Mập mờ thương hiệu, người tiêu dùng chịu thiệt!

16/11/2018 14:47

Kinhte&Xahoi Nhiều thương hiệu tại thị trường Việt Nam với những nhãn mác na ná hàng nước ngoài khiến cho nhiều người tiêu dùng Việt lầm tưởng và không biết rõ nguồn gốc xuất xứ.

Sự thật đằng sau những nhãn hiệu

Hàn lưu hay Hallyu (có nghĩa là Làn sóng Hàn Quốc) là tên gọi được bắt nguồn từ cách gọi của một số nhà báo ở Bắc Kinh về sự nổi tiếng nhanh chóng của Hàn Quốc và các sản phẩm của Hàn Quốc tại Trung Quốc, hiện được dùng để ám chỉ sự nổi tiếng của văn hóa Hàn Quốc trên thế giới trong thế kỷ 21.

Người Hàn Quốc đã rất thông minh và nhạy bén trong việc sử dụng văn hóa và phim ảnh để quảng bá cho hình ảnh quốc gia. Nhờ đó mà thời trang, đồ ăn và hàng tiêu dùng Hàn Quốc luôn được yêu thích tại Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Nắm bắt được tâm lý ưa thích hàng Hàn Quốc, MUMUSO và nhiều thương hiệu khác tự tạo phong cách Hàn Quốc cho hàng hóa của mình.

Ngay từ biển hiệu của cửa hàng, logo MUMUSO với chữ KR nằm gọn trong logo khiến khách hàng nhầm tưởng KR là viết tắt của KOREA (Hàn Quốc).

 

Bản thân nhãn hàng MUMUSO cũng được thiết kế bắt mắt với dòng chữ KR kèm theo, điều này chính là “chiêu” mà MUMUSO khiến hàng triệu khách hàng của mình mơ hồ và lầm tưởng rằng sản phẩm của MUMUSO có xuất xứ Hàn Quốc. Tuy vậy, thương hiệu này đã bị Bộ Công thương kiểm tra và phát hiện 99.3% hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc.

Theo kết quả kiểm tra Bộ Công Thương công bố ngày 12/7, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Mumuso Việt Nam đang kinh doanh 2.273 loại hàng hóa. Trong đó, 2.257/2.273 (99,3%) loại hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc. Phần còn lại được mua tại các đơn vị khác trong nước.

Trả lại công bằng dành cho người tiêu dùng

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, dân số năm 2018 của Việt Nam ước tính là 94,66 triệu người, bao gồm dân số thành thị lên tới 33,63 triệu người. Gần 34 triệu dân thành thị này chính là nguồn khách hàng tiềm năng trong ngắn hạn của các thương hiệu hàng tiêu dùng.

Đó chính là lý do khiến hàng loạt các thương hiệu mang phong cách Hàn Quốc đang đua nhau mọc lên để chiếm lĩnh nguồn khách hàng và lợi nhuận khổng lồ.

Tuy nhiên, thương hiệu không chỉ là tài sản của doanh nghiệp mà còn là tài sản của quốc gia. Nền sản xuất hàng hóa của một quốc gia muốn tăng trưởng, chắc chắn họ phải bảo vệ cho thương hiệu quốc gia và bản quyền sở hữu trí tuệ của quốc gia họ. Việc khách hàng lầm tưởng, mơ hồ về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa không chỉ gây ra những thiệt hại cho người tiêu dùng mà còn cho hàng hóa “chính hãng”.

Một số thương hiệu dễ gây nhầm lẫn là hàng xuất xứ Hàn Quốc, Nhật Bản tại thị trường Việt Nam.

 

MUMUSO, MINIGOOD,… hay các thương hiệu tương tự nên trả lại công bằng cho người tiêu dùng, không nên “đội lốt” Hàn Quốc để kinh doanh và gây lầm tưởng cho khách hàng.

Hơn thế nữa, tôn trọng bản quyền là xu thế của xã hội văn minh trong thời đại toàn cầu hóa, tự do thương mại. Càng tự do thương mại, các nhãn hàng càng cần tôn trọng bản quyền, cũng chính là tôn trọng xuất xứ của chính mình.

Luật Cạnh tranh

Điều 45. Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh.

Cấm doanh nghiệp thực hiện các hoạt động quảng cáo sau đây:

3. Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về một trong các nội dung sau đây:

a) Giá, số lượng, chất lượng, công dụng, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, xuất xứ hàng hoá, người sản xuất, nơi sản xuất, người gia công, nơi gia công;

c) Các thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn khác. 


 

Theo KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đổi USD ở đâu là hợp pháp?

Đổi ngoại tệ thành Việt Nam đồng là một giao dịch tương đối phổ biến. Tuy nhiên không phải ai cũng biết quy định của pháp luật về vấn đề này.

Năm 2018: Dư nợ tín dụng có thể tăng 15,22%

Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng 4,52% trong Quý IV/2018 và tăng 15,22% trong năm 2018 trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động vốn và cho vay được các tổ chức tín dụng (TCTD) dự báo tiếp tục duy trì ổn định trong Quý IV/2018 và cả năm 2018.