Tham dự lễ kỷ niệm có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; các Mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí lão thành cách mạng và đông đảo các tầng lớp nhân dân huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh VGP/Mạnh Hùng
Trong diễn văn trình bày tại lễ kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy Long An Phạm Văn Rạnh cho biết Đồng Tháp Mười có vị trí chiến lược về quân sự, là căn cứ cách mạng trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của Nam Bộ, là trung tâm vùng Đồng Tháp Mười, Mộc Hóa có vị trí chiến lược quan trọng.
Nơi đây nhà Nguyễn đã xây một đồn lũy để trấn giữ biên giới, được gọi là Thủ sở Tuyên Oai. Thời kỳ 1864 - 1866, đồn Tuyên Oai là một trong những chiến lũy quan trọng của căn cứ Đồng Tháp Mười trong phong trào kháng Pháp của Thiên Hộ Dương, Đốc Binh Kiều. Đến cuối năm 1945, khi tái chiếm Nam Bộ, thực dân Pháp cho lập đồn Mộc Hóa tại đỉnh gò Bắc Chiêng (nay thuộc thị xã Kiến Tường) với cấu trúc kiên cố và trang bị vũ khí hạng nặng. Đây là cứ điểm án ngữ biên giới Việt Nam - Campuchia, ngăn cách giao lưu giữa Khu 8 với Khu 7 và Khu 9.
Trước yêu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, được sự ủng hộ to lớn của quân dân huyện Mộc Hóa nói riêng và vùng Đồng Tháp Mười nói chung, đêm 16/8/1948, với chiến thuật “công đồn, đả viện”, Bộ Tư lệnh Khu 8 đã nổ súng đánh trận Mộc Hóa lịch sử với các lực lượng tham gia gồm Trung đoàn 120, Tiểu đoàn 307, trung đội du kích tập trung của huyện, dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Chánh - Tham mưu trưởng Khu 8.
Trận Mộc Hóa đã diễn ra đúng như dự kiến, sau 3 ngày chiến đấu cam go, mưu trí, dũng cảm, quân và dân Mộc Hóa đã tiêu diệt 1 tiểu đoàn địch, bắt sống đồn trưởng Louis Bertrand, thu được hàng trăm khẩu súng các loại cùng nhiều quân trang, quân dụng.
Chiến thắng Mộc Hóa tháng 8/1948 có ý nghĩa hết sức quan trọng, đánh dấu bước đột phá của quân dân ta từ thế phòng ngự sang tiến công tiêu diệt địch, hoàn chỉnh khu căn cứ Đồng Tháp Mười và tạo kết nối giữa Khu 7 với Khu 8 và Khu 9, đồng thời liên kết chiến trường Việt Nam và Campuchia.
Ngoài ý nghĩa quân sự, chiến thắng Mộc Hóa còn là dấu mốc trong lịch sử kháng chiến chống Pháp của quân dân Tân An, Khu 8 và Nam Bộ, là chiến công mở đầu truyền thống của Tiểu đoàn 307 anh hùng. Trận Mộc Hóa cũng là nơi đánh dấu sự khai sinh nền điện ảnh cách mạng Việt nam với việc những thước phim nhựa đầu tiên được trình chiếu tại căn cứ đại Đồng Tháp Mười vào đêm 24/12/1948.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao tặng Đảng bộ, chính quyền thị xã Kiến Tường bức tranh trống đồng Việt Nam. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng
Phát biểu tại đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã bày tỏ vui mừng khi được về thăm quê hương Mộc Hóa - Kiến Tường và dự buổi lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng trận Mộc Hóa mang nhiều ý nghĩa với vùng đất Nam Bộ.
Phó Thủ tướng cho rằng, trong giai đoạn 9 năm kháng chiến chống Pháp, Đồng Tháp Mười là một trong 3 khu căn cứ lớn nhất của cách mạng miền Nam (Đồng Tháp Mười, rừng U Minh và chiến khu D), là hành lang chiến lược quan trọng nối miền Đông Nam Bộ với miền Tây Nam Bộ.
Đặc biệt, người dân nơi đây với truyền thống cần cù, bất khuất, lòng yêu nước nồng nàn được hình thành từ thuở khai hoang mở đất đã hết lòng ủng hộ cách mạng. Đây là yếu tố quan trọng khiến Đồng Tháp Mười trở thành một căn cứ địa vững chắc, biểu tượng của cách mạng miền Nam trong suốt hai cuộc kháng chiến của dân tộc.
Do đó, chiến thắng Mộc Hóa đã trở thành một mốc son chói lọi trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, phá tan âm mưu của đế quốc Pháp muốn nhanh chóng bình định miền Nam để tập trung lực lượng tấn công ra Việt Bắc. Ý nghĩa của chiến thắng theo Phó Thủ tướng đã được thể hiện đầy đủ trong bức thư kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh cuối tháng 9/1948, nhân dịp 3 năm kháng chiến Nam Bộ. “Ba năm qua, mặc dù hoàn cảnh rất khó khăn, đồng bào và quân đội ta chẳng những giữ vững, mà còn phát triển tinh thần đoàn kết và chí khí hy sinh, ngày càng thêm mạnh, chẳng những chống cự với giặc mà còn chiến thắng giặc, nhiều trận đánh ở Nam Bộ, trong đó có trận đánh ở Đồng Tháp Mười đã làm cho địch kinh hồn bạt vía”, Phó Thủ tướng trích dẫn bức thư.
Bước sang giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, kế thừa ý chí, tinh thần cách mạng cũng như kinh nghiệm chiến đấu từ trận Mộc Hóa, quân và dân Long An tiếp tục tiến lên đấu tranh, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, cùng quân dân cả nước đánh thắng mọi âm mưu của địch, góp phần vào đại thắng mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước, tô đậm thêm truyền thống quê hương Long An “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc”.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thăm hỏi sức khỏe cán bộ lão thành cách mạng. - Ảnh: VGP/Mạnh Hùng
Phát huy tinh thần đó, trong công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ và nhân dân Long An đã khắc phục nhiều khó khăn, chủ động, sáng tạo trong thực tiễn, có nhiều quyết sách táo bạo như mở cuộc “Đại tiến công khai phá Đồng Tháp Mười”, hay chủ trương “Bù giá vào lương”… và đã đạt được những kết quả mang tính đột phá, có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào sự thành công của công cuộc đổi mới của đất nước.
Với thị xã Kiến Tường và huyện Mộc Hóa, Phó Thủ tướng đánh giá kinh tế xã hội hiện đã có nhiều thay đổi tích cực, từng bước khẳng định là một vùng trọng điểm lương thực của tỉnh và khu vực. Tuy nhiên, để góp phần vào nhiệm vụ chung của cả nước, trong thời gian tới, Kiến Tường và huyện Mộc Hóa cần tiếp tục thực hiện tốt vai trò trung tâm của vùng Đồng Tháp Mười rộng lớn và giàu tiềm năng, khai thác hiệu quả thế mạnh, trong đó có thế mạnh của một địa bàn vùng biên.
Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh, kỷ niệm 70 năm chiến thắng Mộc Hóa, là để thế hệ tiếp nối ghi nhớ công lao và tấm gương hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, của quân và dân trên mảnh đất “Tháp Mười anh dũng”. Đồng thời đề các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh Long An cần phải thực hiện tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa, chăm lo chu đáo cả về vật chất và tinh thần cho các gia đình chính sách, người có công với nước; phải xem đó là bổn phận, công việc thường xuyên mà thế hệ hiện tại và mai sau phải giữ gìn.
Theo chinhphu.vn/hoanhap.vn