Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 7/2023

23/06/2023 11:01

Kinhte&Xahoi Nhiều chính sách về tinh giản biên chế, phí thẩm định dự toán xây dựng, mức lương cơ sở... có hiệu lực kể từ tháng 7/2023.

Mức thu phí thẩm định dự toán xây dựng

Có hiệu lực từ 1/7/2023, Thông tư số 27/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng

Mức thu phí theo quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này. Cụ thể như sau: Phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng tối đa không quá 150.000.000 đồng/chi phí thẩm định/cơ quan thẩm định và tối thiểu không dưới 500.000 đồng/chi phí thẩm định/cơ quan thẩm định.

Chính sách nghỉ hưu trước tuổi

Việc xác định tuổi hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi đối với cán bộ, công chức, viên chức được xác định theo tuổi nghỉ hưu thực tế cả từng người (quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II Nghị định số 135/2020/NĐ-CP) để đảm bảo phù hợp với quy định tại Kết luận số 08-KL/TW ngày 15/6/2021 của Bộ Chính trị về tuổi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.

Theo đó, điều chỉnh điều kiện hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi đối với nữ cán bộ, công chức cấp xã có từ đủ 15 năm và dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội đảm bảo phù hợp với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019.

5 vị trí công tác định kỳ chuyển đổi ngành nông nghiệp

Có hiệu lực từ 17/7/2023, Thông tư 01/2023/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý theo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tại chính quyền địa phương.

Theo Thông tư này, có 5 vị trí công tác trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý theo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tại chính quyền địa phương cần định kỳ chuyển đổi bao gồm:

1- Quản lý động vật thuộc danh mục quý hiếm;

2- Kiểm dịch động vật;

3- Kiểm lâm;

4- Kiểm soát thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, bệnh động vật, gia súc, gia cầm;

5- Theo dõi, quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản, quản lý chất lượng an toàn vệ sinh, thú y, thủy sản.

Hình minh hoạ. (Ảnh: VGP)

Mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/tháng

Có hiệu lực từ ngày 1/7/2023, Nghị định số 24/2023/NĐ-CP ngày 14/5/2023 quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Theo đó, từ ngày 1/7/2023, áp dụng mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng cho 9 nhóm đối tượng gồm: Cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019); Cán bộ, công chức cấp xã quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019); Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019); Người làm các công việc theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc trường hợp được áp dụng hoặc có thỏa thuận trong hợp đồng lao động áp dụng xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;

Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế tại các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động theo quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 33/2012/NĐ-CP); Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân; Người làm việc trong tổ chức cơ yếu; Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố.

Chính sách tinh giản biên chế

Có hiệu lực từ từ ngày 20/7/2023 đến hết ngày 31/12/2030, Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 3/6/2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế (thay thế Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018, Nghị định số 143/2020/NĐ-CP ngày 10/12/2020) và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/7/2023. Trong đó có những điểm mới về chính sách tinh giản biên chế.

Thay đổi mức thu phí cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Có hiệu lực từ 21/7/2023, Thông tư 36/2023/TT-BTC ngày 6/6/2023 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O).

Mức thu phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) được quy định như sau: Trường hợp cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa: 60.000 đồng/bộ; Trường hợp cấp lại giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa: 30.000 đồng/bộ C/O.

Người nộp phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) là thương nhân có hồ sơ đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Người nộp phí thực hiện nộp phí theo mức thu trên cho tổ chức thu phí khi nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Nguyễn Xinh - Pháp luật Plus

 

 

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/nhieu-chinh-sach-moi-co-hieu-luc-tu-thang-7-2023-d195315.html