Ngân hàng lãi "khủng", nợ xấu tăng cao bất ngờ

05/11/2018 08:56

Kinhte&Xahoi Hiện đã có gần 30 ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý III với tổng lợi nhuận trước thuế đạt hơn 67 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ có khả năng mất vốn lại tăng bất ngờ.

Lãi "khủng"

Báo cáo tài chính của 26 ngân hàng thương mại vừa công bố cho thấy tổng lợi nhuận trước thuế đạt hơn 67 nghìn tỷ, tăng 41% so với cùng kỳ, trong đó 16/26 ngân hàng tăng trưởng trên 41%.

Có 15 ngân hàng thương mại cổ phần đã có lợi nhuận nghìn tỷ trong 9 tháng, điển hình có thể kể đến như: Vietcombank, Techcombank, VietinBank, BIDV, VPBank, TPBank...

Trong đó, Vietcombank giữ "ngôi vương" với 9 tháng đầu năm lãi hợp nhất trước thuế đạt 11.683 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước. Techcombank xếp vị trí số 2 trong hệ thống (nhưng lại dẫn đầu khối các ngân hàng không có vốn Nhà nước chi phối) với lợi nhuận hợp nhất trước thuế lên tới 7.774 tỷ đồng, tăng tới 60,6% so với cùng kỳ 2017.

Xếp thứ ba về lợi nhuận phải kể đến VietinBank với lũy kế 9 tháng đầu năm lợi nhuận trước thuế đạt 7.596 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. BIDV xếp vị trí thứ tư khi lợi nhuận trước thuế 9 tháng hợp nhất đạt mức 7.254 tỷ đồng.

Hiện đã có gần 30 ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý III với tổng lợi nhuận trước thuế đạt hơn 67 nghìn tỷ đồng.

Nằm trong khối ngân hàng Nhà nước, theo kết quả cập nhật mới nhất từ Agribank, năm 2018 ngân hàng có khả năng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong lịch sử. Đến 31/10/2018, lãi trước thuế của ngân hàng này ước đạt hơn 6.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017.

Ở khối ngân hàng thương mại tư nhân, VPBank hợp nhất 9 tháng lãi đạt hơn 6.100 tỷ đồng; MB lãi trước thuế hơn 6.000 tỷ đồng; TPBank lợi nhuận trước thuế tăng gấp đôi cùng kỳ năm 2017, từ 807 tỷ đồng lên 1.613 tỷ đồng. Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho biết, năm nay ngân hàng sẽ hoàn thành mục tiêu thách thức đại hội đồng cổ đông đề ra là 2.200 tỷ đồng....

Phân tích báo cáo tài chính có thể thấy, để đạt được con số lãi nghìn tỷ đồng, các ngân hàng đã có sự dịch chuyển đáng kể về cơ cấu, gia tăng lợi nhuận từ đóng góp của dịch vụ, thu lãi bên ngoài (thẻ tín dụng, bảo hiểm, tư vấn…). Và trong bối cảnh này, một số ngân hàng đã xin nới hạn mức tín dụng và mới nhất có Techcombank được Ngân hàng Nhà nước nới hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng từ 14% lên 20%. Do đó, ngân hàng này sẽ có thêm 6.000 - 8.000 tỷ đồng để cho vay trong những tháng cuối năm.

Hiện tại, lợi nhuận của 26 ngân hàng đã hoàn thành được 77% kế hoạch cả năm 2018. Trong đó, 21/26 ngân hàng đã hoàn thành được hơn 70%; những ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, Techcombank đã hoàn thành gần 90% kế hoạch chỉ trong 9 tháng.

Nhưng sao nợ xấu tăng cao?

Bên cạnh lợi nhuận cao, báo cáo tài chính quý III/2018 của nhiều ngân hàng thương mại cho thấy nợ xấu tiếp tục xu hướng tăng lên, trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng nhanh. Trong khối ngân hàng cổ phần Nhà nước, nợ xấu cuối quý III của VietinBank là 12.127 tỷ đồng, tăng hơn 3.100 tỷ đồng, tương đương 34,6% so với đầu năm 2018. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng từ mức 1,14% đầu năm 2018 lên 1,36%. Nợ nhóm 5 có tỷ lệ lớn nhất, với 8.739 tỷ đồng (tăng 68% so với cùng kỳ năm 2017).

Báo cáo tài chính của BIDV cũng cho biết, tại thời điểm 30/9/2018, ngân hàng này có hơn 17.041 tỷ đồng nợ xấu, tăng 21% so với thời điểm đầu năm 2018, tức là tăng thêm gần 3.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tại BIDV chiếm 1,75% trên tổng dư nợ cho vay khách hàng. Hay như tại Vietcombank, đến cuối quý III, nợ xấu cũng lên tới hơn 4.000 tỷ đồng...

Trong khối ngân hàng tư nhân, nợ xấu tại ACB hơn 1.264 tỷ đồng, tăng tới hơn 60% so với cuối năm 2017; MB gần 1.319 tỷ đồng, tăng tới 62% so với cuối năm 2017; Techcombank gần 2.027 tỷ đồng, tăng 30,5%; Nợ xấu tại OCB tăng 65% trong 9 tháng lên mức 1.429 tỷ đồng, chiếm 2,66% dư nợ cho vay khách hàng tại nhà băng này.

Nợ có khả năng mất vốn tính đến hết tháng 9/2018 của ngân hàng VIB tăng lên hơn 2.002 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với cuối 2017. Ngân hàng Bắc Á, nợ xấu cũng tăng 23% so với đầu năm, lên 431 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 5 tăng 82%, chiếm 419 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này tính đến hết tháng 9/2018 ở mức 0,71% tổng dư nợ cho vay, tăng so với thời điểm đầu năm.

Nguyên nhân nợ xấu tăng, được nhiều ngân hàng lý giải, là do mua lại số nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trước đây. Điều này là bình thường trong hoạt động của ngân hàng còn câu chuyện nợ xấu chưa phải là vấn đề đáng ngại, dù nợ nhóm 5 có khả năng mất vốn tăng mạnh nhưng theo quy định các ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro toàn bộ 100%. Việc hạch toán và trích lập này sẽ khiến ngân hàng chủ động hơn khi xét đưa ra ngoại bảng vào cuối năm.

Tuy nhiên, một số ý kiến cũng lo ngại cho vay tiêu dùng bùng nổ tại nhiều ngân hàng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Và điều đáng ngại là một số ngân hàng thương mại đã hạ thấp chuẩn khách hàng vay tiêu dùng nhưng lại tăng lượng tiền cho vay để cạnh tranh giành thị phần.


Theo Dân trí/Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đổi USD ở đâu là hợp pháp?

Đổi ngoại tệ thành Việt Nam đồng là một giao dịch tương đối phổ biến. Tuy nhiên không phải ai cũng biết quy định của pháp luật về vấn đề này.

Năm 2018: Dư nợ tín dụng có thể tăng 15,22%

Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng 4,52% trong Quý IV/2018 và tăng 15,22% trong năm 2018 trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động vốn và cho vay được các tổ chức tín dụng (TCTD) dự báo tiếp tục duy trì ổn định trong Quý IV/2018 và cả năm 2018.