PVR thoái vốn không xong dự án Tản Viên, còn Hanoi Time Towers vẫn treo

02/11/2018 09:22

Kinhte&Xahoi Chủ đầu tư Khu du lịch nghìn tỷ Tản Viên là Công ty CP Đầu tư PVR Hà Nội (PVR) đã có giải trình với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước về nguyên nhân kết quả hoạt động kinh doanh tăng/giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Lỗ lũy kế của PVR là 261,54%.

Theo đó, trong báo cáo tài chính (BCTC) quý 3/2018 của PVR thì lợi nhuận sau thuế âm 1,47 tỷ đồng, trong khi đó BCTC cùng kỳ năm 2017, lợi nhuận sau thuế là 0,91 tỷ đồng. Tương đương lợi nhuận sau thuế lỗ nhiều hơn 261,54% so với cùng kỳ năm 2017. Nguyên nhân là do công ty không phát sinh doanh thu, các khoản chi phí trên cho tiền lương và phục vụ sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, nợ ròng của PVR từ quý 3/2017 đang là 499,3 tỷ thì đến thời điểm quý 3/2018 đã lên đến 540,9 tỷ đồng.

PVR có thoái vốn khỏi dự án nghìn tỷ Tản Viên?

Báo cáo thường niên năm 2017 của PVR đã đề cập đến việc lên phương án để Dự án Khu du lịch cao cấp quốc tế Tản Viên (nay đổi tên Dự án Khu du lịch cao cấp MHD Suối Hai) bị thu hồi.

Công ty PVR thuê đơn vị đo đạc, tư vấn thực hiện việc đo đạc thành lập bản đồ hiện trạng tỷ lệ 1/500, đối soát, biên tập bản đồ hiện trạng 1/2000 phục vụ công tác điều chỉnh quy hoạch và việc quy hoạch chi tiết khu du lịch, dịch vụ Hồ Suối Hai, huyện Ba Vì, TP Hà Nội, tỷ lệ 1/500 để nộp hồ sơ Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng Khu du lịch cao cấp Tản Viên (nay đổi tên Dự án Khu du lịch cao cấp MHD Suối Hai) vào Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội để thẩm định.

Bản đồ quy hoạch Khu du lịch Tản Viên - Ảnh: Dân trí

Năm 2018, Công ty PVR sẽ thực hiện các bước tiếp theo của Dự án Khu du lịch cao cấp MHD Suối Hai và Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội thẩm định Hồ sơ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án và UBND TP Hà Nội quyết định phê duyệt dự án và cấp phép xây dựng.

Theo kế hoạch ban đầu, giai đoạn 1 của án kéo dài từ năm 2012 – 2014; giai đoạn 2 từ năm 2015 – 2017. Tuy nhiên, thực tế tính từ thời điểm được phê duyệt quy hoạch chung tỷ lệ 1/5000 (tháng 8/2007) đến nay, dự án Khu du lịch quốc tế Tản Viên đã triển khai hơn 10 năm nhưng hiện vẫn đang trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500.

Hơn nữa, trong BCTC bán niên 2018, PVR cho biết dự án Khu du lịch Tản Viên có thời gian bắt đầu năm năm 2007. Ngày 12/3/2014, HĐQT Công ty đã có nghị quyết giao cho Ban TGĐ Công ty tìm kiếm đối tác để thực hiện các thủ tục pháp lý để thoái vốn hoặc ký hợp đồng thỏa thuận hợp tác đầu tư. Đến ngày 30/6/2018, các công việc này vẫn đang được Ban lãnh đạo Công ty tiếp tục triển khai theo Nghị quyết Đại HĐCĐ.

Tại bản BCTC này, kiểm toán đã đưa ra ý kiến từ chối đối với CTCP Kinh doanh Dịch vụ Cao cấp Dầu khí Việt Nam (UPCoM: PVR) vì nhiều vấn đề.

Ngoài dự án Dự án Khu du lịch cao cấp quốc tế Tản Viên thì PVR còn dự án đang bị “treo” đó là dự án Dự án Hà Nội Time Towers có tổng mức đầu tư là 1.454,5 tỷ đồng. Dự án có tổng diện tích sàn xây dựng của công trình là 109.685 m2, trong đó có 62.088 m2 sàn căn hộ kinh doanh và 7.955 m2 sàn thương mại. Công trình bao gồm tổ hợp 2 tòa tháp cao 39 tầng (dự kiến có ít nhất 2 tầng hầm) với khoảng 600 căn hộ, đáp ứng đủ nhu cầu cho gần 2.500 cư dân với mức sinh hoạt cao.

Bắt đầu khởi công ngày 24/10/2010, dự kiến công trình Hanoi Time Towers sẽ được hoàn thành vào Quý IV/2013. Đến hết quý I/2013, dự án Hanoi Times Tower vẫn chưa thi công xong phần móng; đến tháng 10/2016, dự án mới xây dựng đến sàn tầng 8 và đã tạm dừng thi công từ đó đến nay.

Hà Nội Time Towers đang bị "đắp chiếu"

Đây là một dự án nổi tiếng về những lùm xùm khi mà vào năm 2017, nhiều khách hàng tố PVR huy động vốn trái phép tại dự án CT10-11 Văn Phú, Hà Đông với khách hàng thông qua thỏa thuận đặt cọc; CĐT vi phạm về việc sử dụng vốn ứng trước từ khách hàng không đúng mục đích của Công ty PVCR tại dự án CT10-11 Văn Phú, Hà Đông; CĐT vi phạm về quản lý tài chính theo quy định của pháp luật tại dự án CT10-11 Văn Phú, Hà Đông khi nhận tiền ứng trước của khách hàng; CĐT vi phạm nghiêm trọng tiến độ thực hiện dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Nguyên nhân của tình trạng ngừng thi công tại dự án trên là do PVR không thu xếp được nguồn vốn để triển khai dự án. Dẫn đến việc chủ đầu tư không đủ khả năng thanh toán cho nhà thầu.

Mặc dù nắm trong tay hàng loạt các dự án đình đám có quy mô lớn nhưng với việc toàn nợ và lỗ thì “sức khỏe” của PVR liệu còn đủ sức triển khai tiếp các khối “nghìn tỷ” kia? Trong khi Sở TNMT Hà Nội đang mạnh tay thu hồi các dự án chậm tiến độ triển khai. Đặc biệt, trong tháng 9 vừa UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu thực hiện nghiêm việc thu hồi đất, chấm dứt thực hiện dự án tại các dự án không triển khai, để hoang hóa lâu ngày, chủ đầu tư không bảo đảm năng lực thực hiện dự án, vi phạm các quy định của Luật Đất đai để lập phương án sử dụng theo quy hoạch, quy định và bảo đảm hiệu quả sử dụng đất; đề xuất và có biện pháp khắc phục những bất cập về cơ chế, chính sách trong công tác quản lý sử dụng đất đai không còn phù hợp…

 

Theo hoanhap.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đổi USD ở đâu là hợp pháp?

Đổi ngoại tệ thành Việt Nam đồng là một giao dịch tương đối phổ biến. Tuy nhiên không phải ai cũng biết quy định của pháp luật về vấn đề này.

Năm 2018: Dư nợ tín dụng có thể tăng 15,22%

Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng 4,52% trong Quý IV/2018 và tăng 15,22% trong năm 2018 trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động vốn và cho vay được các tổ chức tín dụng (TCTD) dự báo tiếp tục duy trì ổn định trong Quý IV/2018 và cả năm 2018.