Nguyên nhân doanh nghiệp bảo hiểm không được kinh doanh bất động sản

06/07/2022 08:25

Kinhte&Xahoi Việc cấm kinh doanh bất động sản để đảm bảo doanh nghiệp bảo hiểm có đủ khả năng chi trả, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.

Đây là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi tại cuộc họp công bố các luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3, trong đó có Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 gồm 7 chương, 157 điều, trong đó có sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến việc thực hiện cam kết của Việt Nam về thành lập chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, về tỉ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp bảo hiểm.

Cùng với đó là những sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan. Sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn, giải quyết những vướng mắc trong thời gian vừa qua về bảo hiểm bắt buộc, doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp tái bảo hiểm, bảo hiểm vi mô.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi giới thiệu về Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). (Ảnh: MOF)

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng cho biết, trong hoạt động nghiệp vụ, luật quy định cho phép doanh nghiệp bảo hiểm chủ động trong việc thiết kế, xây dựng sản phẩm bảo hiểm và chỉ phải đăng ký với Bộ Tài chính phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe cơ giới (trừ bảo hiểm bắt buộc); bổ sung quy định về hoạt động thuê ngoài.

Luật bổ sung quy định về an toàn tài chính, trong trường hợp tỷ lệ an toàn vốn ở mức phải áp dụng biện pháp can thiệp, biện pháp cải thiện sớm, biện pháp kiểm soát, quy định trách nhiệm của doanh nghiệp, chủ sở hữu, thành viên góp vốn, hội đồng quản trị, ban kiểm soát; Bổ sung yêu cầu công khai thông tin định kỳ, công khai thông tin thường xuyên, công khai thông tin bất thường để đảm bảo thông tin về doanh nghiệp bảo hiểm rõ ràng, minh bạch.

Đặc biệt, luật đã bổ sung quy định về sản phẩm, tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô để tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển bảo hiểm vi mô.

Ngoài ra, luật có các sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao yêu cầu quản lý nhà nước như bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính trong quản lý, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm; Bổ sung quy định Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan quản lý bảo hiểm nước ngoài trong việc quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với các chi nhánh của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam...

Cũng theo lãnh đạo Bộ Tài chính, Luật Kinh doanh bảo hiểm trước đây quy định doanh nghiệp bảo hiểm được đầu tư lĩnh vực gì, còn luật năm 2022 quy định doanh nghiệp không được làm gì, còn lại doanh nghiệp được chủ động thực hiện.

Trong các lĩnh vực không được làm có kinh doanh bất động sản, bởi đây là lĩnh vực rủi ro rất cao. Việc quy định như vậy để đảm bảo doanh nghiệp bảo hiểm có đủ khả năng chi trả, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.

Liên quan đến các hình thức đầu tư bất động sản gián tiếp mà luật quy định được tham gia như mua chứng chỉ quỹ, chứng khoán…, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, đây là những phát sinh trong thực tế, đã được tính đến mức độ rủi ro.

"Những loại hình này đều được niêm yết công khai trên thị trường chứng khoán theo quy định của Luật Chứng khoán, đã được xem xét, đánh giá rủi ro nên doanh nghiệp bảo hiểm có thể tham gia. Ngoài ra, doanh nghiệp có trụ sở không sử dụng hết cũng có thể cho thuê, để tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp", ông Chi cho biết.

 Hậu Lộc - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/nguyen-nhan-doanh-nghiep-bao-hiem-khong-duoc-kinh-doanh-bat-dong-san-200330.html