75% mỹ phẩm trên thị trường là giả và hàng lậu
Thời gian qua, tòa soạn đã nhận được phản ánh về cơ sở Mỹ phẩm Linh Nga (Chi nhánh Thái Nguyên) đang kinh doanh những mặt hàng mỹ phẩm có dấu hiệu nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Để rộng đường dư luận, Pv đã đến ghi nhận tại 03 cơ sở, tại đây, theo quan sát, cơ sở Mỹ phẩm Linh Nga bày bán đa dạng về chủng hàng, mẫu mã, từ son, phấn nền, sữa rửa mặt… và đặc điểm chung của nhưng mặt hàng này đều có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài (Hàn, Nhật…), kèm theo đó là mức giá “siêu mềm”.
Cơ sở Mỹ phẩm Linh Nga bất chấp luật định để kinh doanh mỹ phẩm lậu?
Cầm trên tay một sản phẩm được nhân viên giới thiệu là nước hoa hồng có nguồn gốc xuất xứ từ Hàn Quốc, qua quan sát, ngoài những dòng chữ tiếng Hàn thì không có tem phụ tiếng Việt, công ty đứng ra xuất nhập khẩu, giấy công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật.
Thậm chí, dù không có phụ đề tiếng việt, không cần nhìn qua sản phẩm, nhân viên cơ sở Mỹ phẩm Linh Nga vẫn có thể tư vấn một cách trôi chảy như thể được “lập trình” sẵn.
Khi PV đề nghị cung cấp hóa đơn (GTGT), nhân viên tại cơ sở không cung cấp được bất cứ giấy tờ chứng minh nguồn gốc sản phẩm ngoài những lời cam kết “suông” về hàng xách tay chính hãng 100%. Người tiêu dùng hoàn toàn có quyền nghi ngờ, liệu chăng đây là chiều bài để lấy lòng tin để đánh tráo, trà trộn sản phẩm hàng giả, hàng nhái dưới vỏ bọc hàng xách tay? Ai dám chắc chắn rằng sản phẩm đến tay người tiêu dùng là sản phẩm chất lượng trong khi chính chủ cửa hàng cũng không thể chứng minh và kiểm định chất lượng sản phẩm do chính mình phân phối!?
Trả lời báo chí, Chi cục Quản lý thị trường Thái Nguyên cho biết, với những sản phẩm mỹ phẩm nếu muốn đưa ra thị trường kinh doanh, được nhập từ nước ngoài bắt buộc phải có tem phụ đề tiếng việt để người tiêu dùng nhận biết những thành phần và hướng dẫn cách sử dụng. Ngoài ra, tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phảm mũ phẩm ra thị trường chỉ được phép đưa mỹ phẩm ra lưu thông khi đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.
Bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Giám đốc truyền thông và đối ngoại Công ty TNHH L’Oreal Việt Nam tiết lộ về thực trạng một số cửa hàng bán mỹ phẩm giả, mỹ phẩm nhập lậu nhưng lại “sống chết”, một mực khẳng định là hàng nhập khẩu, hàng xách tay.
“Sợ bị nhận biết và mang tiếng là hàng giả nên giờ người bán hàng thường khẳng định là mỹ phẩm xách tay. Xách tay kiểu gì khi trong vòng một tuần có thể cung cấp hàng ngàn cây mascara chuốt mi. Đặc biệt, có nhiều sản phẩm mỹ phẩm của nước ngoài chưa hề được công bố cũng đã được bán tại nhiều chuỗi cửa hàng của Việt Nam, trong đó có cả những chuỗi cửa hàng danh tiếng”, bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh cho biết.
Với tâm lý “sính ngoại” của chị em phụ nữ, một số tổ chức, cá nhân đã bất chấp luật định, sức khoẻ của người tiêu dùng để thu lời bất chính và khi xảy ra rủi ro, thiệt hại không ai khác lại chính là … khách hàng!!!
Bà Tuyết Trinh cũng nhấn mạnh, hiện nay trên khoảng 75% sản phẩm mỹ phẩm trên thị trường là hàng giả và hàng lậu.
Sản phẩm của Linh Nga không có phụ đề tiếng Việt theo quy định của Nhà nước
Ở siêu thị dù chỉ một lọ tăm cũng phải chịu thuế VAT
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội khẳng định “hàng xách tay” chính là hàng lậu và đang được này bán công khai trên thị trường bất chấp luật định.
“Ở siêu thị dù chỉ một lọ tăm cũng phải chịu thuế VAT, trong khi hàng xách tay lớn hay nhỏ đều không phải chịu thuế, cũng không phải đóng góp cho ngân sách nhà nước và không ai có thể bảo đảm chất lượng của loại hàng hóa này”, ông Phú cho biết.
Theo ông Vũ Vinh Phú, sở dĩ hàng “xách tay” có sức hấp dẫn do tâm lý sính hàng ngoại của người tiêu dùng. Lợi dụng tâm lý đó, không ít gian thương đã sử dụng chiêu bài quen thuộc để kiếm lời trên lòng tin của người tiêu dùng là trà trộn hàng giả, hàng nhái trong vỏ bọc hàng xách tay.
“Giờ Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo 5 Bộ tăng cường quản lý hàng xách tay, Tổng cục Hải quan cũng ra văn bản siết hàng xách tay. Văn bản ra là 1 chuyện nhưng vấn đề tổ chức thực hiện như thế nào? Quản lý thị trường trên từng địa bàn có làm không hay lại bảo kê cho họ? Chúng ta yếu không phải bởi vì thiếu văn bản mà do tổ chức thực hiện", ông Vũ Vinh Phú trăn trở
Có một thực tế là mối liên kết giữa các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, phát hiện hàng giả “đội lốt” hàng xách tay còn chưa đồng bộ, khiến hiệu quả chưa cao.
Cũng trao đổi về việc này, đại diện Công ty luật Minh Khuê cũng cho biết: “Hàng xách tay được xem là loại hàng hóa không có chứng từ nhập khẩu, phiếu gửi hàng không được xem là một loại chứng từ nhập khẩu do hàng hóa không thông qua kê khai hải quan”.
Khoản 7, điều 3, Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định:
Hàng nhập lậu bao gồm
a) Hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật;
b) Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu có điều kiện mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định kèm theo hàng hóa khi lưu thông trên thị trường;
c) Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;
d) Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn;
đ) Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.
Như vậy hàng mỹ phẩm xách tay được coi là hàng nhập lậu theo quy định tại điểm d khoản 7 điều 3 của Nghị định 185/2013/NĐ-CP. Để hạn chế tình trạng nhập lậu qua kênh này, bên cạnh việc tăng cường quản lý hàng hóa, quà biếu, tặng từ nước ngoài vào Việt Nam, lực lượng quản lý thị trường cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Theo KD&PL