Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch Việt Nam

20/02/2022 14:54

Kinhte&Xahoi Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay, ngành Du lịch trong đó có đội ngũ lao động bị ảnh hưởng nặng nề, đòi hỏi cần có những chủ trương, chính sách phù hợp để phát triển nguồn nhân lực trong tình hình mới.

Để biến những tiềm năng trở thành hiện thực, ngoài việc xúc tiến du lịch, đầu tư cơ sở hạ tầng, đổi mới sản phẩm du lịch... thì yếu tố con người chính là cốt lõi. Những nỗ lực về chiến lược đào tạo nhân lực du lịch cả chính quy và không chính quy một cách hiệu quả, bài bản và đột phá là yếu tố then chốt.

Khủng hoảng nhân lực

Chủ trương phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn trên tinh thần của Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn thi hành đã được hoàn thiện, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được ban hành… là các nền tảng rất quan trọng cho ngành Du lịch phát triển bứt phá.

Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư cho du lịch tăng mạnh, số lượng khách sạn, khu resort cao cấp không ngừng được xây dựng và đưa vào hoạt động, nhiều tập đoàn lớn trong nước đã tập trung đầu tư làm cho bộ mặt ngành Du lịch có những thay đổi trong thời gian gần đây.

Các chỉ tiêu về khách du lịch quốc tế, nội địa, sự phát triển của các doanh nghiệp khách sạn, du lịch; hệ thống các cơ sở đào tạo du lịch và đội ngũ những người làm du lịch đã có những bước phát triển vượt bậc.

Năm 2019, Du lịch Việt Nam đón trên 18 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16,2%; Phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa, tăng 6%. Tổng thu du lịch đạt 755.000 tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm 2018. Lực lượng lao động trực tiếp trong ngành Du lịch ước tính lên tới hàng triệu người.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã có những tác động ghê gớm tới hoạt động của ngành Du lịch, trong đó đáng lo ngại là gần như tất cả các doanh nghiệp lữ hành đều tạm ngừng hoạt động; Khách sạn đóng cửa vì không có khách, rao bán hàng loạt; Nhân lực lao động trước thì không đủ để phục vụ khách, nay lại không có việc, thất nghiệp hoặc chuyển nghề.

Việc rời bỏ nghề du lịch chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực khác trong bối cảnh hiện nay khác biệt với biểu hiện “nhảy việc” thông thường trong lĩnh vực du lịch. Trước đây, người “nhảy việc” hầu như vẫn hoạt động trong ngành, chỉ chuyển từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác. Tình trạng này dẫn đến việc thất thoát nhân lực trầm trọng đối với lĩnh vực du lịch. Đây thực sự là một hiện tượng chưa từng có tiền lệ.

Có lẽ chưa bao giờ ngành Du lịch gặp phải hiện trạng như hiện nay. Từ năm 2020, hàng trăm nghìn lao động đã phải xin trợ cấp thất nghiệp. Vừa qua, Chính phủ đã đồng ý trợ cấp một lần (3,71 triệu đồng/người) cho các hướng dẫn viên du lịch - những người đã có đóng góp cho sự phát triển của ngành suốt thời gian qua, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, theo đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội.

Ngành Du lịch hy vọng chính sách hỗ trợ này có thể hạn chế được sự “chảy máu” nhân lực đang diễn ra và giúp ngành vượt qua được cuộc khủng hoảng nhân lực phải đối diện trong tương lai.

Ảnh minh họa

Hơn nữa, có một thực tế là khi việc lựa chọn, chuyển đổi nghề nghiệp đã ổn định thì người lao động sẽ có tâm lý an tâm đối với công việc mới, dẫn đến việc khi ngành Du lịch hoạt động trở lại sau dịch COVID-19 những nhân lực bỏ nghề có thể sẽ không quay trở lại làm việc. Theo dự báo sau khi đại dịch được khống chế, nhu cầu đi du lịch sẽ tăng rất cao. Đây cũng là bài toán cần có lời giải.

Trước khi dịch COVID-19 xuất hiện, nguồn nhân lực du lịch đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Hệ thống các cơ sở đào tạo phát triển nhanh; Hệ thống ngành đào tạo và bậc đào tạo đã được hoàn thiện từ sơ cấp đến sau đại học. Các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia lĩnh vực du lịch được xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện.

Hoạt động tổ chức đào tạo đã chuyển dần từ cách thức tiếp cận theo quy trình sang tiếp cận theo năng lực; Gắn kết đào tạo với phát triển kỹ năng nghề nghiệp, các cơ sở đào tạo đã gắn kết chặt chẽ hơn với hoạt động của doanh nghiệp… Theo đó, người học sau khi ra trường thích ứng tốt hơn với nhu cầu xã hội.

Có thể nhận định, nguồn nhân lực du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển cả về số lượng và cơ cấu; Tính chuyên nghiệp của nhân lực ngành Du lịch nói chung dần được nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của ngành.

Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn tồn tại những bất cập đối với đội ngũ nhân lực đòi hỏi cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch các cấp cần phải quan tâm để giải quyết, đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới.

Đến năm 2030, ngành Du lịch đặt mục tiêu tạo ra khoảng 5,5 - 6 triệu việc làm

 Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, ngành Du lịch đặt mục tiêu tạo ra khoảng 5,5 - 6 triệu việc làm, trong đó có khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 12 - 14%/năm. Năm 2030 sẽ tạo ra khoảng 8,5 triệu việc làm, trong đó có khoảng 3 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 8 - 9%/năm.

Nhân lực du lịch phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của doanh nghiệp du lịch và chịu ảnh hưởng lớn của thị trường lao động, các thỏa thuận hợp tác quốc tế về dịch chuyển lao động và xu thế toàn cầu hóa. Vì thế, về lâu dài, nước ta cần có những định hướng, nhiệm vụ cụ thể để phát triển nguồn nhân lực du lịch, tăng tỉ lệ nhân lực du lịch được đào tạo bài bản, có năng lực thích ứng cao với thực tiễn.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, thời kỳ hậu COVID-19, ngành Du lịch sẽ có sự cạnh tranh lớn về tuyển dụng lại nhân sự, cùng với xu thế công nghệ - nền tảng số trong du lịch đang làm thay đổi các phương thức quản lý, kinh doanh và tiêu dùng trong du lịch, thời đại du lịch thông minh đã và đang thành hình.

Từ cuối năm 2021, công nghệ sẽ là yếu tố hàng đầu giúp du khách tìm hiểu về thông tin điểm đến và giúp cho doanh nghiệp, nhà quản lý tối ưu hóa hiệu quả công việc. Nhất là doanh nghiệp sẽ tinh gọn bộ máy để giảm chi phí nhưng nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.

Trong bối cảnh đó, nhân sự, người làm du lịch đòi hỏi phải đa năng hơn, ngoài nghiệp vụ nghề, thì kiến thức nền về xã hội cũng cần phải được nâng cao. Bên cạnh đó, năng lực công nghệ, khả năng thích ứng với “Du lịch thông minh” cũng quan trọng không kém để đáp ứng yêu cầu phục vụ “khách du lịch thông minh”. Tất yếu, nhân sự cần được đào tạo lại, trang bị kiến thức chung và kỹ năng để thích nghi với môi trường làm việc nền tảng số, thích ứng để phát triển.

Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, các nhà chiến lược đã tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng chuyên môn, tạo tính chuyên nghiệp cho đội ngũ nhân viên của ngành. Hướng đi này hứa hẹn sẽ từng bước đáp ứng được nhu cầu nhân lực mới cho du lịch Việt Nam trong xu thế phát triển ổn định, bền vững.

KhánhVy- TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TP Hồ Chí Minh tăng cường nhiều giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu

Sở Công thương TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản số 750/SCT-QLTM gửi Cục Quản lý thị trường TP, Sở Thông tin và Truyền thông TP, UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện cùng các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, đề nghị tiếp tục phối hợp, thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu trên địa bàn.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-du-lich-viet-nam-190246.html