Ông Lê Văn Vọng bất ngờ rút hết vốn khỏi Tập đoàn Lã Vọng

06/07/2018 15:11

Kinhte&Xahoi Ông Lê Văn Vọng - chủ tịch HĐQT của Công ty cổ Phần Lã Vọng Group (Tập đoàn Lã Vọng) đã bất ngờ thoái toàn bộ vốn khỏi Tập đoàn Lã Vọng và Công ty Ngôi Nhà mới.

Ông Lê Văn Vọng cùng các cổ đông sáng lập ra Tập đoàn Lã Vọng cũng như Công ty Ngôi nhà mới vừa thoái toàn bộ vốn. Ngoài ra, Công ty Ngôi nhà mới và Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại Louis (hai doanh nghiệp có liên quan đến Tập đoàn Lã Vọng) đã đồng loạt thoái vốn khỏi Công ty Hoàng Mai vào tháng 2/2018.

Động thái của ông Lê Văn Vọng diễn ra cùng thời điểm Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thanh tra các dự án có liên quan đến Tập đoàn này.

Ông Lê Văn Vọng bất ngờ rút hết vốn khỏi Tập đoàn Lã Vọng.

Được biết, công ty cổ phần Lã Vọng Group (Tập đoàn Lã Vọng) được thành lập vào ngày 2/8/2016 do ông Lê Văn Vọng làm Chủ tịch HĐQT. Tiền thân của Tập đoàn Lã Vọng là Công ty cổ phần Thương mại Ngôi nhà mới (Công ty Ngôi nhà mới) và chuỗi hệ thống các nhà hàng Lã Vọng, các quán cafe dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân.

Tập đoàn này có vốn điều lệ 500 tỷ đồng với 3 cổ đông sáng lập gồm: ông Lê Văn Hải (100 tỷ đồng); bà Đặng Thị Như Trang (100 tỷ đồng) và ông Lê Văn Vọng (300 tỷ đồng).

Công ty Ngôi nhà mới được thành lập vào ngày 13/11/2003, chuyên về đầu tư. Ông Lê Văn Vọng là người đại diện pháp luật của Ngôi nhà mới, đồng thời là một trong ba cổ đông sáng lập với 97,97% cổ phần. Hai cổ đông sáng lập còn lại là ông Lê Văn Vân và bà Ngô Thị Toàn. Ông Lê Văn Vọng và ông Lê Văn Vân có cùng địa chỉ đăng ký hộ khẩu thường trú tại Hà Nội.

Trước đó, vào ngày 6/7/2018, toà soạn đã đăng tải bài viết “Thanh tra các dự án 'đất vàng' của Tập đoàn Lã Vọng ở Hà Nội” về việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện các dự án của Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng và các đơn vị thành viên trên địa bàn TP. Hà Nội. Nguyên nhân là bởi thời gian qua, báo chí liên tiếp phản ánh việc doanh nghiệp này được ưu ái nhiều khu “đất vàng” để thực hiện dự án bất động sản, sản xuất kinh doanh, giao thông theo hình thức hợp đồng BT. Trong đó, có một số dự án không qua đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định, có dấu hiệu không minh bạch.

Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ thành lập đoàn thanh tra liên ngành có sự tham gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng thanh tra toàn diện các dự án nêu tại Văn bản số 62/BC-UBND ngày 5/3/2018 của UBND TP. Hà Nội.

Thủ tướng cũng yêu cầu cần kết luận đầy đủ, chính xác, khách quan về các vấn đề liên quan và kiến nghị xử lý theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/12/2018.

Việc Tập đoàn Lã Vọng bị Thủ tướng yêu cầu thanh tra xuất phát từ đề nghị của Bộ Tài chính với Thanh tra Chính phủ rà soát dấu hiệu không thực hiện đúng mục đích đầu tư, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đất đai và xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa sát với giá trị thị trường làm thất thu ngân sách nhà nước, tại dự án New House Xa La do Tập đoàn Lã Vọng làm chủ đầu tư.

Một trong những dự án tai tiếng gần đây của Lã Vọng là Dự án Trụ sở làm việc và căn hộ chung cư kết hợp dịch vụ thương mại New House Xa La. Dự án này là đất của Công ty Sông Nhuệ. Sau đó, Công ty Sông Nhuệ đã hợp tác với Công ty Ngôi nhà mới (một doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Lã Vọng). Nhưng bản chất thật của thương vụ này là Tập đoàn Lã Vọng bỏ tiền cải tạo, tân trang trụ sở làm việc cho Công ty Sông Nhuệ và nắm quyền khai thác kinh doanh “đất vàng” nhưng thực hiện trên danh nghĩa hợp tác.

 

Dự án New House Xa La xây dựng ngay giáp bờ sông Nhuệ nơi các công trình phục vụ thoát nước được bảo vệ bởi các biển báo sơ sài 

 

Cụ thể, vào ngày 08/01/2014, UBND TP. Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 01121001670 cho Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Nhuệ (Công ty Sông Nhuệ) và Công ty Ngôi nhà mới với nội dung để thực hiện dự án Trụ sở làm việc (cơ sở 2 Khu đô thị Xa La) và căn hộ chung cư kết hợp dịch vụ thương mại tại khu Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông.

Tiếp đó, ngày 16/10/2014, UBND TP. Hà Nội có Quyết định số 5315/QĐ-UBND cho phép Công ty Sông Nhuệ chuyển mục đích sử dụng 10.553m2 đất tại Xa La để thực hiện dự án với nội dung là “đầu tư xây dựng Trụ sở làm việc (cơ sở 2) và căn hộ chung cư kết hợp dịch vụ thương mại”. Quyết định này sau đó được điều chỉnh một số nội dung bởi Quyết định 6589/QĐ-UBND ngày 9/12/2014 của UBND TP. Hà Nội.

Đến ngày 16/1/2015, Công ty Sông Nhuệ đã ký một Hợp đồng ủy quyền “toàn diện” (số 71/HĐUQ/SN2-NNM) cho Công ty Ngôi nhà mới thực hiện đầu tư xây dựng dự án trên.

Sau sự hợp tác này, hiện Công ty Sông Nhuệ phải đi thuê lại tầng 2 Tòa nhà Thủy lợi số 28A, đường Lê Trọng Tấn, Hà Đông để làm trụ sở làm việc và nhường “đất vàng” 10.553m2 cho Công ty Ngôi nhà mới thực hiện dự án New House Xa La.

Hiện Công ty Sông Nhuệ phải đi thuê lại tầng 2 Tòa nhà Thủy lợi số 28A, đường Lê Trọng Tấn, Hà Đông để làm trụ sở làm việc 

Mặc dù TP. Hà Nội chưa có chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp thủy lợi và Công ty Sông Nhuệ không thuộc diện cổ phần hóa nhưng Tập đoàn Lã Vọng vẫn thâu tóm được diện tích đất trên để triển khai dự án bất động sản.

Mới đây Bộ Tài chính cũng có đánh giá sau khi rà soát các DNNN thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất (trong đó có dự án New House Xa La của Liên doanh Công ty Sông Nhuệ và Ngôi nhà mới). Theo đó, việc sắp xếp lại cơ sở, nhà đất của doanh nghiệp nhà nước tại dự án New House Xa La để xây dựng Trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, nhà ở không thực hiện đấu giá theo quy định tại Điều 118 Luật Đất đai 2013.

Lã Vọng tiếp tục nổi đình nổi đám khi tháng 7/2017, UBND TP Hà Nội có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho Công ty cổ phần Đầu tư Louis Group (thuộc Tập đoàn Lã Vọng) được chỉ định thầu thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La – Xuân Mai theo hình thức BT với tổng mức đầu tư 8.800 tỷ đồng. Đổi lại, Louis Group được TP. Hà Nội trả 441ha đất tại hàng loạt quận, huyện ở Hà Nội. Điều đáng nói là Louis Group mới thành lập từ tháng 3/2017.

Đặc biệt, một “siêu dự án” khác của Lã Vọng, dự án Louis City Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm) là tổ hợp dự án gồm nhiều sản phẩm bất động sản, như biệt thự, liền kề, shophouse, căn hộ chung cư cao cấp cùng nhiều tiện ích đẳng cấp khác với quy mô lên đến 30 ha, với gần 600 căn liền kề, 28 căn biệt thự, 2.000 căn chung cư cao cấp.

Hơn một năm về trước, khu đất này vẫn là một bãi hoang tập kết phế liệu, phần lớn diện tích đất tại đây là đất nông nghiệp của người dân phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm). Nhưng bằng việc được UBND TP Hà Nội chỉ định thầu thực hiện dự án BT cải tạo hồ ở quận Long Biên, Tập đoàn Lã Vọng đã được giao 9,9ha đất tại khu vực này để triển khai "siêu dự án" trên.

“Thế giới bia Lã Vọng” được xây dựng trên khu “đất vàng" ở khu vực Trung Hòa, Nhân Chính.

Bên cạnh những tai tiếng về các dự án bất động sản, Lã Vọng còn có một số công trình "mọc" sai quy định như nhà hàng Lã Vọng tại khu Trung Hoà - Nhân Chính (quận Cầu Giấy), nơi vốn được quy hoạch làm bãi đỗ xe, cây xanh, vườn hoa. Một công trình tương tự cũng sai phạm tương tự tại hồ Đống Đa.

Việc ông chủ chiếc Rolls-Royce biển 15555 thoái sạch vốn tại nhiều doanh nghiệp khiến người ta nhớ lại động thái tương tự của nhiều đại gia gần đây. Cũng gốc Hà Nội như ông Vọng là đại gia Trần Đăng Khoa (Khoa “Keangnam”). Tại Đà Nẵng là ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ “Nhôm”). Ông Vũ “nhôm” cũng đã thoái sạch vốn của mình ở hàng loạt công ty sau khi “có biến” trong vụ đất công ở Đà Nẵng.

 

Theo KD & PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM