LPBank ghi nhận nợ xấu tăng mạnh trong quý 2/2023

27/07/2023 16:31

Kinhte&Xahoi Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2023 và hoạt động tài chính 6 tháng đầu năm 2023.

Ảnh minh họa. (Nguồn: An ninh Tiền tệ)

Hồi giữa tháng 5/2023, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank, mã HOSE: LPB) công bố đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận đổi tên viết tắt từ Lienvietpostbank thành LPBank.

Việc thực hiện đổi tên của LPB diễn ra trong bối cảnh Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) từng có kế hoạch thoái vốn khỏi nhà băng này.

Năm 2022, VNPost từng thực hiện bán đấu giá gần 122,2 triệu cổ phần LPB nhưng không thành công. Còn ở phiên đấu giá gần nhất, diễn ra vào 21/4/2023 với lượng cổ phiếu chào bán là 140,5 triệu cổ phần, cuộc thoái lui của VNPost vẫn tiếp tục bất thành.

Mới đây nhất, ngày 31/5/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản chấp thuận việc Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt tăng vốn điều lệ thêm tối đa 11.385 tỷ đồng theo phương án tăng vốn điều lệ đã được đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của LPBank thông qua.

Nếu hoàn thành các đợt phát hành, vốn điều lệ của nhà băng này dự kiến sẽ tăng từ 17.291 lên mức 28.676 tỷ đồng.

Theo đó, LPBank sẽ phát hành 328,5 triệu cổ phiếu phát hành trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 19%; 500 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu; 300 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài và 10 triệu cổ phiếu phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).

Trước những diễn biến trên, tình hình kinh doanh của LPBank đang được các nhà đầu tư hết sức quan tâm.

Lợi nhuận lao dốc trong quý 2/2023

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2023 và hoạt động tài chính 6 tháng đầu năm 2023.

Nếu tính riêng quý 2/2023, nhà băng này ghi nhận thu nhập lãi thuần hơn 2.450 tỷ đồng, giảm 19,6% so với cùng kỳ năm trước.

Thu nhập lãi thuần giảm khiến tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của ngân hàng LPBank chỉ đạt 3,6%, so với mức 3,9% của quý 1/2023.

Không chỉ thu nhập lãi thuần giảm, các nguồn thu khác của ngân hàng LPBank cũng đi xuống trong quý 2/2023. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 18%, lãi thuần từ hoạt động ngoại kinh doanh ngoại hối giảm 64%. Thậm chí, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư của LPBank còn rơi từ mức lãi 356 tỷ đồng trong quý 2/2022 xuống lỗ gần 4,5 tỷ đồng trong quý 2 năm nay.

Theo chiều ngược lại, lãi thuần từ hoạt động khác của nhà băng này tăng gấp 7 lần, đạt hơn 110 tỷ đồng.

Trong quý 2/2023, LPBank báo lãi ròng 708 tỷ đồng, giảm gần 50% so với quý 2/2022.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, LPBank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 5.224 tỷ đồng, giảm 12% so với nửa đầu năm ngoái. Lãi ròng của nhà băng này cũng sụt giảm mạnh và chỉ đạt 1.951 tỷ đồng, giảm 32% so với nửa đầu năm 2022.

Nợ xấu tăng mạnh so với đầu năm

Tính đến thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản ngân hàng LPBank đạt hơn 350.200 tỷ đồng, tăng khoảng 6,86% so với hồi đầu năm nay.

Đáng chú ý, LPBank đang ghi nhận hơn 224.100 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng, tăng 3,8% so với thời điểm đầu năm. Cùng với đó, nhà băng này đang cho vay gần 253.400 tỷ đồng, tăng 7,6% so với thời điểm đầu năm nay.

Tính đến cuối tháng 6/2023, tổng nợ xấu của LPBank là hơn 5.600 tỷ đồng, chiếm 2,23% tổng nợ cho vay.

Con số này cao hơn đáng kể so với mức 3.427 tỷ đồng nợ xấu (chiếm 1,46%) ghi nhận hồi đầu năm nay.

Nợ xấu được hiểu là các khoản nợ khó đòi khi người vay không thể trả nợ khi đến hạn phải thanh toán như đã cam kết trong hợp đồng tín dụng. Cụ thể, nếu quá thời gian quá hạn thanh toán trên 90 ngày thì bị coi là nợ xấu.

Theo khoản 8 Điều 3 Thông tư 11/2021/TT-NHNN, nợ xấu (NPL) là nợ xấu nội bảng, gồm nợ thuộc các nhóm 3, 4 và 5 quy định tại Điều 10 Thông tư 11/2021/TT-NHNN. Nợ thuộc các nhóm 3, 4, 5 lần lượt là nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn. 

Cụ thể, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng tới 49% so với đầu năm, lên mức 1.598 tỷ đồng.

Trong khi đó, nợ nghi ngờ (nhóm 4) của ngân hàng này tăng tới 61% so với thời điểm đầu năm, lên mức 1.619 tỷ đồng.

Đáng chú ý, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) đã tăng đến 80,2% so với đầu năm, lên đến hơn 2.438 tỷ đồng. Như vậy, nợ có khả năng mất vốn của LPBank đang chiếm đến 43% tổng nợ xấu của nhà băng này.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc giao dịch ngày 26/7, cổ phiếu LPB có giá thị giá tại mức 16.500 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm đầu năm nay, giá cổ phiếu LPB đã tăng khoảng 20%.

Lê Hải - Ngọc Huy - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt trên 4 tỷ USD là "trong tầm tay"

Hiệp hội Lương thực Việt Nam thông tin, trong tháng 7-2023, xuất khẩu gạo tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể. Tính chung từ đầu năm đến nay, cả nước xuất khẩu hơn 4,48 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng hơn 17% về lượng và tăng 28% so với cùng kỳ năm 2022.

Nâng tầm quy mô, bứt phá và tăng tốc

15 năm là quãng thời gian ngắn so với rộng dài lịch sử, nhưng với một Thủ đô trong hình hài, tầm vóc mới sau cuộc hợp nhất giữa Hà Nội và Hà Tây (cũ) thật sự là một dấu ấn mang tính thời đại. Đó là giai đoạn mới đầy ý nghĩa của Thủ đô đang tăng tốc phát triển theo hướng nhanh và bền vững. Hà Nội đang và sẽ xứng đáng là một đầu tàu kinh tế, với niềm tin của cả nước bằng tiềm năng, nội lực và khát vọng của mình…

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/thuong-truong/lpbank-ghi-nhan-no-xau-tang-manh-trong-quy-2-2023-d196715.html