Loạt “đại bàng” từ Mỹ, Hàn Quốc tìm cơ hội phát triển bất động sản công nghiệp tại Việt Nam

26/07/2023 19:00

Kinhte&Xahoi Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, trong nửa đầu năm 2023, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục “sáng cửa” bất chấp khó khăn chung của thị trường bất động sản và sự suy giảm thương mại toàn cầu. Nhiều dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, bắt đầu triển khai các giai đoạn tiếp theo.

Bất động sản công nghiệp Việt Nam tiếp tục "sáng cửa"

Đáng chú ý, Việt Nam được định vị là một trong những địa điểm rất tiềm năng để mở rộng sản xuất và đang nổi lên như một điểm sáng cho sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và logistics ở khu vực châu Á - Thái Bình Dường.

Hàng loạt “đại bàng” đến từ Mỹ, Hàn Quốc với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quy mô lớn đang tìm cơ hội phát triển tại Việt Nam. Theo Nikkei Asia, chuỗi cung ứng của Apple như: BOE, Quanta, Compal, Goertek, Foxconn hiện đã có nhà máy tại các khu công nghiệp: Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, nay có kế hoạch mở mới và mở rộng thêm nhà máy ở các tỉnh: Bắc Ninh, Nam Định, Nghệ An, Quảng Ninh trong thời gian tới.

Mới đây là phái đoàn doanh nghiệp tháp tùng Tổng thống Hàn Quốc với quy mô lớn nhất từ trước đến nay sang thăm Việt Nam, kỳ vọng tăng cường hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực như: Chuỗi cung ứng, công nghệ mới, năng lượng, môi trường. Trong đó, các tập đoàn lớn đều đã đầu tư vào Việt Nam và có kế hoạch mở rộng trong thời gian tới. Cụ thể, Samsung tăng quy mô vốn đầu tư lên 20 tỷ USD, LG sẽ đầu tư thêm 5 tỷ USD vào Việt Nam; SK đẩy mạnh rót vốn vào Việt Nam thông qua các khoản đầu tư vào Masan, Vingroup,...

Ghi nhận về nguồn cầu bất động sản công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 của CBRE Việt Nam (thuộc Tập đoàn tư vấn đầu tư bất động sản quốc tế CBRE) cũng cho thấy, khu vực phía Bắc tiếp tục ghi nhận sức cầu mạnh mẽ từ lĩnh vực điện tử. Thị trường ghi nhận sự mở rộng của các nhà máy sản xuất lớn như: Foxconn, Goertek tại các Khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang. Ngoài ra là sự mở rộng mạnh mẽ của các nhà sản xuất Trung Quốc trong các lĩnh vực khác nhau cũng góp phần thúc đẩy phân khúc đất công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn ghi nhận mức hấp thụ tốt tại phía Bắc.

Trong khi đó, nhu cầu thị trường phía Nam rất đa dạng. Khách thuê thuộc các ngành sản xuất ô tô, may mặc, bao bì nằm trong số những nhóm ngành tích cực tìm kiếm đất công nghiệp, kho và xưởng xây sẵn ở miền Nam.

Một điểm đáng chú ý, theo các đơn vị nghiên cứu, tư vấn bất động sản, đó là khu công nghiệp xanh, giảm phát thải CO2, sử dụng năng lượng tái tạo đang dần trở thành xu hướng. Hiện nay, thị trường đang chứng kiến sự xuất hiện của các khu công nghiệp, được đầu tư theo hướng hiện đại, tự động hóa, đặc biệt chú trọng đến tiêu chí “xanh” với các biện pháp nhằm giảm phát thải CO2. Đây là yếu tố quan trọng góp phần tăng tính cạnh tranh và sức hút cho các khu công nghiệp Việt Nam trong cuộc đua thu hút FDI.

Theo các chuyên gia, trong tương lai không xa, các tiêu chuẩn này sẽ trở thành tiêu chí lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Điều này cũng sẽ định hình nguồn cung trong tương lai theo hướng bền vững.

Dạ Khánh - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nâng tầm quy mô, bứt phá và tăng tốc

15 năm là quãng thời gian ngắn so với rộng dài lịch sử, nhưng với một Thủ đô trong hình hài, tầm vóc mới sau cuộc hợp nhất giữa Hà Nội và Hà Tây (cũ) thật sự là một dấu ấn mang tính thời đại. Đó là giai đoạn mới đầy ý nghĩa của Thủ đô đang tăng tốc phát triển theo hướng nhanh và bền vững. Hà Nội đang và sẽ xứng đáng là một đầu tàu kinh tế, với niềm tin của cả nước bằng tiềm năng, nội lực và khát vọng của mình…

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/loat-dai-bang-tu-my-han-quoc-tim-co-hoi-phat-trien-bat-dong-san-cong-nghiep-tai-viet-nam-636409.html