Luật Thuế thu nhập cá nhân: Cần gấp một “cuộc đại phẫu”

27/11/2024 11:18

Kinhte&Xahoi Nhiều quy định đã quá lỗi thời, đòi hỏi Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cần gấp một cuộc đại phẫu sửa đổi toàn diện để phù hợp với thực tiễn, đáp ứng các yêu cầu về cải cách thuế, bảo đảm tính minh bạch. Đây cũng là mong mỏi của người lao động nhiều năm nay.

Quá lỗi thời, lạc hậu

Luật Thuế TNCN được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 21/11/2007 đến nay đã được sửa đổi 3 lần. Tuy nhiên trên thực tế, một số quy định của Luật không còn phù hợp với thực tiễn, gây nhiều khó khăn, phiền hà và thiệt thòi cho người dân.

Người nộp thuế giao dịch tại Chi cục Thuế quận Tây Hồ (Cục Thuế TP Hà Nội). Ảnh: Đỗ Tâm

Thừa nhận nhiều điểm hạn chế, bất cập trong Luật Thuế TNCN hiện hành, ngày 25/11, Bộ Tài chính chính thức xin lấy ý kiến góp ý rộng rãi về việc sửa đổi những bất cập của Luật Thuế TNCN. Việc sửa đổi một cách toàn diện để thay thế Luật Thuế TNCN hiện hành. Bộ Tài chính thừa nhận Luật Thuế TNCN hiện hành cũng đã phát sinh một số điểm hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu để rà soát, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn, đáp ứng các yêu cầu về cải cách thuế thu nhập cá nhân đang đặt ra, bảo đảm tính minh bạch.

Trong dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế TNCN (thay thế), Bộ Tài chính cho biết, Luật Thuế TNCN hiện hành đã phát sinh một số điểm hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu để rà soát, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn, đáp ứng các yêu cầu về cải cách thuế TNCN đang đặt ra, bảo đảm tính minh bạch.

Qua rà soát, dự án Luật dự kiến sửa đổi, bổ sung 31 điều trên tổng số 35 điều của Luật Thuế TNCN hiện hành (chiếm 88,5%). Trong đó có quy định về phạm vi điều chỉnh; người nộp thuế; thu nhập chịu thuế; thu nhập được miễn thuế; giảm thuế; thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản của cá nhân cư trú; giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc; cơ sở tính thuế và phương pháp xác định số thuế phải nộp đối với một số khoản thu nhập; biểu thuế suất thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công...

Chúng ta không những phải sửa Luật mà còn phải cải cách toàn bộ Luật Thuế TNCN. Thay đổi ngay từ cách tính toán dựa trên mức sống bình quân cũng như khả năng nâng cao trình độ, các yếu tố liên quan đến thu nhập và lạm phát để ra được chính sách thuế mới phù hợp với điều kiện phát triển hiện nay của thế giới. (PGS.TS Đinh Trọng Thịnh)

Với nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung toàn diện và căn bản, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép lập đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế TNCN thay thế Luật thuế TNCN số 04/2007/QH12 ngày 21/11/2007, Luật số 26/2012/QH13 ngày 22/11/2012 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN, Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế.

Trước đó, các chuyên gia về thuế, người nộp thuế TNCN cũng đã nhiều lần đề nghị sửa toàn diện Luật Thuế TNCN. Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín Nguyễn Văn Được cho rằng, việc sửa đổi toàn diện Luật Thuế TNCN là điều cần thiết, bởi có nhiều vấn đề không còn phù hợp với thực tiễn, khiến người nộp thuế bị thiệt thòi.

Cụ thể, biểu thuế TNCN theo quy định hiện nay được ban hành từ rất lâu. Trong khoảng thời gian áp dụng biểu thuế dài như vậy, giá cả thị trường đã tăng rất nhiều. Trong khi đó, thu nhập và tiền lương mặc dù có điều chỉnh theo hướng tăng nhưng giá cả thị trường cũng tăng, thậm chí mức lương tăng không đuổi kịp mức giá hàng hóa trên thị trường. Ngoài việc xây dựng biểu thuế mới, cũng cần tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc. Bởi hiện nay mức giảm trừ đối với người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng, là khá thấp so với mức sinh hoạt thực tế của một người.

Cũng nhất trí cao với đề xuất đại cải tổ Luật Thuế TNCN, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu quản điểm, thuế phải có tác động khuyến khích hoạt động kinh tế và an sinh xã hội. Đặc biệt là phải để người đóng thuế cảm thấy tự hào với việc được đóng thuế. Người ta thấy việc đóng thuế là rất đúng, rất xứng đáng, thậm chí, sẵn sàng tự tính, tự kê khai, tự đóng thuế. Thì việc đó mới là điều chúng ta mong muốn. Do đó, việc phải sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân đã nóng mấy năm nay nay rồi và cần được cấp bách triển khai.

Xem xét giảm thuế tối đa

Trong công văn vừa gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương góp ý cho dự thảo Luật Thuế TNCN (sửa đổi), Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả nghiên cứu, rà soát và đề xuất xây dựng dự án Luật Thuế TNCN (thay thế). Chính phủ cũng đề nghị đưa Luật Thuế TNCN (thay thế) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025), thông qua tại kỳ họp thứ 11 (tháng 5/2026).

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khuyến nghị, việc sửa Luật Thuế TNCN là cấp bách, nhưng phải sửa một cách rất căn cơ, làm sao phải điều tiết được các nguồn thu nhập một cách công bằng. Đặc biệt, việc xây dựng và sửa các quy định trong Luật phải đặt trong chương trình về cải cách cả hệ thống thuế và các loại thuế phải có tính tương hỗ với nhau.

Cơ quan chức năng cần có giải pháp tổng thể để sửa đổi Luật Thuế TNCN theo hướng mở rộng cơ sở thu thuế. Mức đóng thuế cũng cần bớt bậc lũy tiến, thủ tục đơn giản hơn và mức đóng thuế vừa phải để người lao động cảm thấy nhẹ nhàng và sẽ chủ động đóng thuế.

Chia sẻ kinh nghiệm của các nước trên thế giới, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, các nước xung quanh như Malaysia, Philippines, Singapore… đều trong xu hướng giảm thuế TNCN tối đa. Việt Nam cũng cần xem xét giảm xuống còn 4 hay 5 bậc và các bậc thuế cũng phải giãn ra rõ rệt. Đồng thời xem xét giảm thuế thuế TNCN ở bậc cao nhất là 35% xuống như các quốc gia hiện đang áp dụng là 25% thì phù hợp hơn. Các khoản giảm trừ để tính thuế TNCN cũng cần tính toán đầy đủ hơn để đảm bảo chi tiêu cần thiết cho đời sống người dân.

Còn theo chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được, ngành thuế đã có nhiều bước tiến trong việc quản lý thuế. Ở lần sửa đổi lần này, việc xây dựng Luật nên theo hướng mở, cho phép Chính phủ được quyết tăng mức giảm trừ gia cảnh khi CPI có biến động tăng 5 - 10%, thay vì phải đợi biến động đến 20% và trình Quốc hội xem xét.

Cùng với đó, cần có những đổi mới cho phù hợp. Chẳng hạn, thay vì áp dụng mức giảm trừ gia cảnh cố định như hiện nay, cần có quy định cho phép người nộp thuế TNCN được trừ các khoản chi phục vụ trực tiếp cho công việc nếu có hóa đơn chứng từ, như chi phí tham gia nâng cao nghiệp vụ, bổ sung kiến thức, học ngoại ngữ, khám chữa bệnh, thuê nhà... Tương tự, với người phụ thuộc, cũng cần cho trừ những khoản như học phí, khám chữa bệnh cho con bên cạnh khoản giảm trừ cố định.

“Vì chi phí cho cuộc sống rất cao, nhất là ở khu vực thành thị. Mức giảm trừ cố định quá lạc hậu không thể nào đủ để trang trải chứ nói gì đến nâng cao đời sống. 4,4 triệu đồng/tháng cũng không thể nuôi nổi con ăn học” - chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được nói.

Mức giảm trừ gia cảnh là nội dung mang tính cụ thể, biến động theo tình hình kinh tế - xã hội đất nước, các yếu tố về tăng trưởng, chỉ số giá tiêu dùng… Do vậy, nếu để Chính phủ quy định cụ thể sẽ sát với thực tế và có thể điều chỉnh nhanh, kịp thời. Tuy nhiên, nếu quy định điều này trong Luật, phải bổ sung các nguyên tắc cơ bản để Chính phủ căn cứ vào đó thực hiện.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín Nguyễn Văn Được

kinhtedothi.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

https://kinhtedothi.vn/luat-thue-thu-nhap-ca-nhan-can-gap-mot-cuoc-dai-phau.html