Người dân đi lễ đền, chùa mùa Corona

06/02/2020 09:54

Kinhte&Xahoi Dù đã yêu cầu dừng các lễ hội do nguy cơ dịch nCov bùng phát nhưng tại các điểm di tích tâm linh nổi tiếng, không ít người dân tới chiêm bái, lễ phật.

Đa số người dân đều sử dụng khẩu trang và thực hiện hướng dẫn của các cơ sở thờ tự để bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng. Tuy nhiên, một bộ phận du khách nhất là thanh thiếu niên chưa ý thức hết được nguy cơ nhiễm của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra tại những nơi đông người.

Người dân đi đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) giảm đi một nửa do lo lắng dịch cúm nCov - 2019.

Tại điểm di tích tâm linh Đền Bắc Lệ thuộc xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, nơi thờ bà chúa Thượng Ngàn, một trong ba vị được thờ phụng trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam hay đền Mẫu Đồng Đăng (Lạng Sơn), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), những người đến vãn cảnh chiêm bái hay đi lễ đều đeo khẩu trang.

Các cơ sở thờ tự ngoài tuyên truyền trên loa phát thanh, còn treo nhiều băng rôn, áp phích hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh như đeo khẩu trang nơi công cộng, sát trùng tay, giữ vệ sinh cá nhân. Dù vậy vẫn có không ít du khách nhất là những bạn trẻ tỏ ra thờ ơ trước những thông tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra.

Lực lượng làm công tác bảo vệ bến xe tại đền Bà Chúa Kho.

Anh Nguyễn Hoài Nam, anh Hà Thanh Hải, du khách ở thành phố Hà Nội cùng cho biết: "Tôi đến đây thấy vắng, chắc là mọi người cũng sợ dịch bệnh. Nhiều thanh niên thậm chí trẻ con vô tư đi chùa nhưng không đeo khẩu trang như vậy không tốt cho bản thân.” 

Bà Phùng Thị Dài, người dân tỉnh Lạng Sơn: "Nhiều người đặt xe nhưng đã hủy vì lo lắng dịch bệnh tại các nơi đông người. Hầu hết mọi người đều đeo khẩu trang trừ một số thanh niên ngại đeo thôi."

Có không ít các bạn trẻ đi đền Mẫu - Đồng Đăng, Lạng Sơn tỏ ra thờ ơ trước những thông tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona đang diễn ra khó lường như hiện nay. 

So với ngày khai hội 10 tháng giêng năm ngoái, lượng du khách và phật tử đổ về đỉnh thiêng Yên Tử ( thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) giảm hơn một nửa. Ngay tại khu vực lên ga cáp treo, Ban quản lý rừng Quốc gia Yên tử đã phát hơn 1 vạn khẩu trang miễn phí và yêu cầu mọi người sát khuẩn tay trước khi lên cáp. Trên suốt hành trình lên chùa Đồng - đỉnh thiêng Yên Tử cũng có các băng rôn, khẩu hiệu hướng dẫn, tuyên truyền người dân nâng cao ý thức chống dịch.

Du khách nước ngoài đi tham quan Yên Tử (TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) cũng được yêu cầu mang khẩu trang để bảo vệ sức khỏe.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết Quảng Ninh là địa phương có tới 97 lễ hội được tổ chức dịp đầu xuân với những lễ hội lớn kéo dài nhất cả nước như Yên Tử, Ngọa Vân, Cửa Ông...

Việc dừng tất cả các lễ hội là thiệt hại lớn với ngành du lịch, văn hóa nhưng vấn đề an toàn của người dân phải được đặt lên hàng đầu: “Lúc này chúng ta không tính tới bài toán kinh tế mà cần tính tới các giá trị khác nhất là sự an toàn của người dân và du khách. Vì vậy, ngành y tế cân nhắc xem xét có nên đặt cái máy đo thân nhiệt tại các điểm chùa đông phật tử và du khách không vì chúng ta không thể cấm người dân đi bái Phật được.

Các điểm chùa, cơ sở thờ tự nên tuyên truyền cho phật tử và người dân về cách phòng chống dịch như không tập trung đông người nhất là đeo khẩu trang để bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.", ông Nguyễn Văn Thắng cho biết.
Tuy nhiên cũng còn nhiều người dân khá vô tư khi đến những nơi đông người.

Để phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, các địa phương trong cả nước đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dừng tất cả các lễ hội, hạn chế tổ chức các hoạt động tập trung đông người...


Trên suốt hành trình lên chùa Đồng - đỉnh thiêng Yên Tử có các băng rôn, khẩu hiệu hướng dẫn, tuyên truyền người dân nâng cao ý thức chống dịch.

Đây là việc làm cần thiết và cần làm ngay để giám sát và phòng chống dịch bệnh đang phát triển khó lường như hiện nay. Tuy nhiên, để công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả rất cần sự hợp tác và ý thức tự giác của mỗi người dân. Đó là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng khỏi dịch bệnh./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Theo VOV/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/nguoi-dan-di-le-den-chua-mua-corona-d116692.html