Ảnh minh họa
Theo thống kê, từ đầu tháng 1 đến nay, các ngân hàng thương mại cổ phần như: BaoViet Bank, GPBank, Eximbank, SHB, BacA Bank, Kienlong Bank, LPBank, OCB, VIB, TPBank, ABBank, NCB, VietA Bank, PVCombank, HDBank, VietBank, Techcombank… đồng loạt giảm lãi suất.
Đáng chú ý, OCB, KienlongBank, NCB, VietA Bank, GPBank, SHB, VIB đã có lần thứ hai giảm lãi suất kể từ đầu tháng 1.
Nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước như: VietinBank, BIDV và Agribank điều chỉnh giảm lãi suất huy động tại các kỳ hạn dưới 12 tháng. Cụ thể, mức lãi các khoản tiền gửi dưới 12 tháng tại VietinBank và BIDV giảm 0,7%/năm so với cuối năm 2022. Theo đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng về 1,7%/năm; 3 tháng: 2,2%/năm và 6-9 tháng: 3,2%/năm.
Agribank giảm 0,2 - 0,4%/năm cho các khoản tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng, xuống 1,8 - 3,2%/năm; kỳ hạn 12 tháng giữ ở mức 5%/năm; 24 tháng trở lên: 5,3%/năm. Vietcombank giảm lãi suất 0,2%/năm với kỳ hạn 3 - 9 tháng và 0,1%/năm cho tiền gửi 12 tháng. Hiện, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 - 9 tháng: 1,7 - 3%/năm; 12 tháng: 4,7%/năm.
Theo chuyên gia Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, Ngân hàng Nhà nước không còn nhiều dư địa để giảm thêm lãi suất tiền gửi trong bối cảnh nhu cầu tín dụng phục hồi dẫn đến nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng thương mại tăng và chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng và CPI đã thu hẹp đáng kể. Tuy nhiên, lãi suất huy động của ngành ngân hàng sẽ duy trì ở mức đáy trong suốt năm 2024 do Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu duy trì môi trường lãi suất thấp để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Dự báo, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét cắt giảm lãi suất điều hành thêm 0,5% trong quý II-2024, đưa lãi suất tái cấp vốn về 4%/năm và lãi suất chiết khấu về 2,5%/năm. Do đó, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân được kỳ vọng duy trì ở vùng thấp 4,5 - 5%/năm trong năm 2024. Đồng thời, kỳ vọng lãi suất cho vay bình quân sẽ giảm thêm 0,5 - 1%/năm trong năm 2024 nhờ chi phí huy động vốn của các ngân hàng thương mại thấp.
Hà Linh - Hà Nội mới