Một tháng 2 lần giảm, lãi suất thấp hiếm thấy

11/10/2020 20:43

Kinhte&Xahoi Các ngân hàng thương mại tiếp tục cắt giảm lãi suất huy động. Có ngân hàng đã thay đổi biểu lãi suất hai lần kể từ đầu tháng 10 đến nay. Dư địa giảm lãi suất huy động vẫn còn, gửi tiết kiệm ngày càng kém hấp dẫn.

Tiếp tục cắt giảm

Một số ngân hàng thương mại vừa thực hiện giảm lãi suất huy động tiền đồng từ 0,1-0,5 điểm %/năm so với đầu tháng 10. Trong biểu lãi suất huy động mới nhất, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) điều chỉnh giảm ở khá nhiều kỳ hạn. Hiện lãi suất gửi kỳ hạn 1-2 tháng của ngân hàng này còn 3,1%/năm; kỳ hạn 3 tháng còn 3,4%/năm; kỳ hạn 24 tháng còn 5,9%/năm... Các mức lãi suất này giảm tới 0,2 điểm % so với trước đó.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng giảm mạnh lãi suất huy động ở một số kỳ hạn, trong đó kỳ hạn 1-2 tháng giảm 0,2 điểm % xuống còn 3,3%/năm; giảm mạnh nhất là kỳ hạn 9 tháng về 4,2%/năm, giảm 0,3 điểm % so với trước đó.

Dự báo của giới chuyên môn, lãi suất tiết kiệm còn có thể bị cắt giảm tiếp từ nay đến cuối năm.

Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) cũng vừa hạ lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng chỉ còn 3,3%/năm; kỳ hạn gửi dưới tháng 6 lãi suất cao nhất đang áp dụng cũng chỉ 3,6%/năm; trong khi các kỳ hạn từ 12 đến 36 tháng còn 5,8%/năm, các mức lãi suất này giảm 0,2 điểm % so với biểu lãi suất trước.

Không chỉ các ngân hàng thương mại nhà nước, nhiều ngân hàng cổ phần cũng nhập cuộc xu hướng hạ lãi suất đầu vào. Một số ngân hàng còn thay đổi biểu lãi suất 2 lần kể từ đầu tháng 10 đến nay.

Cụ thể, trong biểu lãi suất mới nhất áp dụng từ ngày 8/10, Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) giảm lãi suất từ 0,05-0,4 điểm % nhiều kỳ hạn so với hồi đầu tháng 10. Nếu khách gửi dưới 300 triệu đồng, kỳ hạn 1-2 tháng còn 3,25%/năm; kỳ hạn từ 7-11 tháng còn 5,1%/năm và kỳ hạn từ 15-36 tháng còn 5,4%/năm, giảm tới 0,4 điểm %. Mức lãi suất cao nhất của VPBank là 6,1%/năm với điều kiện gửi số tiền trên 50 tỷ đồng trong 24 tháng

Trong khi đó, ngân hàng Nam Á tiếp tục hạ thêm lãi suất kỳ hạn dài. Người gửi kỳ hạn từ 18-29 tháng lãi suất còn 7%/năm, thay vì mức 7,2%/năm hồi đầu tháng 10. Với người gửi tiết kiệm từ 30-36 tháng lãi suất cũng giảm 0,2 điểm % xuống còn 6,8%/năm.

Tại MSB, lãi suất huy động các kỳ hạn dài cũng giảm thêm 0,1 điểm % so với trước, như: kỳ hạn gửi 7-11 tháng còn 5,4%/năm; kỳ hạn 15-26 tháng về 5,9%/năm...

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) vừa giảm lãi suất huy động tiền đồng 0,2-0,5%/năm so với mức đầu tháng 10. Theo đó, lãi suất huy động tiền đồng kỳ hạn 1 tháng của nhà băng này còn 3,5%/năm, 2 tháng còn 3,6%/năm, 3 tháng còn 3,7%/năm, 6 tháng còn 5,2%/năm, 9 tháng ở mức 5,4%/năm, mức lãi suất cao nhất ở 13 tháng cũng giảm từ 7,8%/năm xuống còn 7,3%/năm.

Từng là ngân hàng có mức lãi huy động cao, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng giảm lãi suất xuống 3,5%/năm ở kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng từ 3,6-3,7%/năm; 6 tháng 5,6%/năm. Mức lãi suất cao nhất mà SHB triển khai là 7,1%/năm kỳ hạn 9 tháng đối với tiết kiệm Gia Tộc.

Tuy nhiên, sang năm 2021, lãi suất tiết kiệm bật tăng, do tăng trưởng kinh tế cao.

Tuy nhiên, biểu lãi suất gửi qua kênh online kỳ hạn dài của một số ngân hàng vẫn khá cao. Ngân hàng Ngân hàng TMCP Sài gòn (SCB), kỳ hạn 9 tháng là 7,20%/năm; 12 tháng là 7,5%/năm và 18-24 tháng là 7,65%/năm. So với cuối tháng 9/2020 lãi suất online của ngân hàng này đã giảm 0,2 điểm % ở kỳ hạn 18-24 tháng.

Mặc dù vậy, SCB đang đứng đầu bảng với mức lãi suất online, kế đến là Ngân hàng Nam Á với mức 7,60%/năm, Vietbank là 7,4%/năm và Oceanbank là 7,3%/năm cho kỳ hạn 24 tháng.

Lãi suất có tăng?

Theo công ty Chứng khoán SSI, tính từ đầu năm đến nay, tổng mức giảm lãi suất đầu vào của các ngân hàng đã lên tới 1,2-2,4 điểm %, đưa lãi suất huy động về mức rất thấp.

Giới chuyên môn nhận định, lãi suất huy động vẫn còn dư địa để giảm thêm. Trong bối cảnh thanh khoản các ngân hàng rất dồi dào, nhu cầu tín dụng lại thấp do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cùng với lạm phát cả năm nay dự báo ở mức 3,5%, vì vậy lãi suất huy động có thể giảm. Còn sang năm 2021, lãi suất cả tiền gửi và cho vay có thể sẽ tăng trở lại khi nhiều dự báo kinh tế tăng trưởng cao.

Theo dự báo của ngân hàng United Overseas (UOB) mức tăng GDP của Việt Nam vào quý 4/2020 khoảng 4% và năm 2021 đạt tới 7,1%. Còn ngân hàng HSBC cho rằng Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi do công nghệ dẫn đầu và dòng vốn FDI rất kiên định. Do vậy, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 được kỳ vọng sẽ đạt mức 8,1%.

Kinh tế tăng trưởng sẽ khiến cho nhu cầu vốn tín dụng tăng, đẩy lãi suất huy động tăng lên. Những khách hàng gửi tiết kiệm kỳ vọng tới 2021 lãi suất tăng lên để hưởng lợi cao hơn.

Lãi suất tiết kiệm tăng sẽ đẩy lãi suất trái phiếu doanh nghiệp tăng theo. Một số nhà đầu tư cá nhân cho biết, có thể tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Từ 2021, phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ bị xiết chặt bởi quy định mới. Việc phát hành riêng lẻ giảm, trong khi phát hành ra công chúng tăng. Như vậy rủi ro sẽ giảm thấp và trái phiếu của những doanh nghiệp lớn, có uy tín, có nhiều dự án đang triển khai sẽ được quan tâm.

 Trần Thủy - Theo Vietnamnet

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/mot-thang-2-lan-giam-lai-suat-thap-hiem-thay-d137458.html