Ngày 04/7/2018, toà soạn có đăng tải bài viết “Thu hồi 459m2 đất vàng của Hapro ‘bỏ hoang’ trên phố Nguyễn An Ninh” về việc đề nghị thu hồi 459m2 đất dự án đầu tư xây dựng trung tâm thương mại Trương Định tại đầu ngõ 104 Nguyễn An Ninh đã bỏ hoang từ hơn 10 năm nay. Dự án do Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) làm chủ đầu tư, giao cho UBND quận quản lý, đầu tư tránh lãng phí.
Nhiều diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng trung tâm thương mại tại đầu ngõ 104 Nguyễn An Ninh đã bỏ hoang từ hơn 10 năm nay.
Dự án xây dựng Trung tâm thương mại và dịch vụ Trương Định được Sở Xây dựng cấp Giấy phép xây dựng ngày 9/12/2006, với chiều cao công trình 7 tầng và được Sở Xây dựng gia hạn lần 1 vào năm 2007, gia hạn lần 2 năm 2008, sau đó khởi công vào tháng 7/2009.
Tiếp đó, ngày 6/10/2009, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đã có văn bản chấp thuận bổ sung tầng hầm và tăng chiều cao lên 28m và khu vực tum thang 3m.
Tuy nhiên, tháng 12/2009, khi đang tiến hành thi công xây dựng công trình đến phần thô tầng 4+1 hầm, Thanh tra xây dựng quận Hoàng Mai đã kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu ngừng thi công xây dựng công trình. Đồng thời ra Quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình về hành vi xây dựng xây dựng sai vị trí, xây dựng thêm 1 tầng hầm so với giấy phép xây dựng được cấp và xử phạt vi phạm hành chính do dự án xây dựng sai phép. Tại thời điểm làm việc, công ty không xuất trình được giấy phép xây dựng và bản vẽ thiết kế bổ sung cho công trình.
Công trình xây lên 4 tầng rồi bị bỏ hoang từ đấy...
Sau khi bị lập biên bản, dự án này dừng tiến độ đột ngột. Liên tiếp 3 năm 2015, 2016, 2017, UBND quận Hoàng Mai có văn bản thúc giục Hapro triển khai dự án song không có hồi âm. Đến cuối năm 2017, UBND quận Hoàng Mai kiến nghị UBND Thành phố thu hồi dự án giao cho UBND quận quản lý, đầu tư tránh lãng phí.
Đây không phải là dự án đầu tiên của Hapro bị chậm tiến độ. Hiện tại Hapro đang quản lý, sử dụng và đầu tư vào nhiều dự án bất động sản có vị trí đắc địa tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố lớn nhưng cũng có dấu hiệu chậm tiến độ và gây lãng phí.
Công trình số 5 Lê Duẩn (Ba Đình, Hà Nội)
Ngoài ra, Dự án Trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp (số 5 Lê Duẩn, Phường Điện Biên, Ba Đình, Hà Nội) cũng là một dự án chậm tiến độ của Hapro khi số năm triển khai dự án lên tới 8 năm, chậm trễ so với dự kiến 6 năm.
Dự án Trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp Lê Duẩn ( Ba Đình, Hà Nội) đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Dự án Trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp số 5 Lê Duẩn khởi công xây dựng vào ngày 30/7/2010, do Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) và Tập đoàn Vàng bạc đá quý DoJI hợp tác đầu tư. Với giấy phép xây dựng được cấp phép gồm 9 tầng cao, 3 tầng hầm, 1 tầng tum, diện tích đấy là 1.624 m2, mật độ xây dựng 55%.
Khi được khởi công xây dựng, công trình dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 8/2012. Tuy nhiên, khi xây thô đến tầng thứ 9 thì dự án đột ngột dừng thi công và chậm tiến độ nhiều năm. Theo lãnh đạo Hapro lý do chậm là do kinh tế suy thoái dẫn đến khó khăn và việc điều chỉnh quy hoạch nâng chiều cao không được chấp thuận.
Được biết, cuối năm 2017 dự án được Hapro “tái khởi động” sau nhiều năm bị ngưng trệ và có sự thay đổi về quy mô, tăng chiều cao tầng. Nhưng đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn chưa hoàn thiện.
Dự án Trung tâm thương mại và dịch vụ Thượng Đình (Thanh Xuân, Hà Nội)
Trước đó, dự án Trung tâm thương mại và dịch vụ Thượng Đình, ngụ trên đất vàng Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) của doanh nghiệp sau 8 năm dự kiến triển khai, đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy.
Theo đó vào năm 2009, UBND TP Hà Nội đã chập thuận chuyển giao nguyên trạng chợ Thượng Đình từ Ban quản lý chợ (thuộc UBND quận Thanh Xuân) về Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) quản lý, khai thác. Năm 2010, Hà Nội chấp thuận chủ trương cho Hapro hợp tác đầu tư với Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group) để cùng triển khai nghiên cứu xây dựng dự án Trung tâm thương mại và dịch vụ Thượng Đình, dựa trên việc cải tạo chợ Thượng Đình với quy mô 3.688m2.
Dự án Trung tâm thương mại và dịch vụ Thượng Đình sau 8 năm dự kiến triển khai, đến nay dự án vẫn nằm trên giấy. Ảnh Internet
Tuy nhiên đến nay, sau 8 năm dự án vẫn chưa được UBND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư. Nguyên nhân khiến công trình chậm trễ, không thể triển khai theo báo cáo của Hapro là do Housing Group (mà trực tiếp là bà Châu Thị Thu Nga) đã vi phạm các quy định pháp luật và bà Nga vướng vòng lao lý. Bản thân bà Nga đã bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội kết án chung thân vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hồi tháng 10/2017. Về phía Hapro, đơn vị này cho biết vẫn duy trì hoạt động kinh doanh tại chợ Thượng Đình trong thời gian chờ thực hiện dự án.
Theo KD&PL