Nghệ An: Dự án nhà ở xã hội ở Hưng Lộc có phải là đối tượng tranh chấp với cá nhân, tổ chức khác?

12/03/2021 10:13

Kinhte&Xahoi Trên cơ sở hồ sơ pháp lý vụ việc, nhằm đưa các thông tin chính xác ra trước công luận, vén bức màn thông tin mờ tỏ, gây hiểu sai về dự án, hiểu sai về chủ đầu tư, thậm chí có dấu hiệu tố cáo sai hoàn toàn đối với các cơ quan nhà nước, Tạp chí Doanh nghiệp & Tiếp thị tiếp tục phản ánh về các vấn đề liên quan sự việc này.

Các cơ quan chức năng có quản lý chặt chẽ?

Nhiều ngày qua, một số người tới Dự án "Nhà ở cho người thu nhập thấp và cán bộ công nhân viên ở xã Hưng Lộc Tp. Vinh" do Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương Mại Dầu khí Nghệ An (Công ty CP ĐTTM Dầu khí Nghệ An) làm chủ đầu tư, giăng băng rôn biểu ngữ với nội dung đất đang tranh chấp. Được biết, những người này hoàn toàn không phải là người dân có đất trong dự án hay có bất kỳ quan hệ, giao dịch dân sự về đất hay dự án với chủ đầu tư. Họ tới quấy rối, làm ảnh hưởng tới quyền lợi của doanh nghiệp, gây mất an ninh trật tự.

Dự án do Công ty CP ĐTTM Dầu khí Nghệ An làm chủ đầu tư không có trách nhiệm phải làm đấu nối nhưng đã tự bỏ kinh phí để thi công và có giấy phép

Sự việc có thể xuất phát từ các đơn kiến nghị của một công dân, trong đó có nội dung tố cáo chủ đầu tư chiếm đất (với lý do chưa bàn giao trên thực địa) và tranh chấp của công dân đó liên quan đến việc đầu tư mua cổ phần của Công ty CP ĐTTM Dầu khí Nghệ An. Trên cơ sở chỉ đạo giải quyết đơn của công dân, các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã làm việc khẩn trương, nhiều lần kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp và trao đổi ý kiến. Sau đó, các Sở cũng như UBND Tp.Vinh đã thống nhất chủ đầu tư không vi phạm hành chính. Dù vậy, Lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An đang thận trọng xem xét sự việc và chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đối với nội dung của Đơn kiến nghị về tranh chấp, ngày 2/11/2020, cơ quan chức năng đã hướng dẫn công dân này nộp đơn tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đây là hướng dẫn phù hợp quy định pháp luật, vì UBND cũng như các Sở không có chức năng giải quyết tranh chấp. 

Không thỏa mãn với cách thức giải quyết của chính quyền, công dân này lại tiếp tục có "Đơn đề nghị" đề ngày 28/01/2021, trong đó phần "Kính gửi" có Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, và một số cơ quan ở địa phương như Tỉnh ủy, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An. Trong đơn có những ý kiến có tính chất tố cáo cơ quan nhà nước: Sở Tài nguyên và Môi trường "bao che không xử lý", UBND Tp. Vinh "mắt nhắm mắt mở" để thi công hoàn thiện dự án, "UBND Tp. Vinh không làm tròn trách nhiệm UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo". Tuy nhiên, những phản ánh này hoàn toàn không có căn cứ.

Trên thực tế, các cơ quan chức năng ở địa phương đã thực hiện hoạt động quản lý nhà nước hết sức chặt chẽ.Trong thủ tục thực hiện dự án này cũng có sự tham gia của Hội đồng Nhân dân tỉnh, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất ở Nghệ An. Và UBND tỉnh Nghệ An và các Sở quản lý ngành đã thực hiện đầy đủ, chặt chẽ các thủ tục theo quy định để triển khai dự án.

Một trong những khó khăn vướng mắc lớn nhất trong các dự án bất động sản là công tác đền bù và giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, ở dự án này, công tác này đã được chủ đầu tư thực hiện gọn gàng. Toàn bộ người dân (80 hộ trên tổng số 80 hộ) đều đã nhận tiền đền bù và hỗ trợ, và họ đều ký văn bản cam kết bàn giao mặt bằng. Sau đó, UBND tỉnh Nghệ An mới ban hành quyết định giao đất cho doanh nghiệp để triển khai dự án. Trước khi khởi công, chủ đầu tư đã hoàn thành các nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, có giấy phép xây dựng.

Chỉ vì không có biên bản bàn giao thực địa, dù trước đó Dự án đã có bàn giao các mốc ranh giới trên thực địa giữa chủ đầu tư và Văn phòng Đăng ký Đất đai tỉnh Nghệ An (Đơn vị trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) với 60 mốc được cắm, bản đồ địa chính của khu đất cũng đã được đo vẽ. Vậy nhưng doanh nghiệp này đã bị buộc phải tạm ngừng thi công đến nay đã hơn 3 tháng để chờ cơ quan chức năng kết luận có vi phạm hành chính hay không?

Các biên bản cắm mốc tại hiện trường của dự án

Nếu có vi phạm hành chính, việc làm của doanh nghiệp cũng không gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức nào. Sự việc cũng đã được các cơ quan chức năng kiểm tra nhiều lần, ghi nhận đầy đủ. Và kể từ ngày 18/12/2020, Chủ đầu tư đã hoàn toàn đủ điều kiện để Sở Tài nguyên và Môi trường bàn giao trên thực địa.

Về việc doanh nghiệp chưa có Biên bản bàn giao thực địa trước khi thi công, nguyên nhân một phần xuất phát từ sự chậm trễ của một cơ quan nhà nước. Do đó, việc tạm dừng thực hiện dự án thực sự là thiệt thòi rất lớn cho Công ty CP ĐTTM Dầu khí Nghệ An trong giai đoạn hoạt động kinh doanh khó khăn do đại dịch Covid - 19. Trường hợp này, cả về tình và lý, có thể nói chưa thật sự thỏa đáng.

Chủ đầu tư không có tranh chấp với bất kỳ cá nhân, tổ chức nào về đất đai hay dự án ở xã Hưng Lộc

Dù có vi phạm hành chính hay không, Công ty CP ĐTTM Dầu khí Nghệ An vẫn là nhà đầu tư duy nhất, đã thực hiện các thủ tục đầu tư và sẽ tiếp tục thực hiện Dự án "Nhà ở cho người thu nhập thấp và cán bộ công nhân viên" ở xã Hưng Lộc, Tp.Vinh. Các quyền của Chủ đầu tư đã được các văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác nhận, như Quyết định giao đất số 326/QĐ-UBND ngày 3/8/2020, được UBND Tp.Vinh cấp Giấy phép xây dựng số 111/UBND - QLĐT ngày 17/8/2020, Biên bản cắm mốc hiện trường ngày 25/5/2020 giữa Văn phòng Đăng ký Đất đai (thuộc Sở TNMT), Giấy phép thi công của Sở Giao thông Vận tải, ...

Giữa Công ty ĐTTM Dầu khí Nghệ An và công dân đang quyết liệt tố cáo doanh nghiệp này hoàn toàn không giao kết bất kỳ hợp đồng, thỏa thuận hay cam kết nào về việc sang nhượng hay hợp tác đầu tư dự án nói trên, hay các hoạt động đầu tư, kinh doanh khác.

Theo Văn bản số 5871/STNMT- QLĐĐ ngày 13/11/2020 của Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo UBND tỉnh Nghệ An: Ngày 30/10/2020 và ngày 10/11/2020, Sở TN và MT có làm việc với công dân đang đứng đơn tố cáo. Công dân này cung cấp một số tài liệu thể hiện rõ nội dung thỏa thuận, các bên liên quan trong thỏa thuận và các văn bản thể hiện thực hiện thỏa thuận, trong đó có văn bản: "Thỏa thuận kế hoạch đầu tư (không ghi ngày, tháng 3/2019) tại trụ sở Công ty CP Hanviland) giữa bà Trần Thị T, bà Lê Thị Bạch T, bà Lê Thị Kim Ng và ông Trần Lương S, có ký tên nhưng không có dấu."  (Trích nguyên văn trừ tên riêng được viết tắt).

Công ty CP ĐTTM Dầu khí Nghệ An cũng đang nắm giữ các tài liệu mà công dân này cung cấp. Trong văn bản thỏa thuận đầu tư nói trên có ông Trần Lương S thời điểm đó là Chủ tịch Hội đồng quản trị nhưng không phải là người đại diện theo pháp luật và văn bản không đóng dấu của doanh nghiệp này. Ba người còn lại không có liên quan trực tiếp tới pháp nhân Công ty CP ĐTTM Dầu khí Nghệ An, cũng không phải là người quản lý trong công ty.

Đáng chú ý, trong văn bản này, ông Trần Lương S không có bất kỳ cam kết nào với 3 người còn lại về việc sang nhượng hay hợp tác đầu tư Dự án "Nhà ở cho người thu nhập thấp và cán bộ công nhân viên ở xã Hưng Lộc, Tp. Vinh". Theo văn bản này, ông Trần Lương S có trách nhiệm phối hợp với bà Lê Thị Bạch T, Lê Thị Kim Ng để thay mặt bà Trần Thị T mua gom cổ phiếu Công ty CP Hanviland và Công ty CP ĐTTM Dầu khí Nghệ An. Quyền và nghĩa vụ về thỏa thuận mua gom cổ phần chỉ giữa bà Trần Thị Khánh T và bà Lê Thị Bạch T, bà Lê Thị Bạch T chỉ là người đứng tên.Trách nhiệm của ông Trần Lương S chỉ đơn giản là hỗ trợ bà Lê Thị Bạch T và Lê Thị Kim Ng.

Trong văn bản nói trên cũng như các văn bản khác hoàn toàn không thể hiện ông Trần Lương S hay Công ty CP ĐTTM Dầu khí Nghệ An phải xin ý kiến chỉ đạo hay báo cáo hoạt động của doanh nghiệp này cho bà Trần Thị T.

Căn cứ vào Thỏa thuận đầu tư nói trên cũng như các văn bản khác cho thấy đối tượng của giao dịch trong trường hợp này hoàn toàn không phải là Dự án "Nhà ở cho người thu nhập thấp và cán bộ công nhân viên ở xã Hưng Lộc, thành phố Vinh" mà là cổ phiếu của Công ty CP Havinland và Công ty CP ĐTTM Dầu khí Nghệ An. Một bên trong thỏa thuận nói trên đã nhầm lẫn giữa mục đích đầu tư và đối tượng mà thỏa thuận trên hướng tới.

Chính vì vậy, việc các cá nhân tới Dự án của Công ty ĐTTM Dầu khí Nghệ An giăng băng rôn, biểu ngữ đưa thông tin sai sự thật đã làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty này cũng như gây mất an ninh trật tự ở địa phương, tác động xấu đến môi trường đầu tư ở địa phương. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần vào cuộc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, đồng thời tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc, để pháp luật được thượng tôn. 

 Thái Quảng - Minh Tú - Theo DN&TT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Link bài gốc https://doanhnghieptiepthi.vn/nghe-an-du-an-nha-o-xa-hoi-o-hung-loc-co-phai-la-doi-tuong-tranh-chap-voi-ca-nhan-to-chuc-khac-161210305170225215.htm?utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&zarsrc=30&fbclid=IwAR1WzHNfZtPBgVovZJbDDxG11