Phát huy hơn nữa vai trò và sức sáng tạo của báo chí Thủ đô

21/06/2022 08:24

Kinhte&Xahoi Với vai trò là một kênh thông tin quan trọng đáp ứng yêu cầu của quá trình xây dựng và phát triển thành phố, báo chí Thủ đô đã tích cực đổi mới hình thức tuyên truyền, phát huy mạnh mẽ vai trò định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội. Cùng với sự nỗ lực của các cơ quan báo chí, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm phát huy vai trò, sức sáng tạo của báo chí nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị của thành phố Hà Nội.

Nhân dịp 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2022), Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương đã có những chia sẻ để có cái nhìn rõ hơn về nội dung này.

Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương

Năng động, đồng hành cùng chính quyền thành phố

-PV: Thưa bà, hai năm qua, cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng đã trải qua nhiều biến động bởi tác động của dịch bệnh. Đây cũng là hai năm rất sôi động của báo chí. Với vai trò là cơ quan quản lý báo chí, bà đánh giá như thế nào về những nỗ lực và sự năng động của báo chí Thủ đô trong thời gian qua?

- Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương: Hà Nội là Thủ đô, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước; Phần lớn các cơ quan báo chí Trung ương, Bộ, ngành đều có trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại đây.

Với vai trò là một kênh thông tin quan trọng, đáp ứng yêu cầu thúc đẩy quá trình xây dựng và phát triển thành phố, báo chí Thủ đô đã tích cực đổi mới hình thức tuyên truyền; Thông tin kịp thời, toàn diện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội; Đồng hành cùng các cấp, các ngành hoàn thành các chỉ tiêu, phát huy mạnh mẽ vai trò tích cực của cơ quan truyền thông trong việc giám sát, định hướng dư luận tạo đồng thuận xã hội.

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hai năm qua, báo chí thực sự là một trong các lực lượng ở tuyến đầu. Cùng với các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, báo chí Thủ đô đã vào cuộc với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Các tòa soạn làm việc ngày đêm, ở đâu có hoạt động chống dịch, ở đó có phóng viên báo chí. Dù làm việc trong điều kiện chống dịch nghiêm ngặt và bản thân các cơ quan báo chí cũng gặp nhiều khó khăn do nguồn thu giảm mạnh… song chính trong bối cảnh nhiều thách thức đó, báo chí Thủ đô đã có những bứt phá mạnh mẽ về mặt công nghệ để phục vụ các nhiệm vụ chống dịch cấp bách.

Nhiều cơ quan báo chí đã xây dựng thành công mô hình báo chí đa phương tiện. Phóng viên ra hiện trường có thể chủ động tác nghiệp đa dạng, vừa chụp ảnh, viết bài cho báo in đồng thời làm báo điện tử, các loại hình truyền thông đa phương tiện được tận dụng, phát huy… Chính vì vậy, báo chí Thủ đô đã thông tin kịp thời, nhanh chóng, toàn diện các chỉ đạo của Trung ương và thành phố Hà Nội trong công tác phòng, chống dịch; Những nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đều được báo chí phản ánh đậm nét, sinh động.

Ngoài nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu biết về dịch bệnh; Tuân thủ chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan chức năng; Các cơ quan báo chí đã thông tin tích cực, phản ánh nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ, chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch. Những hình ảnh, hành động nghĩa tình, những câu chuyện đẹp trong giai đoạn chống dịch được báo chí chuyển tải đã tạo sự lạc quan, tin tưởng, đoàn kết của người dân Thủ đô và cả hệ thống chính trị thành phố cùng hướng đến mục tiêu chiến thắng đại dịch…

Sở TT&TT Hà Nội thăm, chúc mừng báo Tuổi trẻ Thủ đô nhân ngày 21/6

Có thể khẳng định, tinh thần sẵn sàng cống hiến, hy sinh của những người làm báo Thủ đô đã luôn luôn được phát huy. Các cơ quan báo chí thành phố thật sự là cầu nối giữa chính quyền và người dân, từ đó tạo sự đồng thuận của người dân trong thực hiện hiệu quả những chủ trương, quyết sách của Trung ương và thành phố, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Khuyến khích sáng tạo tác phẩm báo chí bằng nhiều hình thức hiện đại

- PV: Để phát huy vai trò và sức sáng tạo của báo chí, Sở TT&TT Hà Nội đã có những chỉ đạo và phối hợp như thế nào với các cơ quan báo chí thành phố, thưa bà?

- Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương: Cùng với sự nỗ lực của các cơ quan báo chí, Sở TT&TT Hà Nội cũng đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh sự phối hợp với các cơ quan báo chí trong việc đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của thành phố Hà Nội.

Trong công tác phối hợp tuyên truyền hằng năm với các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội, Sở TT&TT luôn khuyến khích các cơ quan báo chí sáng tạo tác phẩm báo chí bằng nhiều hình thức hiện đại như longform, e-magazine, megastory, infographic… qua đó nâng cao hiệu quả tuyên truyền, hiệu ứng xã hội tích cực; Đẩy mạnh tuyên truyền thông tin về Thủ đô Hà Nội qua các fanpage, kênh YouTube, trang thông tin điện tử của cơ quan báo chí.

Gần đây nhất, cùng với các tiểu ban truyền thông về phòng chống dịch, bệnh COVID-19 hay SEA Games 31, Sở đã lên kịch bản truyền thông đề nghị các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở thực hiện công tác tuyên truyền. Theo đó, từng nội dung của các nhiệm vụ được xây dựng một cách cụ thể, sinh động, phù hợp với tình hình địa phương.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương phát biểu tại hội nghị giao ban công tác báo chí thành phố

Sở đã thực hiện lan tỏa nhiều thông tin của các cơ quan báo chí qua hệ thống thông tin điện tử như trang thông tin điện tử tổng hợp, các diễn đàn lớn để người dân hiểu, đồng thuận và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thành phố, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển; Định hướng dư luận theo chiều hướng tích cực, tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân.

Thông qua mạng xã hội, các văn bản chính thống được nhiều người chia sẻ một cách nhanh chóng, kịp thời đã trở thành công cụ đắc lực, một kênh truyền thông hiệu quả trong việc thông tin, tuyên truyền các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Bên cạnh đó, Sở cũng chỉ đạo, huy động hệ thống thông tin cơ sở vào cuộc để tạo hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ hơn.

- PV: Trong thời gian qua, việc phối hợp tổ chức họp báo, định hướng thông tin dư luận đã được Sở TT&TT phối hợp với UBND TP thực hiện hiệu quả, hạn chế những thông tin sai lệch với chủ trương, định hướng của thành phố. Tới đây, Sở có tham mưu gì để nâng cao hiệu quả của hoạt động này thưa bà?

 - Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương: Để thực hiện tốt Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính Nhà nước thành phố Hà Nội, Sở TT&TT đã và đang đẩy mạnh hoạt động cung cấp thông tin cho báo chí.

Theo đó, bên cạnh việc phối hợp Văn phòng UBND TP duy trì tổ chức họp báo về tình hình kinh tế - xã hội của thành phố, Sở TT&TT sẽ tiếp tục phối hợp các cơ quan thành phố cung cấp thông tin cho báo chí qua nhiều hình thức khác như: Cổng giao tiếp điện tử, Cổng thông tin điện tử Sở (chuyên mục Thông tin báo chí), email công vụ… Đặc biệt, Sở đẩy mạnh việc cung cấp thông tin qua mạng xã hội như Zalo, Lotus; Duy trì việc tổ chức, hướng dẫn và cung cấp thông tin cho phóng viên chuyên trách của các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội qua các nhóm Zalo, Facebook… Đây là những kênh thông tin hữu hiệu để cung cấp tin tức nhanh chóng, kịp thời và chính xác cho báo chí tuyên truyền về các hoạt động của thành phố.

Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã đóng góp tích cực vào thành công của SEA Games 31

Sở cũng sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố nâng cao chất lượng nội dung cổng thông tin điện tử của các cơ quan Nhà nước thành phố Hà Nội.

Sở TT&TT duy trì công tác điểm tin hằng ngày, thực hiện gửi nội dung thông tin vụ việc được phản ánh (qua công tác tổng hợp thông tin báo chí, trang tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội hằng ngày) đề nghị Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chủ động kiểm tra, xử lý, trả lời báo chí theo quy định đối với những vấn đề liên quan đến lĩnh vực do mình quản lý.

Thực hiện vai trò quản lý Nhà nước, Sở TT&TT sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan ngăn chặn, xử lý kịp thời những thông tin chưa chính xác, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội; Chủ động cung cấp thông tin chính thống và đề nghị các cơ quan báo chí phản bác lại các thông tin giả, sai sự thật, tuyên truyền nâng cao nhận thức; Khuyến cáo người dân không chia sẻ những tin tức chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội.

Ngoài ra, Sở cũng thường xuyên mở các lớp tập huấn kỹ năng cung cấp thông tin và trả lời báo chí cho người phát ngôn các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn; Trao đổi, hướng dẫn các đơn vị trên địa bàn thành phố những vấn đề liên quan đến công tác phát ngôn và xử lý thông tin báo chí theo đúng quy định của pháp luật.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của các cơ quan báo chí

- PV: Các cơ quan báo chí Hà Nội đã và đang nỗ lực chuyển đổi số trên các mặt hoạt động. Với vai trò dẫn dắt chuyển đổi số, bà có thể cho biết, Sở TT&TT sẽ có những hỗ trợ gì cho các cơ quan báo chí để cùng với công nghệ, vai trò, ảnh hưởng của báo chí ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn?

- Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương: Chuyển đổi số đang là câu chuyện của tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó báo chí là một trong những lĩnh vực chịu tác động mạnh mẽ của quá trình này. Luôn phản ứng nhanh nhạy với mọi biến động xã hội, báo chí chịu tác động trực tiếp của chuyển đổi số. Thậm chí, để có thể tiếp tục tồn tại, phát triển, thu hút độc giả, chuyển đổi số phải là xu thế tất yếu của các cơ quan báo chí hiện nay.

Các cơ quan báo chí Hà Nội đã và đang nỗ lực chuyển đổi số trên các mặt hoạt động

Trong những năm gần đây, các cơ quan báo chí đẩy mạnh những dạng thức báo chí mới dựa trên nền tảng công nghệ như longform, emagazine, megastory, infographics… và chắc chắn trong tương lai sẽ còn xuất hiện nhiều dạng thức báo chí hơn nữa. Trong công cuộc chuyển đổi số, các cơ quan báo chí hiện nay đang tập trung phát triển báo điện tử, xây dựng fanpage trên Facebook, lập kênh YouTube để tạo ra những đường dẫn giúp người đọc có thông tin nhanh, đúng và hiệu quả nhất.

Để hỗ trợ các cơ quan báo chí Hà Nội phát triển phù hợp với xu thế phát triển của khoa học công nghệ và truyền thông, Sở TT&TT đang phối hợp với các sở, ban, ngành hướng dẫn các cơ quan báo chí thành phố xây dựng đề án phát triển sau khi hoàn thành việc sắp xếp, quy hoạch; Khuyến khích các cơ quan báo chí hướng tới xu thế ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo (AI), truyền thông đa phương tiện; Trang bị cho đội ngũ làm báo những kiến thức về công nghệ, đồng thời cập nhật công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu thông tin, tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của Thành phố và nhu cầu hưởng thụ thông tin của người dân. Bên cạnh đó, Sở TT&TT sẽ tiếp tục tham mưu UBND TP đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ thông tin và công nghệ số hợp tác, hỗ trợ các cơ quan báo chí Hà Nội thực hiện chuyển đổi số trong các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

- PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!

 Hạnh Nguyên - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Gỡ vướng trong thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng xuống 8%

Ngày 20/6/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ và Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/phat-huy-hon-nua-vai-tro-va-suc-sang-tao-cua-bao-chi-thu-do-199163.html