Ảnh minh họa: Reuters
Theo kế hoạch được ban hành của tỉnh Bình Dương, đối tượng tiêm chủng là toàn dân Bình Dương trong độ tuổi có chỉ định sử dụng vaccine theo khuyến cáo của nhà sản xuất được tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại của vắc xin phòng COVID-19, trong đó ưu tiên tiêm cho người chưa tiêm mũi 1, mũi 2.
Chiến dịch được triển khai ngay khi tiếp nhận vaccine đảm bảo đúng tiến độ yêu cầu. Thời gian cụ thể theo các đợt phân bổ vaccine phòng Covid-19 của Bộ Y tế và nguồn cung ứng vaccine (nhập khẩu và sản xuất trong nước) cho tỉnh Bình Dương.
Loại vắc xin Covid-19 đã sử dụng tại Bình Dương: AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Vero Cell.
Tổ chức tiêm tại các điểm tiêm chủng cố định tại các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập đã đủ điều kiện tiêm vắc xin phòng COVID-19. Mỗi bàn tiêm tổ chức tiêm từ 400 người /ngày trở lên. Số lượng tiêm có thể tăng khi tuyến huyện, tuyến tỉnh tăng số bàn tiêm tại mỗi điểm tiêm.
Kế hoạch nêu rõ, thiết lập các điểm tiêm chủng lưu động để triển khai tiêm chủng với số lượng lớn như thực hiện tiêm cho học sinh tại các trường học, tiêm cho công nhân tại các khu công nghiệp, các cơ quan, doanh nghiệp hoặc ở khu vực TP với đối tượng cần tiêm lớn, đông dân cư nhưng các điểm tiêm cố định trên địa bàn không đảm bảo cho giãn cách với số lượng người đông trong cùng một thời điểm.
Điểm tiêm chủng lưu động có thể ở các trường học, cơ quan, doanh nghiệp, nhà văn hóa..., có thể thiết lập nhiều bàn tiêm tại điểm tiêm chủng lưu động.
Để triển khai chiến dịch tiêm chủng đảm bảo chất lượng, an toàn, kịp tiến độ, phải đảm bảo số lượng nhân lực cần thiết để triển khai một điểm tiêm chủng là 3 nhân viên y tế và 3 cán bộ hỗ trợ.
Hùng Tâm - Pháp luật Plus