Xem nhiều

Sản xuất công nghiệp của Hà Nội: Tăng trưởng trong khó khăn

13/11/2023 08:43

Kinhte&Xahoi Suy giảm của thương mại toàn cầu, các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực thiếu đơn hàng, sức tiêu thụ tại thị trường trong nước chậm, chi phí đầu vào tăng cao… khiến hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội từ đầu năm 2023 đến nay đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, thành phố đã, đang đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp vượt khó, lấy lại đà tăng trưởng.

Dây chuyền chế biến thực phẩm hiện đại tại Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam (Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Ảnh: Nhật Nam

Đối mặt nhiều thách thức

Theo Sở Công Thương Hà Nội, mặc dù các ngành sản xuất đang bước vào giai đoạn phục hồi tích cực, sản lượng và đơn hàng mới của nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo đang tăng trở lại, nhưng nhìn chung ngành Công nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, nhờ nỗ lực của các cấp, ngành và cộng đồng doanh nghiệp, nên sau 10 tháng năm 2023, một số ngành chế biến, chế tạo có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước, gồm: Sản xuất đồ uống tăng 18,7%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 12,6%; sản xuất thuốc lá tăng 8%; chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 7,5%; chế biến thực phẩm tăng 6,7%; sản xuất sản phẩm từ kim loại tăng 6,2%; sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, thiết bị tăng 15,2%.

Đáng chú ý, chỉ số tiêu thụ sản phẩm toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tính chung 9 tháng tăng 1,3% so với cùng kỳ; chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính thời điểm ngày 30-9 giảm 28%. Tuy nhiên, do khó khăn từ đầu năm nên tính chung 10 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp Hà Nội chỉ tăng 2,6%, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,2%; sản xuất và phân phối điện tăng 7%...

Thực tế cho thấy, ngoài thị trường xuất khẩu, sức mua của thị trường trong nước cũng giảm sút phần nào ảnh hưởng đến khả năng sản xuất của doanh nghiệp. Giám đốc Công ty Cơ khí chính xác SKD Việt Nam Nguyễn Văn Kết cho biết, nhiều doanh nghiệp ngành cơ khí gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ khi tổng cầu giảm sút mạnh.

Dồn lực hỗ trợ doanh nghiệp

Những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán sắp tới được dự báo là cơ hội cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, góp phần phục hồi đà tăng trưởng của ngành Công nghiệp. Để thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm 2023, UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở Công Thương chủ trì, đôn đốc các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan, các doanh nghiệp trên địa bàn triển khai đồng bộ các giải pháp.

Cụ thể là theo sát diễn biến của kinh tế thế giới, làm tốt thông tin thị trường, nhất là thị trường tiềm năng; hướng dẫn, hỗ trợ các hiệp hội và doanh nghiệp khai thác, phát huy các thị trường truyền thống và khai mở thị trường mới, giàu tiềm năng. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền về các hiệp định thương mại tự do, giúp doanh nghiệp nắm rõ cơ hội để thúc đẩy đầu tư sản xuất, liên kết chuỗi.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh). Ảnh: Nhật Nam

Đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trong nước cũng là giải pháp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ trên thị trường nội địa, giảm hàng tồn kho. Đồng thời, kết nối doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài để tìm kiếm đối tác, đơn hàng, thị trường thông qua các hội nghị kết nối giao thương, hội chợ, triển lãm...; thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, xúc tiến đưa sản phẩm vào kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, nhất là sàn thương mại điện tử xuyên biên giới...

Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục yêu cầu các sở, ngành đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng với thời hạn, mức vay và lãi suất hợp lý; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan tới hoàn thuế giá trị gia tăng, giảm, gia hạn một số loại thuế, phí, tiền thuê đất đã được cấp có thẩm quyền cho phép nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Từ góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty Cơ khí chính xác SKD Việt Nam Nguyễn Văn Kết chia sẻ: “Chúng tôi đã đẩy nhanh số hóa, ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Từ đó, công ty vẫn đang có được những bạn hàng quan trọng”.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, để thúc đẩy phát triển ngành Công nghiệp, Hà Nội đặt mục tiêu có khoảng 950 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, trong đó có khoảng 300-350 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Tính đến nay, trên địa bàn thành phố đã có khoảng hơn 900 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, với trên 320 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết, thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, nâng cao năng lực sản xuất, tăng tỷ lệ nội địa hóa. Ngược lại, doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt, đề xuất chính sách, đầu tư công nghệ, kỹ thuật để đáp ứng các yêu cầu tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Hoàng cho hay, dù đã có hệ thống chính sách ưu đãi tương đối hoàn thiện nhưng dường như các doanh nghiệp còn chưa tiếp cận được, do các chính sách này còn nhiều vướng mắc trong khâu thực hiện. Do đó, thành phố nên nghiên cứu rút bớt thủ tục, chỉ đạo các đơn vị chức năng hỗ trợ doanh nghiệp với tinh thần nhanh chóng, kịp thời nhất.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội (Hansiba) Nguyễn Vân:

 Thực thi chính sách tài khóa nhịp nhàng

Khó khăn hiện nay không hẳn là do vấn đề lãi suất mà do không có đơn hàng, đầu ra, thủ tục hành chính… Trong thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp vẫn mong Chính phủ, các bộ, ngành thực thi chính sách tài khóa nhịp nhàng với chính sách tiền tệ, thúc đẩy việc đầu tư công để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Đối với Việt Nam, định hướng của Đảng là đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Theo góc độ của Hansiba, chúng tôi đề xuất Ngân hàng Nhà nước phối hợp cùng Bộ Tài chính chủ trì, cùng với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tài khóa chủ động, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả; tiếp tục quan tâm tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp ngành sản xuất công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ. Doanh nghiệp mong giảm bớt áp lực chi phí đầu vào, giảm giá đầu ra để kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện điều hành tín dụng, giảm lãi suất ở mức hợp lý.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp Nguyễn Văn Tuấn:

 Đổi mới công nghệ sản xuất là giải pháp để giữ vững thị trường

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ngành cơ khí, công nghiệp chế tạo gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ khi tổng cầu giảm sút mạnh. Cùng với đó là chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao khiến sản phẩm giảm sức cạnh tranh.

Trong bối cảnh đó, chúng tôi đã đẩy nhanh quá trình “số hóa”, ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Chúng tôi xác định đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất là giải pháp quan trọng để tiếp tục giữ vững thị trường và khẳng định vị thế. Thực tế, công nghệ số đã giúp các doanh nghiệp tăng cường khả năng quản lý và kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất từ thiết kế, đặt hàng, nhập kho, gia công, lắp ráp, kiểm tra chất lượng đến giao hàng. Cùng với đó công nghệ giúp tối ưu hóa sử dụng nguồn lực như máy móc, thiết bị, nguyên liệu và nhân công để tăng năng suất... Tuy nhiên, nếu tiếp tục nhận được hỗ trợ thiết thực trong lãi suất, tiếp cận vốn vay, doanh nghiệp sẽ dễ dàng đón đầu và phục hồi sản xuất.

 
 Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Mạc Quốc Anh:

Đa dạng hóa kênh tiếp cận vốn

Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa đã không ngừng phát triển, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, tạo nên 45% GRDP, đóng góp trên 30% ngân sách cho thành phố Hà Nội, tạo công ăn việc làm cho hơn 50% lao động.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước để tiếp tục ổn định phát triển sản xuất, kinh doanh. Theo đó, Nhà nước tăng cường cải cách thủ tục đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp, thực hiện tốt cơ chế “một cửa liên thông” trong đăng ký kinh doanh. Đồng thời, phát triển đồng bộ các loại thị trường như thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán, bất động sản, khoa học, công nghệ và thị trường lao động để giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các nguồn lực đầu vào cũng như giải quyết vấn đề đầu ra. Cùng với đó, cần đa dạng hóa các kênh tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Quang Minh ghi

 

 Thanh Hiền - Hà Nội mới

;
Bình luận
Họ tên :
Email :
Lời bình :
RadEditor - HTML WYSIWYG Editor. MS Word-like content editing experience thanks to a rich set of formatting tools, dropdowns, dialogs, system modules and built-in spell-check.
RadEditor's components - toolbar, content area, modes and modules
   
Toolbar's wrapper 
 
Content area wrapper
RadEditor's bottom area: Design, Html and Preview modes, Statistics module and resize handle.
It contains RadEditor's Modes/views (HTML, Design and Preview), Statistics and Resizer
Editor Mode buttonsStatistics moduleEditor resizer
 
 
RadEditor's Modules - special tools used to provide extra information such as Tag Inspector, Real Time HTML Viewer, Tag Properties and other.
   
Mobile
TieuDe
Nhập mã bảo mật :  
Gửi bình luận
     
Mới nhất | Cũ nhất
Không tìm thấy bản ghi nào

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cảnh giác 'tín dụng đen' núp bóng cho vay tiêu dùng

Mặc dù chỉ có 16 công ty tài chính (CTTC) được cấp phép hoạt động nhưng người tiêu dùng vẫn bị bủa vây bởi điện thoại, các app cho vay núp bóng CTTC. Sự lập lờ này khiến cho các CTTC đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, trong khi người có nhu cầu vay tiêu dùng rơi vào bẫy “tín dụng đen”.

Nhiều ngân hàng lãi nghìn tỷ đồng

Theo thông tin mới nhất, tính tới thời điểm này, có 14 ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý III-2023, trong đó, 2/3 tổng số ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng âm, nhưng cũng có những ngân hàng ghi nhận lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/san-xuat-cong-nghiep-cua-ha-noi-tang-truong-trong-kho-khan-647785.html

Scroll

Kênh thông tin giới trẻ - gioitrenews.com