ…);

Xây dựng chính sách và môi trường giáo dục tốt để thu hút giáo viên về công tác tại địa phương, tạo niềm tin và sự an tâm cho giáo viên trong quá trình công tác.

Có chính sách khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.

Liên quan đến chính sách đối với nhà giáo, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục nhà giáo (Bộ GD&ĐT) cho biết, khi sửa đổi các Thông tư liên quan đến tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, dự kiến trong thời gian tới, giáo viên Mầm non từ hạng 3 lên hạng 2 chỉ còn 3 năm (thay vì 9 năm như trước, rút gọn 6 năm).

Bên cạnh đó, ông Tuấn Anh thông tin, khi sửa Thông tư 16 về vị trí việc làm đối với giáo viên phổ thông công lập và thông 06 đối với giáo viên mầm non công lập, Bộ GD&ĐT cũng quan tâm tính theo vùng miền.

“Nếu như tước đây, khi xác định vị trí việc làm và tính định mức số lượng làm việc thường cào bằng tất cả các vùng miền trên toàn quốc. Nhưng tiến tới, Bộ GD&ĐT sẽ tính theo theo vùng miền, theo sĩ số của lớp học, của địa phương cụ thể, không cào bằng giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn”, ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Phạm Tuấn Anh, Luật Giáo dục năm 2019 quy định rõ trình độ giáo viên. Bộ GD&ĐT đang đề xuất Chính Phủ có thể tuyển dụng và hợp đồng những giáo viên dưới chuẩn theo Luật giáo dục 2015.

“Bởi hiện nay ở các vùng sâu, vùng xa số lượng này còn đang tồn tại rất nhiều”, ông Phạm Tuấn Anh cho hay.

 L. Ngọc - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/suc-khoe-doi-song/loat-chinh-sach-giu-chan-giao-vien-o-lai-voi-nghe-d186845.html