Phát huy hiệu quả hoạt động giám sát, thể hiện tính đặc thù của mô hình chính quyền đô thị

21/02/2022 14:09

Kinhte&Xahoi Trong điều kiện Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội, Thường trực HĐND TP tiếp tục chỉ đạo thực hiện nhiều đổi mới nhằm nâng cao chất lượng và mở rộng hoạt động giám sát xuống cơ sở, nhất là các địa bàn không tổ chức HĐND phường.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà phát biểu tham luận tại hội nghị

Tham luận tại Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022 (khu vực miền Bắc) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 21/2, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho biết: Năm 2021, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, HĐND TP Hà Nội đã phối hợp tổ chức cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công rất tốt đẹp. Đồng thời, HĐND TP nỗ lực vào cuộc quyết liệt, sát sao cùng cả hệ thống chính trị trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Các hoạt động của HĐND TP được tổ chức khoa học, vừa đảm bảo chất lượng, nội dung vừa linh hoạt, phù hợp với tình hình phòng chống dịch. Từ cách làm của thành phố, HĐND các cấp cũng đã vận dụng các hình thức tổ chức hoạt động của cấp mình đạt hiệu quả cao.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội chia sẻ, nhiệm kỳ 2021-2026, thành phố Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị. Đồng thời, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 160/2021/QH14 về thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội. Việc thực hiện các nội dung này đã tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động nhưng cũng đòi hỏi HĐND thành phố cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động, trong đó có hoạt động giám sát.

Để nâng cao chất lượng hoạt động nói chung, hoạt động giám sát nói riêng khi triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026, Đảng đoàn, Thường trực HĐND TP Hà Nội đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành đề án “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội”.

Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các tổ đại biểu và đại biểu HĐND đã xây dựng kế hoạch giám sát ngay từ đầu năm. Trong đó, xác định rõ nội dung giám sát chuyên đề, nội dung chất vấn, nội dung giải trình; Thời gian thực hiện; Đối tượng giám sát...; Lựa chọn đúng và trúng nội dung giám sát là những vấn đề dân sinh bức xúc hoặc những tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước được đông đảo dư luận cử tri quan tâm; Những vấn đề phát hiện qua hoạt động giám sát, khảo sát của các ban, đặc biệt qua các kênh thông tin báo chí, dư luận xã hội và kết luận, chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy. Hình thức giám sát được thực hiện theo hướng linh hoạt và đa dạng, phù hợp với tình hình phòng, chống dịch…

Đặc biệt, trong điều kiện Hà Nội thực hiện Nghị quyết 97/2019/QH14 của Quốc hội, Thường trực HĐND tiếp tục chỉ đạo thực hiện nhiều đổi mới nhằm nâng cao chất lượng và mở rộng hoạt động giám sát xuống cơ sở, nhất là ở các địa bàn không tổ chức HĐND phường. Kết luận của nhiều cuộc giám sát, khảo sát được sử dụng làm căn cứ để Thường trực HĐND tổ chức chất vấn, giải trình, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân; Từ đó, yêu cầu các cơ quan, chính quyền phải xác định giải pháp, lộ trình khắc phục, xử lý tồn tại, hạn chế, vướng mắc.

Để hoạt động giám sát của HĐND thực sự phát huy hiệu quả hơn nữa, thể hiện được tính đặc thù của mô hình chính quyền đô thị, thay mặt Thường trực HĐND thành phố Hà Nội, đồng chí Phùng Thị Hồng Hà kiến nghị đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể về cơ chế giám sát, cũng như quy định rõ các hình thức giám sát của HĐND thành phố, HĐND quận, thị xã với UBND phường khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị; Quy định cụ thể về thẩm quyền, nhiệm vụ đối với cơ quan giám sát để có thể phát huy vai trò giám sát, vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.

“Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo ban hành các quy định về chế tài sau giám sát; Quy định về trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị được giám sát trong việc thực hiện các kết luận giám sát của HĐND TP, quận, huyện, thị xã; Đặc biệt là trong việc giám sát hoạt động của UBND, Chủ tịch UBND phường tại các quận, thị xã; Tránh trường hợp chủ quan, lơ là trong hoạt động khi không có HĐND phường giám sát”, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội phát biểu.

Đồng chí Phùng Thị Hồng Hà cho biết, nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND TP Hà Nội tiếp tục đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quan tâm, chỉ đạo để bố trí tối đa số lượng đại biểu chuyên trách HĐND quận, huyện, thị xã theo quy định của Luật. Thực tế chỉ ra, việc tăng thêm đại biểu chuyên trách giúp cho hoạt động của HĐND các cấp được sâu, rộng hơn và chất lượng được nâng cao hơn.

“Đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng thẩm quyền cho Thường trực HĐND cấp tỉnh để giải quyết công việc giữa 2 kỳ họp HĐND… Quy định như vậy sẽ giúp cho Thường trực HĐND cấp tỉnh sự chủ động, linh hoạt, hiệu quả mà không phải chờ đến kỳ họp HĐND”, đồng chí Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh.

 Hạnh Nguyên - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng: Thấp thỏm trước giờ G!

Nếu không có đại dịch COVID-19 thì Nghị quyết 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) có thể sẽ hoàn thành sứ mệnh vào ngày 15/8 tới. Thời điểm Nghị quyết 42 hết hiệu lực đang đến gần trong khi câu chuyện nợ xấu vẫn đang là nỗi lo không chỉ với ngành ngân hàng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/phat-huy-hieu-qua-hoat-dong-giam-sat-the-hien-tinh-dac-thu-cua-mo-hinh-chinh-quyen-do-thi-190295.html