Người tiêu dùng mua thực phẩm tại siêu thị WinMart ở thành phố Hồ Chí Minh.
Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại siêu thị WinMart (phường Tân Thuận Đông, quận 7) cho thấy, các quầy thịt gia súc, gia cầm tại đây khá dồi dào, mức giá được niêm yết tương đương mức giá trước Tết Nguyên đán 2022. Chị Bùi Thanh Vy, thường xuyên đi siêu thị tại đây cho biết, từ sau Tết tới nay, mỗi ngày chị đều dành thời gian đi siêu thị để có thực phẩm tươi ngon nhất. “Tôi nhận thấy nguồn cung thịt gia súc, gia cầm dồi dào, giá ổn định nên không cần mua nhiều dự trữ”, chị Bùi Thanh Vy chia sẻ.
Tại các hệ thống siêu thị lớn khác như Co.opmart, Big C… lượng phân phối thịt gia súc, gia cầm cũng khá dồi dào. Một số siêu thị còn tổ chức các chương trình khuyến mại hấp dẫn. Đơn cử, từ ngày 20-2 đến 28-2, hệ thống Co.opmart, Co.op Food và Finelife của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) tổ chức chương trình “Lễ hội thịt gia súc” tại thành phố Hồ Chí Minh. Thông qua chương trình, nhiều sản phẩm từ thịt lợn, thị bò của các thương hiệu như Vissan, Anh Hoàng Thy, Nam Phong được giảm giá từ 15% trở lên, đặc biệt có mặt hàng giảm đến 63%. Bên cạnh đó, một số sản phẩm từ thịt gà cũng giảm ít nhất 15%.
Còn tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, ghi nhận cho thấy không có tình trạng khan hàng, tăng giá các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm. Tại chợ Rạch Ông (quận 8), tiểu thương Nguyễn Thị Phượng (kinh doanh thịt lợn) cho biết, các nguồn cung ứng sản phẩm thịt hiện khá dồi dào, sức mua bình thường và giá cả luôn được giữ ổn định để kích thích tiêu dùng.
Về phía các nhà cung ứng, bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà (chuyên sản xuất sản phẩm từ thịt gia cầm) cho biết, năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, đầu năm 2022, giá xăng dầu tăng cao tiếp tục gây áp lực đầu vào lẫn đầu ra của doanh nghiệp. “Chúng tôi đặt mục tiêu phát triển bền vững nên đã chú trọng đầu tư, nâng cấp năng lực sản xuất tại các nhà máy bằng dây chuyền, thiết bị hiện đại để tối ưu hóa chi phí sản xuất, từ đó giúp duy trì sản lượng và giữ ổn định giá cả các mặt hàng”, bà Phạm Thị Ngọc Hà cho hay.
Theo Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, các cơ quan chức năng luôn theo dõi sát sao diễn biến của thị trường, các biến động khách quan lẫn chủ quan để kịp thời quản lý, điều tiết thị trường, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng. Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương cho biết, các cơ quan có liên quan của thành phố sẽ thường xuyên thanh tra, kiểm tra các đầu mối cung ứng, nếu phát hiện tình trạng găm hàng, tăng giá sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
Nhằm bảo đảm sản phẩm thịt gia súc, gia cầm lưu thông trên thị trường an toàn, đáp ứng nhu cầu của người dân và kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch quản lý, kiểm soát thị trường, hoạt động lưu thông, vận chuyển và kinh doanh thịt gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố trong năm 2022.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết, đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường quản lý, kiểm tra các đầu mối sản xuất, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, các điểm bán, điểm kinh doanh truyền thống và hiện đại, bảo đảm chuỗi cung ứng vận hành hiệu quả, an toàn. Kế hoạch cũng tăng cường công tác truy vết nguồn gốc thịt gia súc, gia cầm; khuyến khích các trang trại, hộ chăn nuôi và các cơ sở, nhà máy chế biến ứng dụng công nghệ sản xuất xanh, sạch, nâng cao năng suất, sản lượng, an toàn thực phẩm, đồng thời bảo vệ môi trường. "UBND thành phố yêu cầu chính quyền các địa phương tăng cường trách nhiệm và quy định về phân công, phân cấp, phối hợp trong việc kiểm soát các nguồn cung ứng thịt gia súc, gia cầm", ông Dương Anh Đức nói.
Trọng Ngôn - Hà Nội mới