Năm 2023, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công tối thiểu 95%

22/05/2023 11:47

Kinhte&Xahoi Đây là nội dung được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vào sáng nay 22/5.

Sáng 22/5, tại Hà Nội đã diễn ra phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra ngay sau thành công tốt đẹp của Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, là kỳ họp có ý nghĩa quan trọng cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Xem xét, quyết định công tác nhân sự ngay tại đầu kỳ họp

Tại Kỳ họp này, Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần thứ hai đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi); cho ý kiến lần đầu đối với 08 dự án luật khác. Đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua, việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án, dự thảo đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo sát sao. Các dự thảo luật được hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua cơ bản đã có sự thống nhất cao giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc xem xét, ban hành các dự án luật này có ý nghĩa quan trọng nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, tạo sự đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, nhất là với Luật Đất đai (sửa đổi) cũng như đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, bảo đảm an ninh, quốc phòng, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường chất lượng quản trị, điều hành các tổ chức tín dụng và hoàn thiện hành lang pháp lý trong hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Về công tác nhân sự, Chủ tịch Quốc hội cho biết  Quốc hội sẽ xem xét, quyết định công tác nhân sự ngay tại đầu kỳ họp, cụ thể là: Xem xét, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV, miễn nhiệm và bầu chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội và xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm và bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2021-2026.

Tăng trưởng kinh tế quý I/2023 ước đạt 3,32%

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Báo cáo của Chính phủ cũng khẳng định, diễn biến bất lợi, khó lường của thế giới tiếp tục ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, nhất là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư,… Cụ thể: Tăng trưởng kinh tế quý I ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (5,6%). 

Hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư, thu hút FDI… vẫn còn gặp khó khăn. Thị trường trong nước còn nhiều dư địa nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Áp lực điều hành kinh tế vĩ mô gia tăng. Sản xuất, kinh doanh, đầu tư gặp nhiều khó khăn, xuất nhập khẩu giảm,… khả năng sẽ tác động đến thu NSNN ngay trong quý II và cả năm, tạo áp lực lên điều hành chính sách tài khóa. Tình hình an ninh, trật tự trên một số địa bàn, không gian mạng, tội phạm ma túy còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp...

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, tính đến hết tháng 4/2023, đã giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình đến nay đạt khoảng 87,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 29% tổng nguồn lực của Chương trình (301 nghìn tỷ đồng).

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, bối cảnh thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phải nỗ lực vượt khó, khắc phục hạn chế, bất cập, phát huy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực theo các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, tư tưởng chỉ đạo trong Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; trong đó chú trọng triển khai 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:

Tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.  Đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án Luật, Nghị quyết trình Quốc hội; rà soát, tháo gỡ các bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật. 

 Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2023 đạt tối thiểu 95%; đồng thời chú trọng thu hút các nguồn vốn đầu tư và khuyến khích các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai, tài nguyên, bãi đổ thải… 

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tăng cường nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. 

Tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác; nâng cao năng lực của hệ thống y tế, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh; quyết liệt tháo gỡ khó khăn, giải quyết dứt điểm vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.

Chí Kiên - Pháp luật Plus

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/nam-2023-phan-dau-giai-ngan-von-dau-tu-cong-toi-thieu-95-d193947.html